Nhóm bạn trẻ hy vọng, những sáng tạo của mình sẽ được ứng dụng vào thực tiễn chứ không phải “đắp chăn”.
Lần đầu gặp, Nguyễn Công Tín (sinh viên khoa Điện – Điện tử, trường Đại học Duy Tân) trong mắt chúng tôi là một nam sinh viên với khuôn mặt khôi ngô, đôi mắt sáng nhưng lại ít nói. Mới đây, khi gặp lại, Tín vẫn như cũ nhưng đôi mắt hiện lên sự tự tin, khát khao thành công.
Hiện tại, Tín và nhóm bạn của mình khá nổi tiếng với chú robot dẫn người qua đường. Khi hỏi về “sự nổi tiếng” bất ngờ này, Tín cười nhẹ: “Bọn em vui lắm! Cuối cùng, ý tưởng cũng dần trở thành hiện thực”.
Robot dắt người qua đường là một sáng tạo từ những con người trẻ
Tín kể, một lần vào TP.HCM, thấy các bác xe ôm có một công việc khá mới là dẫn khách nước ngoài qua đường. Hình ảnh người nước ngoài trầy trật mỗi khi gặp ngã ba, ngã tư khiến em suy nghĩ rất nhiều.
Về đến Đà Nẵng, Tín đọc thông tin và được biết, giao thông Việt Nam khá xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Không ít người cảm thấy choáng khi nhìn thấy ma trận phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên đường phố Việt Nam. Em dằn vặt và nghĩ: “Mình là dân Điện – Điện tử, phải làm cái gì đó để cải thiện hình ảnh của đất nước”. Và từ đó, ý tưởng robot dẫn người qua đường được nhen nhóm.
Tín chia sẻ ý tưởng này với hai người bạn cùng khoa là Võ Thành Nghĩa và Hà Kim Tùng liền được tán đồng. Cả ba bắt tay lên kế hoạch, để biến ý tưởng trở thành hiện thực. Mục tiêu đầu tiên của cả nhóm là sáng tạo một chú robot mang tính ứng dụng, miễn phí và thân thiện.
Nhóm của Tín chia sẻ, việc tạo được sự nhanh nhẹn cho robot là khó nhất. Cả nhóm cứ bàn đi, tính tới rồi thử nghiệm suốt một khoảng thời gian dài thì chú robot mới có thể phát hiện, xử lý ngay khi có xe tới. Ngoài ra, chú robot quay lại khi hoàn thành nhiệm vụ cũng khiến các bạn trẻ loay hoay cả tuần.
Chú robot này được gắn hàng chục cảm biến. Trong đó, những cảm biến siêu âm loại tiên tiến, có khả năng đọc được tình huống và xử lý rất nhanh. Khi phát hiện xe, chú robot sẽ chủ động dừng lại chờ xe, hoặc tùy trường hợp mà tăng tốc, quay bánh lùi lại để tránh xe.
Ngoại hình của robot cũng khiến nhóm bạn của Tín mất khá nhiều tâm tư. Bởi mục đích mang tính ứng dụng, miễn phí nên các bạn muốn chú có ngoại hình đơn giản nhưng tạo được sự thân thiện. Sau nhiều lần bàn tính, cuối cùng, cả nhóm quyết định tạo robot cao 1,9 m, tay cầm gậy chỉ dẫn đường, mặc bộ quần áo xanh của Thanh niên tình nguyện.
Chú robot đã trải qua khá lần thử nghiệm
Sau khi hoàn thành bước đầu, nhóm của Tín cho chạy thử nghiệm. Hành trình sáng tạo ra chú robot trong khoảng thời gian dài, trải qua nhiều thất bại. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ muốn bỏ cuộc. Càng thất bại bao nhiêu, họ lại càng quyết tâm hoàn thành bấy nhiêu.
Khi đã thành công tương đối, họ quyết định thử nghiệm trước sự chứng kiến của nhiều người. Người dân thật sự bất ngờ. Bởi, một chú robot có ngoại hình đáng yêu, khi có người đến gần liền cất lên tiếng nói: “Tôi là robot dắt người qua đường. Mời bạn ấn nút khởi động, tôi sẽ dắt bạn qua đường”.
Khi có người ấn vào nút đỏ, robot liền trở thành người dẫn đường. Khi có xe đi tới, chú robot liền lùi lại nhẹ nhàng. Khi xe đi qua, chú lại tiếp tục nhiệm vụ. Lúc sang đến bên kia đường, chú nói lời tạm biệt rồi quay trở lại điểm xuất phát. Tín chia sẻ, mỗi lần sang đường, robot hoạt động chừng 1,5 phút, mỗi ngày đưa được chừng 70 lượt mới tiêu tốn hết nhiên liệu.
Đến nay, chú robot này có đầy đủ bảy tín năng là dẫn người qua đường phố; báo bằng tiếng Anh và tiếng Việt; có đèn báo hiệu khi qua đường; tự động quay đầu để đón người quay lại; tự động nhận biết người đến gần; tự động nhận biết khi đã đến vỉa hè đối diện; tự động dừng lại khi gặp chướng ngại vật giữa đường.
Robot này được gắn khá nhiều cảm biến, mất nhiều tâm huyết của nhóm sinh viên
Nhóm của Tín hy vọng robot này sẽ được thiết kế, đặt ở những khu vực công cộng có đông người qua dường như bệnh viện, trường học, chợ, khu trung tâm thương mại… nhằm phục vụ người già, trẻ em, người khuyết tật, du khách nước ngoài… Đặc biệt, chi phí để hoàn thành một chú robot khá rẻ, chỉ 15 triệu đồng. Đây cũng là chú robot dẫn người qua đường đầu tiên trên thế giới được hoàn thành.
Trong quá trình thực hiện robot dẫn người qua đường, Tín còn là đồng sáng tạo hệ thống báo đi sai vạch và camera chụp ảnh vi phạm cùng với hai đồng môn là Mai Thị Quỳnh Hoa và Phạm Tiến Cường.
Hệ thống này xuất phát từ ý tưởng của Hoa. Em cho biết, đi đường, thấy rất nhiều người khi dừng đèn đỏ lấn vạch hoặc vượt đèn đỏ nên nảy sinh ý tưởng này nhằm nhắc nhở ý thức luật giao thông. Được biết, Hoa là nữ sinh duy nhất của lớp Điện – Điện tử của trường đại học Duy Tân.
Hai nhóm bạn trẻ này chia sẻ, sáng tạo là điều cần thiết và đam mê của giới trẻ. Tuy nhiên, làm sao để những sáng tạo ấy được ứng dụng vào thực tiễn lại là một điều khác. Họ mong muốn, những sáng tạo của mình sẽ được ứng dụng để giúp ích cho mọi người.