Cha mẹ không chung sống, bé được cả hai bên đăng ký khai sinh với hai cái tên ở hai nơi khác nhau.
Năm 2011, bà PTHT chung sống với ông HGĐ, sinh được một bé gái ở BV Từ Dũ (TP.HCM). Năm 2015, do mâu thuẫn gia đình nên cha mẹ bé không sống cùng nhau nữa. Năm 2016, mẹ bé đi nước ngoài (không rõ nước nào), cha lập gia đình mới.
Hai giấy khai sinh với hai tên khác nhau
Ngày 13-2-2017, bà M. (bà ngoại bé) đăng ký khai sinh cho bé với cái tên PTT (theo họ mẹ) và được UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cấp giấy khai sinh với phần thông tin người cha bỏ trống. Tuy nhiên, trước đó, ngày 5-1-2017, cha của bé cũng đã đăng ký khai sinh cho con ở UBND phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (TP.HCM) với cái tên HGM (theo họ cha) và bỏ trống phần tên mẹ trong giấy.
Bà M. gửi đơn đến Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị hủy bỏ giấy khai sinh do cha bé lập vì cho rằng đăng ký không đúng quy định. Bà M. cho rằng ngay khi sinh ra bé đã ở với bà cho tới khi cha bé xuất trình giấy khai sinh để bắt đưa về nuôi.
Tuy nhiên, sau khi Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre hỗ trợ kiểm tra hồ sơ đăng ký khai sinh của bé tại UBND xã Vĩnh Hòa, đồng thời xác minh việc trẻ có cư trú tại địa phương đến khi cha bé đưa đi hay không thì kết quả cho thấy bé chủ yếu sống cùng cha tại TP.HCM, thỉnh thoảng mới về quê ngoại ở Bến Tre.
Hủy bỏ, thu hồi cả hai giấy khai sinh
Theo UBND phường Bình Hưng Hòa, khi đăng ký khai sinh cho con, ông Đ. xuất trình giấy xác nhận của BV Từ Dũ, tờ cam đoan về việc quen biết và sinh con với mẹ bé, kết quả giám định ADN. Ông Đ. cũng cam kết là chưa liên hệ được với mẹ bé nên không ghi vào khai sinh, sau này liên hệ được sẽ bổ sung sau. Phường đã giải quyết luôn việc nhận cha cho con.
Để giải quyết rắc rối một trẻ có hai giấy khai sinh, Sở Tư pháp đã xin ý kiến của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực và đề xuất hủy bỏ, thu hồi hai giấy khai sinh, trích lục đăng ký nhận cha con nói trên. Ngày 22-12-2017, Cục có công văn hướng dẫn, theo đó, thời điểm đăng ký khai sinh con, ông Đ. có cung cấp thông tin về người mẹ (họ, tên, chữ đệm, nơi cư trú) nhưng phường lại không xác minh (về người mẹ, việc chung sống của cha mẹ bé, việc liên lạc và ý kiến mẹ bé về việc cha nhận con) mà đã giải quyết theo yêu cầu của ông Đ. là không đúng quy định.
Hơn nữa, việc cam đoan của ông Đ. về việc không nhớ rõ thông tin, không liên lạc được với mẹ bé là không có cơ sở, có dấu hiệu sai sự thật (vi phạm điều cấm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Hộ tịch) nhưng cũng không được phường Bình Hưng Hòa làm rõ.
Đối với việc đăng ký khai sinh tại UBND xã Vĩnh Hòa, thời điểm đó việc đăng ký khai sinh cho bé không đảm bảo nguyên tắc “mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền” theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật Hộ tịch.
Từ đề xuất của Sở, Cục đồng ý thu hồi, hủy bỏ cả hai giấy khai sinh đã cấp cho trẻ, trích lục đăng ký nhận cha con do UBND phường Bình Hưng Hòa cấp, hướng dẫn người có quyền, trách nhiệm thực hiện đăng ký khai sinh lại cho trẻ với đầy đủ thông tin về người mẹ.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết đã có công văn gửi UBND quận Bình Tân, chỉ đạo giải quyết vụ việc theo hướng sau khi hai giấy khai sinh đã cấp được hủy, cha của bé nộp lại hồ sơ đăng ký nhận cha mẹ con và đăng ký khai sinh cho trẻ. Ông Vũ lưu ý khi giải quyết hồ sơ, UBND phường Bình Hưng Hòa phải kiểm tra, xác minh, đồng thời đảm bảo giấy khai sinh cho bé phải có đầy đủ thông tin về cha mẹ theo quy định. |