Hầu hết trẻ bị trầm cảm đều xuất phát từ kỳ vọng quá lớn của cha mẹ. Để chữa lành bệnh cho con cái, các bậc cha mẹ cũng cần thay đổi nhận thức trong việc giáo dục trẻ
Hơn 1 năm trước, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương I, đã mất rất nhiều thời gian kiên trì thuyết phục mới được cha một nam sinh lớp 12, quê ở Hải Phòng đồng ý tiếp xúc.
Chuyện trò, sẻ chia
Lúc cha mẹ đưa đến bệnh viện, em này đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Gia đình khá giả, chỉ có 2 người con nên cha mẹ rất kỳ vọng em sẽ thi đậu vào một trường ĐH hàng đầu cả nước.
Trong nghề nghiệp, cha mẹ chỉ nên định hướng cho con. Trong ảnh: Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại TP HCM.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngay từ khi còn học lớp 11, em đã phải ôn luyện rất nhiều. Là một học sinh có lực học khá nhưng do người cha - vốn là doanh nhân - liên tục tạo áp lực, thậm chí mắng mỏ cay nghiệt, nên em đâm ra chán nản, lao vào chơi game. Những lúc căng thẳng đỉnh điểm, em bỏ nhà đi nhiều ngày không xin phép cha mẹ. Người mẹ đành một mình đưa con từ Hải Phòng lên Hà Nội gặp bác sĩ Cương, bởi ông bố vì quá thất vọng, không muốn nhìn mặt đứa con bất trị này nữa.
Sau khi trò chuyện với 2 mẹ con, bác sĩ Cương đề nghị được gặp người cha nhưng ông thẳng thừng từ chối. Không nản lòng, bác sĩ Cương vừa tư vấn cho người mẹ cách chăm sóc con trai vừa kiên trì gửi email cho người cha mỗi ngày.
Những email với nhiều câu chuyện có thực về trẻ mê chơi game đã cai nghiện thành công gửi đi không nhận được phản hồi. Suốt nhiều tháng liền, cuối cùng, người cha đã chấp nhận trò chuyện, chia sẻ với cậu con trai.
Khoảng 6 tháng sau, bác sĩ Cương nhận được một cuộc điện thoại đầy xúc động. Người cha gọi đến cảm ơn bác sĩ và kể rằng con trai ông đã từ bỏ game, chú tâm hơn vào học hành. Năm nay, cậu nam sinh trầm cảm ngày nào đã thi đậu vào Trường ĐH Thủy lợi.
Theo bác sĩ Cương, nhiều bậc phụ huynh khăng khăng cho rằng mình không sai, những yêu cầu đối với con là bình thường, trước đây cha mẹ họ cũng giáo dục như thế. “Nếu cha mẹ không thay đổi quan niệm thì có thể trẻ khỏi trầm cảm lần này nhưng sẽ tái diễn bệnh tật vào lúc khác” - ông khuyến cáo.
Ép quá, trẻ sẽ “bung”
Bác sĩ La Đức Cương cho biết với các trường hợp trẻ bị trầm cảm do áp lực học tập, trước tiên, thầy thuốc phải tiếp xúc và trò chuyện, đồng thời bác sĩ điều trị cũng phải làm cả “cuộc cách mạng” để thay đổi nhận thức đối với từng thành viên trong gia đình bởi mỗi trẻ có một ngưỡng nhận thức. Có thể cha mẹ là tiến sĩ, giáo sư nhưng không phải đứa con nào của họ cũng thông minh, xuất chúng.
Nếu cha mẹ đã hướng dẫn, dạy dỗ cẩn thận mà trẻ vẫn không thể đột phá thì cũng đừng quá ép uổng. Chỉ khi cha mẹ nhận thức được điều đó, con cái mới có cơ hội thoát khỏi những ám ảnh về học tập và dần dần hết triệu chứng trầm cảm.
Rất nhiều phụ huynh đã đặt mơ ước, khát vọng của mình lên vai con. Nhiều người quan niệm cứ cho con mình học nhiều, học ở lớp chọn, trường điểm, trường chuyên thì chúng sẽ thành tài. Chính việc cha mẹ đặt kỳ vọng lớn nhưng lại không đánh giá đúng khả năng, không quan tâm đến tâm sinh lý của con khiến trẻ bị rối loạn, khủng hoảng tâm lý, stress và đã có những hành vi dại dột, thậm chí tự sát. Điều đáng nói là nếu tự sát bất thành, trẻ sẽ càng bị tổn thương tâm lý sâu sắc khi phải đối diện áp lực từ gia đình, bạn bè, xã hội.
ThS-BS Nguyễn Thị Hồng Thương, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP HCM, ví von việc học tập quá nhiều giống như cố gắng dồn tất cả đồ đạc vào một căn phòng khiến nó lộn xộn mà chẳng chứa được bao nhiêu. Trong khi đó, nếu mỗi ngày xếp đồ đạc một ít thì phòng sẽ gọn gàng, ngăn nắp.
Hoạt động sinh lý của con người cũng có thời gian, giới hạn riêng. Học theo kiểu cố dồn, lúc nào cha mẹ cũng bắt con học vì sợ chưa đủ thì trẻ sẽ không tiếp thu nổi và càng bị áp lực. “Khi con tôi đang ôn thi, tôi còn mua truyện cho cháu đọc. Chính sự thư giãn đó giúp cháu học tốt hơn, học được nhiều hơn mà không cảm thấy đuối sức. Trẻ em như một cái lò xo, đừng cố ép vì càng ép sẽ càng bật dậy. Áp đặt trẻ bước tiếp giấc mơ của cha mẹ, làm nghề cha mẹ thích trong khi chúng không hề thấy hứng thú là điều tuyệt đối không nên” - BS Thương phân tích.
Ý KIẾN Đừng tạo gánh nặng cho con! Tôi đã nghe nhiều câu chuyện buồn từ hệ quả của áp lực phải đậu ĐH. Nhiều em bị trầm cảm, phát ốm vì bố mẹ la rầy khi có kết quả thi không tốt. Có em xấu hổ vì thi trượt đã phải bỏ nhà đi bụi, thậm chí tự tử, vì không muốn đối mặt với người nhà. Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ coi nặng về thành tích, bằng cấp và kỳ thi ĐH, CĐ tạo nên gánh nặng ghê gớm với con cái. Một số vụ việc các em phát điên, tự tử do trượt ĐH cũng là sự cảnh báo cho cuộc sống có quá nhiều áp lực, đồng thời là bài học nhắc nhở các bậc phụ huynh. TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội - Viện Xã hội học) Học nhiều vẫn thụ động Tại các thành phố lớn, trẻ đôi khi mất đi phần nào tính tự lập cũng vì việc học. Con cái đã 15-16 tuổi mà cha mẹ vẫn phải đưa đi đón về, không làm gì khác ngoài học và học. Vô tình, cuộc sống của trẻ bị thụ động hóa. Học nhiều quá nên bị tù túng trong một nề nếp hạn hẹp, thiếu thốn về kỹ năng xã hội thì nguy cơ phát sinh rối loạn lo âu, trầm cảm cũng tăng lên. ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần khu vực TP HCM) |