Khoảng 6h sáng nay, PV Dân Việt có mặt tại điểm trú bão ở trường THCS Lý Thường Kiệt, (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) và chứng kiến cảnh dù trời còn mưa rất to, gió còn rất mạnh, nhưng nhiều phòng chỉ thưa thớt vài ba người.
Khoảng 6h sáng nay, PV Dân Việt có mặt tại điểm trú bão ở trường THCS Lý Thường Kiệt, (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) và chứng kiến cảnh dù trời còn mưa rất to, gió còn rất mạnh, nhưng nhiều phòng chỉ thưa thớt vài ba người.
Bà Bùi Thị Nga (73 tuổi, trú thôn Phú Ngọc, Tam Phú), bức xúc cho hay chính quyền xã Tam Phú không ngó ngàng đến người dân khi chuyển họ đến nơi trú bão
Sáng sớm nay (10.11), dù bão Hải Yến vừa vượt qua vùng ven biển Quảng Nam tiến thẳng ra Bắc nhưng trên địa bàn vẫn còn gió mạnh, mưa rất lớn. Tuy nhiên, tại một số điểm trường THCS, Tiểu học ở vùng ven xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, người dân đã vượt gió mạnh, mưa lớn để về nhà nhưng chính quyền không hề biết chuyện này.
Cụ ông Nguyễn Nguyên (75 tuổi) và Ngô Thị Lịch (76 tuổi) -bố mẹ của chị Nguyễn Thị Khóc đang thu dọn đồ, chuẩn bị đi về và rất bức xúc với chính quyền xã.
Vào khoảng 6 giờ sáng nay, phóng viên Dân Việt, có mặt tại điểm trú bão ở trường THCS Lý Thường Kiệt, đóng tại xã Tam Phú, TP Tam Kỳ. Tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh trời còn mưa rất to, gió còn rất mạnh, nhưng nhiều phòng chỉ còn thưa thớt vài ba người. Hỏi ra mới biết, mỗi phòng có hàng trăm người dân thôn Phú Quý, Phú Ngọc, xã Tam Phú được chính quyền vận động đến trú bão, nhưng sau 4 giờ sáng, khi bão vừa đi qua, dân đã rời địa điểm về nhà với lý do bức xúc với chính quyền địa phương.
Cụ bà Bùi Thị Nga (73 tuổi, trú thôn Phú Ngọc, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), cho hay: “Vào trưa qua, 9.11, dân chúng tôi nhận được thông tin trên loa phát thanh của địa phương xã nói là từ 2 giờ chiều phải di dời đến địa điểm trường THCS Lý Thường Kiệt tránh bão. Nếu người dân nào không đi sẽ bị buộc cưỡng chế. Nhà tôi cách điểm trường khoảng 3km đường, tưởng sẽ có xe đưa đón hay lực lượng đến di chuyển đi, ngồi chờ đến 15 giờ chiều không thấy ai hết, thấy nhiều người dân băng bộ đi di dời, tôi hoảng quá đóng cửa nhà, bỏ mặc gà, vịt, chạy theo vào trường trú bão, chỉ vội mang được gói mì tôm và chai nước suối.
Nghĩ chắc chính quyền địa phương thông báo đến nơi trú bão sẽ có đồ ăn, nước uống cho người dân. Ai ngờ, đến nơi mới tá hỏa, chính quyền không hỗ trợ được gói mì tôm nào hết, nước sôi cũng không có để chế mì ăn, dân tự lo hết. May mắn bão không đổ bộ vào đất liền, chứ nếu đổ bộ mạnh, chúng tôi không biết xoay sở như thế nào. Bữa sau mà có bão đổ bộ, dân chúng tôi không dám di chuyển đến nơi trú bão nữa, lần này ớn quá rồi…”.
Còn chị Nguyễn Thị Khóc (33 tuổi, trú thôn Phú Ngọc), bức xúc:
“Tôi tưởng có xe đến đưa đón người dân chứ ai ngờ, dân tự đi bằng phương tiện của mình. Gia đình tôi có cha mẹ già là ông Nguyễn Nguyên và cụ Ngô Thị Lịch (75 tuổi), đi bộ không được, tôi đành thay phiên chở bằng xe máy hai chuyến đến trường, sau đó mới về nhà chở con cái đến sau. Nghe nói đi tránh bão, chỉ kịp mang theo được vài gói mì tôm, bình phích nước sôi cho ông cụ, bà cụ.
Khi đến nơi, tôi tưởng chắc chính quyền đã lo được nước uống, mì tôm cho người dân, ai ngờ đến nơi nước uống cũng không có, nhà trường đã ủng hộ hai bình nước lọc loại 20 lít. May mắn một số người dân khác đã kịp mang theo nhiều thức ăn, cả phòng chia nhau mấy gói mì tôm, tô cơm… Đến tối thì có một lãnh đạo của Chữ thập đỏ xã đến nơi an ủi, động viên, hỏi thăm rồi về chứ không nói đến chuyện đồ ăn, nước uống cho nhân dân hay thông báo về tình hình bão đổ bộ như thế nào cho người dân biết. May mắn có thầy, cô của trường THCS Lý Thường Kiệt hỗ trợ hai bình nước lọc loại 20 lít, chứ không dân chúng tôi hứng nước mưa uống quá.
Người dân xã Tam Phú rời điểm trú bão Trường THCS Lý Thường Kiệt trong mưa, gió để về nhà
Chiều qua, người dân có nghe nói 4 giờ bão sẽ vượt qua vùng biển Quảng Nam, sau 4 giờ người dân trong phòng tin bão đã qua rồi, nên họ đổ nhau kéo về nhà hết. Còn một số người này, thấy gió còn lớn, mưa còn to nên trú thêm đến trưa…”.Thầy Đinh Phú Lý, Hiệu Trưởng trường THCS Lý Thường Kiệt, cho biết: “Chiều qua trường đã tiếp nhận gần 300 người dân của thôn Phú Ngọc và Phú Quý đến trường trú bão. Trường đã dành cho 3 phòng, mỗi phòng có hai bình nước uống. Bảo vệ trường đã túc trực cùng người dân. Đến sáng sớm nay, sau khi nghe nói bão đã đi qua, nhiều người dân đã về, chỉ còn lại người già và trẻ em, chúng tôi đã khuyên họ, chờ hết gió đã về, nhưng họ nói về còn đi làm, lo nhà cửa, gà vịt nữa…”.
Một số người thân vẫn vượt mưa bão đem thức ăn đến cho người nhà trú bão ở trường THCS Lý Thường Kiệt
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú, cho biết:“Xã Tam Phú di dời trong đợt bão Hải Yến này là gần 1.000 người dân với 321 hộ, được chuyển đến 4 điểm trú bão an toàn. Trước khi bão vào, xã có họp với các Ban nhân dân các thôn triển khai ngay công tác yêu cầu các hộ đăng ký đi di dời trú bão. Xã chỉ lo được nước uống, còn mì tôm do xã không có kinh phí nên chưa lo kịp được. Tối qua (9.11), anh Nguyễn Văn Lúa, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ có xuống thăm hỏi, kiểm tra tình hình.
Tại đây, xã Tam Phú có đề xuất với Chủ tịch hỗ trợ mì tôm cho người dân, lãnh đạo TP Tam Kỳ có hứa sáng nay sẽ chuyển mì tôm xuống. Nhưng do bão không đổ bộ vào đất liền, nên không nhận được mì tôm. Còn việc người dân rời nơi trú bão sau khi bão vừa vượt qua, gió vẫn còn mạnh. Việc này, dân tự đi chứ xã đã thông báo là đến chừng nào bão tan, gió hết mạnh mới được về nhà…” - ông Cư nói.
Trao đổi qua điện thoại với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Lúa, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cho biết:
“UBND TP Tam Kỳ chỉ thực hiện việc di dời tập trung, đặc biệt nhất là người dân vùng ven biển xã Tam Thanh đến nơi an toàn. Các xã, phường còn lại đều do chính quyền xã, phường đó tự triển khai công tác di dời dân đến nơi an toàn. Nếu cần hồ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, TP Tam Kỳ sẽ chuyển ngay.
Còn việc xã Tam Phú không có mì tôm, nước uống cho người dân tại điểm trường Lý Thường Kiệt, việc này tôi chưa nhận được đề xuất của lãnh đạo xã Tam Phú. Để tôi kiểm tra xem các đồng chí khác ở UBND TP Tam Kỳ có nhận được kiến nghị của xã Tam Phú hay không? Việc dân tự ý bỏ về sau khi bão vừa qua, gió vẫn còn mạnh. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay việc này…”