Không ít trẻ đi học về nói tiếng Anh khiến cha mẹ phát hoảng, trong khi đó có nhiều bà mẹ không dám nói chuyện bằng tiếng Anh với con vì khả năng nói hạn chế của mình.
Cả nhà cùng vật lộn
Ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh nên khi bé Minh Hà (2,5 tuổi), chị Khánh Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định đầu tư cho con học trường song ngữ gần nhà. Theo chia sẻ của nhà trường, con chị sẽ được học chương trình Montessori kèm theo 2 buổi học tiếng Anh trong ngày. Mấy ngày đầu con đi học, chị Vân háo hức chờ đợi và cuối cùng có kết quả. Vào buổi tối, bé Minh Hà bỗng dưng ngồi đọc: "Oăn (one), tu (two), ti (three)". Chị Vân vui mừng hỏi: "Con được cô giáo dạy à? Con đọc tiếp cho mẹ nghe nào". Bé Minh Hà tiếp tục hồn nhiên còn chị thì phát hoảng: "Pho (four), ai (five), sích (six), se-vần (seven), uết (eight), ai (nine), te (ten)".
Đối với trẻ nhỏ, "học là chơi, chơi là học".
Hết hồn với cách đọc số bằng tiếng Anh của con, chị trách cô giáo tại sao lại để cho con đọc sai đến mức buồn cười đến vậy và phải mất một lúc chị mới chỉnh cho con đọc đúng được.
Cũng liên quan đến vấn đề ngoại ngữ, bé Tom nhà chị Xuân Quỳnh (Đống Đa, Hà Nội) được mẹ dạy nói tiếng Anh còn nhiều hơn tiếng Việt. Cũng vì cách cho con nói tiếng Tây sớm này mà chị Quỳnh bị mẹ chồng phản đối kịch liệt. Bà cho rằng, dạy thằng bé như thế khiến con loạn ngôn, rối trí, nói phản cảm, mất cả tiếng mẹ đẻ.
Trong khi đó, không may mắn có trình độ tiếng Anh cao siêu như chị Quỳnh, chị Bích Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) tự ti vì trình độ ngoại ngữ hạn chế, đặc biệt là phát âm không chuẩn. Thế nên dẫn đến "bi kịch" là con được học tiến Anh ở lớp nhưng về nhà mẹ không dám dạy, không dám nói chuyện với con vì sợ con cũng nói sai theo.
Một trường hợp khác là vợ chồng anh Hải, chị Yến. Anh chị dạy tiếng Anh cho con bằng cách giơ chữ và ảnh. Cách này bé học khá nhanh nhưng lại thụ động, tư duy dập khuôn. Chẳng là bé học về đồng hồ, trong tranh anh Hải giơ chiếc đồng hồ hình tròn và bé đã thuộc từ. Tuy nhiên, đến khi anh chỉ vào chiếc đồng hồ nhưng là đồng hồ quả lắc treo trên tường thì bé nhất định không chịu gọi đó là đồng hồ chỉ vì... khác trong ảnh.
Hãy để con đắm mình trong ngoại ngữ
Trên đây là một vài trường hợp trong số rất nhiều băn khoăn của các bậc phụ huynh trước vấn đề học ngoại ngữ của con. Thực tế, nhiều câu hỏi được ông bố, bà mẹ đặt ra mà không biết trả lời thế nào cho thỏa đáng. Ví dụ như: dạy tiếng Anh cho con lúc nào, con nhỏ quá liệu có bị rối loạn ngôn ngữ, học mấy ngoại ngữ cùng lúc, mẹ "kém" thì phải làm sao?...
Theo chuyên gia Trần Thị Ái Liên, việc con mình học giỏi và nói tốt ngoại ngữ là một trong nhiều mong ước của cha mẹ. Và việc dạy sớm ngoại ngữ – dạy tiếng Anh nói riêng – cho con là một lợi thế cực lớn để sau này con có thể nói tiếng Anh, tư duy bằng Tiếng Anh như người bản ngữ.
Hãy giúp trẻ tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh (Ảnh: internet).
Ths Ái Liên cho biết, đối với trẻ em, học là chơi, chơi là học nên phụ huynh hãy coi những giờ chơi của bé chính là giờ học. Không nên có quan niệm học tiếng Anh trước tiếng mẹ đẻ sẽ khiến con kém tiếng Việt bởi tiếng mẹ đẻ chính là nơi con ở đó và "tiếp cận tiếng Anh trong môi trường tiếng Việt sẽ không thành vấn đề". Bên cạnh đó, theo bà, trẻ em có thể học tối đa 5 ngoại ngữ cùng lúc mà cha mẹ không hề sợ con bị loạn ngôn. Và không quan trọng bé nói tiếng gì mà quan trọng là bé hiểu những gì đang nói.
Bậc cha mẹ không giỏi tiếng Anh cũng hãy tự tin nói chuyện với con. Muốn con nói lưu loát ngoại ngữ thì phải để cho con đắm mình trong ngoại ngữ, giao tiếp thường xuyên. Để con nói đúng từ, cha mẹ nên cho con nghe radio (dưới 3 tuổi) và youtube, tivi (trên 3 tuổi). Thực tế, không có tiếng Anh chuẩn nên cha mẹ hãy mạnh dạn cùng con trò chuyện.
Có rất nhiều cách để bậc phụ huynh không biết tiếng Anh vẫn có thể dạy con như hát cùng con (rất tốt trong việc kích hoạt vùng não bé), đọc truyện, vẽ tranh và kể chuyện, học từ mới theo chủ đề... Tùy vào cách dạy của cha mẹ và niềm đam mê của bé để bậc phụ huynh dạy con học tiếng Anh phù hợp.
Theo chuyên gia này, nên cho con học ngoại ngữ sớm sẽ phát triển tư duy. Đặc biệt, ở giai đoạn này, ý chí học của trẻ càng mãnh liệt vì bé tò mò, bắt chước, khác hẳn với trẻ lớn hơn học thường có tư tưởng chống đối.