Trưa hôm nay, toàn bộ người dân trú tránh bão tại các điểm ở Quảng Nam, Đà Nẵng, TT-Huế được lệnh trở về nhà.
Sau khi nghe thông tin siêu bão Haiyan đi dọc ven biển và đổ vào các tỉnh bắc Trung bộ, nên trưa hôm nay, toàn bộ người dân trú tránh bão tại các điểm ở Quảng Nam, Đà Nẵng, TT - Huế được lệnh trở về nhà.
Người dân Quảng Nam - Đà Nẵng hớn hở trở về nhà
Bắt đầu từ 11h trưa nay (10/11), hàng nghìn người dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã thở phào nhẹ nhõm, khăn gói trở về nhà sau hơn 10 giờ sơ tán vì sợ bão về.
Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tại các điểm khu dân cư an toàn không ngập lụt, tỉnh đã tổ chức đưa dân về lại nhà vào lúc 9h, sau khi nhận được tin bão không còn đe dọa. Cũng theo ông Thu, từ chiều ngày 9/11, tỉnh Quảng Nam đã có hơn 22.000 dân phải đi sơ tán.
Sáng nay, khi nghe tin bão số 14 không vào, bà Nguyễn Thị Tuyết (72 tuổi, trú Điện Bàn, Quảng Nam) vui vẻ nói: “Thế là thoát nạn rồi. May mà bão không vô chứ nếu vô thì không biết mô mà lần. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình tôi không sao rồi”.
Người dân Quảng Nam ôm mềm, chiếu, chăn gối đồ đạc đi ra xe buýt để trở về nhà
Tương tự, tại Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Tuyết (75 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông) không giấu nổi sự vui mừng: “Cả đêm qua, tôi không sao chợp mắt được. Gi đình chỉ có căn nhà cấp 4, cơn bão số 11 vừa rồi đã hất tung mái tôn. Vay mượn mãi mới đủ tiền lợp lại. Nếu cơn bão này mà hất tiếp thì không biết lấy đâu ra tiền mà sữa chữa. Nó không vô là mừng rồi”.
Sự vui mừng thể hiện trên từng khuôn mặt của người dân khi thoát khỏi cơn bão nguy hiểm Haiyan
Tại quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng (nơi có đến 80.000 dân bị bắt buộc phải sơ tán), sáng nay người dân cũng khẩn trương thu dọn đồ đạc để trở về. Sự rạng ngời hiện rõ trên từng khuôn mặt của những cụ già, phụ nữ và trẻ nhỏ - những người đã phải sơ tán trong hai ngày qua. Ngay khi về nhà, họ đã bắt tay vào việc tháo dỡ những bao cát, dây chằng mà họ đã chằng chéo cách đây hai ngày. Phụ nữ, trẻ em thì cũng vui vẻ quét dọn nhà cửa để chuẩn bị cho ngày mới.
Cháu Nguyễn Thị Trang (6 tuổi, trú tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), hớn hở nói: “Tối qua con ngủ ở nơi sơ tán bị muỗi cắn đau lắm. Lại phải ăn mì tôm nữa. Hôm nay, bão không vô, con sẽ có cơm ăn rồi. Nắng lên con lại được đi học và vui chơi với các bạn nữa”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (75 tuổi, trú ở phường Nại Hiên Đông, TP Đà Nẵng) không giấu nổi sự vui mừng khi được trở về nhà
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) Dương Thành Thị cho biết, đây là địa phương đặc biệt với số khẩu tạm trú lên đến hàng trăm nghìn người, chủ yếu là sinh viên và công nhân tại các khu công nghiệp. Số gia đình công nhân, nhà trọ sinh viên đều ở những khu nhà tạm, không đảm bảo an toàn, vì vậy nên ngày 9/11 hầu hết họ buộc phải sơ tán đến nơi ở mới. Theo ông Thị, có đến 80.000 người buộc phải sơ tán trước bão, đến 60 điểm trường học, trụ sở UBND phường. Dự kiến, số người này sẽ về nhà và ổn định cuộc sống trong ngày hôm nay.
Huế: Nhiều người dân lánh nạn đã trở về
Đến trưa nay, nhiều người dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, TT-Huế đã được cơ quan chức năng cho về nhà.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết hiện bão đã gần đi qua hết địa phận tỉnh này. Cơn bão chỉ gây ra gió cấp 7, có nơi cấp 8 tại Thuận An và mưa khoảng 30 mm ở đồng bằng, 100 mm tại huyện Nam Đông. Cho đến 11h30 trưa nay, 132.404 người dân sơ tán trước đó do bão đã bắt đầu về nhà. Theo ông Hùng, tùy vào tình thế mà cho dân trở về, chia làm 3 cách, cho thanh niên về để chằng chống nhà cửa, còn phụ nữ, người lớn thì vẫn ở lại, tiếp tục theo dõi khi nào có diễn biến mới sẽ cho về. Theo kế hoạch, các thanh niên sẽ về trước, đến 12 thì phụ nữ và trẻ em mới về nhà. Tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các ngành chức năng triển khai bảo đảm an toàn cho người dân về nhà và sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ.
Ông Lê Trường Lưu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, việc cho trở về để quản lý nhà cửa. Đến 10h30-11h, phụ nữ, trẻ em và người già sẽ được về nhà. Tuy nhiên, những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt, chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, căn cứ vào tình hình để giữ người dân ở lại nơi sơ tán, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra trong trường hợp xuất hiện lũ sau bão.
Dự kiến chiều cùng ngày, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ cho mở cửa trở lại di tích cố đô Huế để đón khách. Tuy nhiên, tỉnh này vẫn ngừng các hoạt động về kinh tế, xã hội trong hết ngày hôm nay.
Về các hồ chứa, theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, các hồ thủy lợi đã mở hết các cửa van. Hiện tại, hệ thống hồ chứa nước thuỷ lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang hoạt động an toàn.