Ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hay còn được biết đến là ngày Lễ Vu Lan, đây là ngày lễ báo hiếu. Ngoài ra, ngày này còn được gọi là ngày “Xá tội vong nhân” hoặc “cúng cô hồn”, “cúng thí thực”.
Rằm tháng 7 là ngày gì?
15/7 âm lịch hàng năm hay còn được biết đến với tên gọi là rằm tháng 7, Tết Trung Nguyên hay ngày Xá tội vong nhân. Đây là một trong những ngày lễ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam nói riêng và các quốc gia Đông Á nói chung.
Rằm tháng 7 là ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt
Theo quan niệm từ bao đời thì 15/7 là ngày mà Diêm Vương mở cửa địa ngục để các cô hồn, ma quỷ trở về dương gian. Vào ngày này, người dân sẽ tổ chức cúng bái để dâng lễ vật cho người thân đã khuất và một số đồ dùng cho chúng sinh, cô hồn vất vưởng không người thờ cúng.
Nguồn gốc ngày rằm tháng 7
Có rất nhiều câu chuyện liên quan đến nguồn gốc của ngày này, trong đó đa phần đều cho rằng, tục cúng rằm tháng 7 bắt nguồn từ Trung Quốc. Sau này, phong tục này bắt đầu lan rộng ra nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam và được biến đổi cho phù hợp với văn hóa bản địa.
Không chỉ đơn thuần là ngày rằm trong tháng, rằm tháng 7 còn là ngày Xá tội vong nhân và ngày lễ Vu Lan. Đây là 2 lễ có nguồn gốc hoàn toàn khác biệt, vì thế bạn tránh nhầm lẫn nhé.
Ngày Xá tội vong nhân
Các tài liệu về văn hóa có ghi, tục cúng rằm tháng 7 vốn là lễ cúng tổ tiên của người theo Đạo giáo thời hậu Đông hán, Trung Quốc. Người ta cho rằng, bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng 7 âm lịch, cánh cửa địa ngục sẽ được mở ra và đóng lại vào ngày 30 tháng 7 âm lịch, gọi chung là tiết Trung Nguyên.
Khi cửa địa ngục được mở, các cô hồn sẽ được trở về với dương gian. Lúc này, họ sẽ nhận đồ cúng tế của người trần và tìm một người thế mạng cho mình.
Biết được điều này nên người trần gian sẽ tiến hành làm lễ cúng cô hồn. Trước là cho họ ăn uống, hưởng lễ vật, sau là mong cho cô hồn sẽ không tới quấy phá và làm hại mình cùng người thân trong gia đình.
Người Trung Quốc thường cúng rằm tháng 7 vào ngày 14 âm lịch.
Rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân
Lễ Vu Lan
Ngoài ra, ngày rằm tháng 7 còn là ngày lễ Vu Lan. Nguồn gốc của ngày này xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ.
Theo Kinh Vu Lan, mẹ của Mục Kiền Liên là bà Thanh Đề sau khi qua đời vì gây nhiều chuyện ác nên đã bị sanh làm ngạ quỷ. Lúc Mục Kiền Liên đưa cơm cho mẹ, bà đã dùng một tay che bát cơm của mình để không bị các cô hồn tranh cướp. Chính điều này đã khiến cho phần thức ăn khi vừa đưa lên miệng đã bị hóa thành lửa đỏ.
Vì để cứu mẹ, Mục Kiền Liên quay về xin Đức Phật cứu giúp. Nghe lời thỉnh cầu, Phật nói rằng, cách tốt nhất để cứu bà Thanh Đề chính là nhờ sự hợp lực của chư tăng mười phương. Lễ cúng nên thực hiện vào ngày rằm tháng 7.
Nhờ nghe theo lời khuyên của Phật, Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ của mình. Từ đó, vào ngày này, những ai muốn báo hiếu cha mẹ đều có thể làm theo cách này. Đây cũng chính là nguồn gốc ra đời của lễ Vu Lan.
Ý nghĩa ngày rằm tháng 7
Ngày rằm tháng 7 mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ, báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và tưởng nhớ tới công lao của ông bà, tổ tiên.
Đây cũng là dịp để cứu độ chúng sinh, nhắc nhở con người làm việc thiện, giúp người, giúp đời.
Rằm tháng 7 nên cúng sáng hay chiều?
Có rất nhiều quan niệm về thời gian cúng rằm tháng 7. Tuy nhiên, đa số đều đồng tình rằng, thời gian cúng sẽ phụ thuộc vào cúng Phật, gia tiên hay chúng sinh.
Thường cúng chúng sinh sẽ diễn ra vào chiều tối, đây là thời gian cô hồn hoạt động vì thế họ dễ nhận được đồ mà bạn cúng tế.
Còn đối với cúng Thần Phật, gia tiên thì nên cúng ban ngày và thời điểm tốt nhất là vào buổi trưa. Đây là lúc tổ tiên dễ nhận được đồ lễ và sau đó con cháu sẽ thụ lộc.
Lưu ý, mọi lễ cúng, tế ngày 15/7 âm lịch phải được thực hiện trước 12 giờ đêm ngày 15/7.
Lễ cúng rằm tháng 7 được chuẩn bị rất tỷ mỉ, cẩn thận.
Cúng rằm tháng 7 2022 ngày nào đẹp?
Theo lịch Vạn Niên năm Nhâm Dần, trong tháng 7 âm lịch có 5 ngày tốt để làm lễ cúng rằm là: 4/7, 6/7, 10/7, 11/7, 13/7.
Đối với giờ làm lễ thì cúng thần Phật, tổ tiên thì làm lễ cúng vào ban ngày, cúng cô hồn, chúng sinh thì làm vào buổi chiều tối. Một số giờ đẹp làm lễ cúng rằm tháng 7 bạn nên tham khảo.
- Giờ đẹp cúng Thần Phật, gia tiên:
+ 4/7 âm lịch: 7h - 9h; 9h - 11h
+ 6/7 âm lịch: 5h - 7h; 11h - 13h
+ 10/7 âm lịch: 7h - 9h; 9h - 1h
+ 11/7 âm lịch: 7h - 9h; 11h - 13h; 13h - 15h
+ 13/7 âm lịch: 9h - 11h
- Giờ đẹp cúng chúng sinh
+ 4/7 âm lịch: 15h - 17h
+ 6/7 âm lịch: 15h - 17h
+ 10/7 âm lịch: 17h - 19h
+ 13/7 âm lịch: 15h - 17h; 19h - 21h
Ngày rằm tháng 7 nên cúng cúng chay hay mặn?
Tùy vào quan niệm, phong tục của mỗi vùng miền, địa phương mà các món cúng rằm tháng 7 sẽ có sự khác biệt. Thông thường, người ta sẽ chia thành 3 mâm cúng khác nhau:
Cúng Phật
Thường lễ cúng này sẽ cần có mâm cơm chay hoặc hoa quả, xôi chè đơn giản. Các loại quả sẽ được chọn theo mùa và địa phương mà không bắt buộc theo quy tắc nào.
Tùy vào từng địa phương mà lễ vật cúng rằm sẽ khác nhau
Cúng gia tiên
Lễ cúng gia tiên thường sẽ có mâm cỗ mặn gồm các món như: Xôi đậu xanh, thịt gà hoặc thịt lợn luộc, nem rán, xào thập cẩm, nộm/salad, canh…
Ngoài ra, trên mâm lễ còn cần chuẩn bị thêm hoa quả, hương, vàng mã, nến, quần áo cho người đã khuất.
Cúng chúng sinh
Ngoài mâm cỗ cúng rằm tháng 7 Thần Phật, gia tiên thì các gia đình cũng sắm thêm mâm cúng chúng sinh. Bạn cần chuẩn bị: Cháo trắng loãng, bỏng ngô, bỏng gạo, các loại quả, khoai, sắn luộc, quần áo chúng sinh, nước, hương, nến, hoa quả, vàng mã…
Chú ý, đối với cúng chúng sinh, bạn không nên chuẩn bị các món mặn vì như thế vô tình làm khơi dậy lòng tham, sân si của các cô hồn.
Ngày rằm tháng 7 nên và không nên làm gì để gặp điều may?
Tháng 7 được xem là tháng mở cửa địa ngục và năng lượng mạnh nhất sẽ rơi vào ngày 15 âm lịch. Vì thế, người ta thường kiêng làm một số việc để cầu may mắn, bình an.
Một số quan niệm trong dân gian còn được truyền miệng cho đến ngày nay, vào ngày rằm tháng 7 bạn nên và không nên làm những việc sau:
Rằm tháng 7 nên làm gì?
- Thăm mộ và dâng lễ cúng người thân đã mất tại chùa chiền hoặc nghĩa trang.
- Chuẩn bị mâm cơm chay để lọc sạch tà khí, tạp niệm cùng sân si.
- Cúng chúng sinh xong, đem nắm gạo, muối rắc ra bên ngoài đường để tiễn cô hồn, xua đi âm khí.
Không nên làm những việc lớn vào ngày 15/7 âm lịch.
Những điều không nên làm ngày rằm tháng 7
- Tránh cất nóc, động thổ, sửa nhà, nhập trạch vì theo phong thủy, nếu làm những việc này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới gia chủ.
- Không ký kết hợp đồng lớn.
- Hạn chế đi xa, tránh di chuyển bằng xe cộ, tàu bè.
- Tránh cúng đồ giả trên mâm lễ vì dễ khiến phúc khí tiêu tan.
- Kiêng không được sát sinh.
- Không thức quá khuya.
- Tuyệt đối không đứng ở những góc tối, đặc biệt là các cây đa, cây si.
- Tránh nhặt tiền rơi bên đường.
Một số thắc mắc về ngày rằm tháng 7
Rằm tháng 7 có nên đốt vàng mã không?
Tùy vào quan điểm của từng tôn giáo, dân tộc mà sẽ có câu trả lời khác nhau cho vấn đề rằm tháng 7 có nên đốt vàng mã không. Theo Phật Giáo, giáo lý của nhà Phật không có quy định hay bất cứ lễ nghi nào liên quan tới việc đốt vàng mã cho người đã mất.
Thay vào đó, nhà Phật chỉ khuyên mọi người nên làm mâm cơm chay, tụng kinh để làm lễ Xá tội vong nhân giúp người thân đã khuất sớm thoát khỏi khổ đau, hóa kiếp.
Người ta kiêng mua xe và sẽ ăn thịt vịt vào ngày này.
Tại sao rằm tháng 7 lại ăn thịt vịt?
Một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày rằm của đồng bào người Tày, Nùng chính là thịt vịt.
Theo quan niệm của họ, vịt chính là sứ giả của trần gian và mường trời. Truyền thuyết kể lại rằng, xa xưa chính vịt đã cõng gà trống vượt biển để cống xứ mường trời nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa vào ngày rằm tháng bảy. Do vậy mà trên mâm cỗ cúng sẽ chẳng thể thiếu món này.
Rằm tháng 7 có nên ra mộ không?
Ngày 15/7 không chỉ là ngày Xá tội vong nhân mà nó còn là ngày lễ Vu lan - dịp để nhắc nhở con cháu nhớ về công ơn dưỡng dục, sinh thành của tổ tiên.
Vào ngày này, các gia đình thường sắm lễ rồi đến tạ mộ những người thân đã mất. Vì thế, bạn có thể đi mà không cần lo lắng nhé.
Có nên mua xe vào ngày rằm tháng 7 không?
Theo quan niệm dân gian, rằm tháng 7 nói riêng là thời điểm ma quỷ được trở lại nhân gian mang đến nhiều sự phiền muộn, điều xui rủi cho con người vì thế mọi người kiêng không làm những việc lớn trong thời điểm này.
Mua xe cũng được xem là một trong những việc trọng đại vì phải chi tiêu một khoản tiền rất lớn. Do đó, bạn có thể cân nhắc có mua hay không để tâm lý được thoải mái, an yên.
Vừa rồi là một số thông tin về nguồn gốc, ý nghĩa và một số điều nên, không nên làm vào ngày rằm tháng 7. Mong rằng, bài viết đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích về ngày lễ trọng đại này. Tham khảo thêm các bài viết khác về ngày lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân tại Eva nhé.