Ngoài chuẩn bị mâm cúng chu đáo, khi tiến hành các nghi lễ cúng Rằm tháng 7, gia chủ nên lưu ý thêm 9 điều dưới đây để tránh những xui rủi cho gia đình.
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch được xem là tháng cô hồn. Với đạo Phật, tháng 7 âm lịch còn là tháng Vu Lan, dịp để báo hiếu cha mẹ, nhớ đến công ơn của người đi trước.
Xưa nay, người Việt rất coi trọng rằm tháng 7. Vào dịp này, các gia đình sẽ chuẩn bị 2 mâm cỗ cúng, trong đó cỗ mặn để cúng tổ tiên, cỗ chay để cúng chúng sinh, hay còn gọi là cúng cô hồn.
Theo chuyên gia phong thủy Song Hà, khi thực hiện nghi lễ cúng rằm tháng 7, để mong gặp nhiều may mắn, tránh những điều xui rủi, mọi người nên tham khảo 9 lưu ý dưới đây.
1. Không cúng chúng sinh trong nhà
Chuyên gia phong thủy Song Hà cho biết lễ cúng chúng sinh (cúng cô hồn) phải được thực hiện ở ngoài sân, ngoài đường, hoặc đăng ký cúng ở đình chùa. Đây là vị trí các "cô hồn" dễ dàng tìm đến để thụ hưởng lễ vật và chỉ dừng lại ở bên ngoài, không vào trong nhà quấy quả gia chủ.
Tuyệt đối không được cúng chúng sinh ở bên trong nhà như phòng khách, phòng thờ, sân thượng. Bởi điều này có thể dẫn tới việc sau khi đến thụ hưởng đồ lễ cúng, các "vong linh" sẽ lưu luyến không rời khỏi mà "quấy nhiễu" người sống trong ngôi nhà đó.
2. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã
Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người đã cố gắng thể hiện tất cả tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách đốt tiền vàng. Đây là điều không cần thiết vừa gây tốn kém và có thể dẫn tới nguy cơ cháy nổ, nhất là ở các chung cư khi đốt không cẩn thận.
Khi lựa chọn vàng mã cúng rằm tháng 7, gia chủ nên chọn vừa đủ, không phải phô trương nhà lầu, xe hơi, điện thoại đắt tiền hay núi quần áo đồ sộ. Đốt nhiều vàng mã là sự lãng phí lại thể hiện tâm lý cuồng tín, ganh đua.
3. Trong văn khấn cúng chúng sinh không nhất thiết phải đọc rõ tên tuổi
Cúng chúng sinh phải thực hiện ở ngoài trời, tuyệt đối không cúng trong nhà, và không đọc rõ tên tuổi, địa chỉ của gia đình (Ảnh minh họa)
Theo chuyên gia phong thủy Song Hà, khi đọc văn khấn cúng chúng sinh không nhất thiết phải đọc rõ tên tuổi, địa chỉ của bản thân và người thân trong gia đình vì khi làm phúc không nhất thiết phải đợi báo ân.
4. Khi cúng chúng sinh nên mang theo đồng tiền bạc có mặt chữ Phúc hoặc chữ Thọ
Thêm vào đó, bạn có thể mang theo tỏi, con dao nhỏ, nếu thấy bất an thì lấy dao bổ tỏi ép nước bôi vào giữa trán, nhân trung, sau gáy và vùng xương đĩa đệm cuối lưng. Theo quan niệm dân gian, những việc làm này có thể làm tăng cường năng lượng dương của cơ thể con người, tránh ảnh hưởng xấu từ năng lượng âm.
5. Không mặc quần áo màu đen hoặc màu đen trắng
Theo đó, khi cúng chúng sinh, gia chủ không nên mặc quần áo màu đen hay kết hợp 2 màu đen trắng bởi đây là những màu sắc kết hợp mang năng lượng âm cao. Bạn nên mặc màu đỏ, hồng, cam, vàng, xanh ngọc ... những màu sắc tươi sáng.
6. Giữ thân thể thanh tịnh trước ngày làm lễ cúng
Trước ngày tiến hành nghi lễ cúng chúng sinh, người đứng cúng làm chủ lễ cúng "cô hồn" cần giữ thân thể thanh tịnh. Trước đó, người cúng cần kiêng không sinh hoạt vợ chồng, không ăn mắm tôm, mắm tép, tiết canh. Ngoài ra, bạn nên kiêng ăn thịt chó, thịt mèo, cá chép, ba ba, rùa, rắn, lươn, chạch… Điều kiêng kỵ này để cho cơ thể được thanh sạch, tránh hôi hám.
7. Tuyệt đối không để trẻ em ở gần mâm cúng
Điều này vừa tránh trẻ không ăn vụng đồ cúng và cũng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ. Trẻ nhỏ chưa thể có đủ định lực trước những năng lượng mang tính âm cao...
Cúng chúng sinh xong hay vừa ra nghĩa trang về, trước khi bước vào cửa chính nam nên đi qua lửa 7 lần, nữ đi qua lửa 9 lần mới được đi vào.
8. Nếu bạn gặp hạn Tam Tai
Nếu bạn gặp hạn Tam Tai thì phải lo cúng Tam Tai cho bản thân mình trước rồi cúng rằm sau. Cụ thể năm Giáp Thìn 2024 có 3 tuổi Thân, Tý, Thìn phạm hạn tam tai và phải cúng ông Thiên Kiếp, cúng ngày 13 âm hàng tháng, khi cúng lạy về hướng Đông Nam.
9. Làm ấm cơ thể
Sau khi cúng chúng sinh, bước vào nhà phải thay ngay trang phục đã đứng cúng lễ, uống 1 cốc trà gừng, ai huyết áp thấp có thể uống trà gừng mật ong. Mọi người cũng nên chuẩn bị sẵn một nồi nước lá gồm sả, hương nhu, mùi thơm, lá bưởi, lá nếp ... để xông 10 đến 15 phút rồi lau khô toàn thân (không tắm). Điều này rất cần làm với người già trên 60 tuổi, người huyết áp thấp, người có tiền sử đột quỵ, người yếu bóng vía, người hay bị bóng đè, người hay bị mộng du, người mới ốm dậy mà vẫn phải lo toan mọi việc lễ nghi...
Những việc làm này cũng giúp tăng cường năng lượng dương, đẩy đi các năng lượng xấu, năng lượng âm tiêu cực và cơ thể cũng khoẻ mạnh hơn.
* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!