Uống rượu một mình buồn chán, người bố rủ con uống cùng khi mới 13 tuổi. Sau 5 năm ông bố biết con sống phụ thuộc vào rượu thì đã quá muộn màng.
Hai bố con dắt nhau vào viện cai rượu
Có mặt tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chứng kiến những bệnh nhân đang phải điều trị cách ly vì loạn thần do rượu, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhiều người bệnh vẫn còn ở trong độ tuổi rất trẻ và có những trường hợp nhập viện trong tình thế “dở khóc, dở cười”.
TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, trong số những ca bệnh đã từng nhập viện do rượu, ông nhớ nhất trường hợp cả hai bố con “dắt” nhau vào viện vì nghiện rượu.
“Dù ông bố mới 45 tuổi, nhưng đã có tiền sử nghiện rượu hơn 20 năm. Trước thời điểm nhập viện 5 năm, ông bố này thường xuyên uống rượu 1 mình nên buồn chán, lúc đó con trai đầu của bệnh nhân mới 13 tuổi. Do không nhận thức được những tác hại của rượu, ông bố rủ con trai ngồi nhậu cùng.
Uống nhiều thành nghiện, đến khi con trai 18 tuổi đã thành “con nghiện” và sống lệ thuộc hoàn toàn vào rượu”, TS Phương chia sẻ.
Những bệnh nhân bị loạn thần khi vào viện để phải trói tay, chân. Ảnh chụp tại BV Bạch Mai.
Mọi thứ chỉ thật sự thay đổi khi ông bố này bị rơi vào trạng thái loạn thần, phải nhập viện điều trị nội trú. Những tháng ngày điều trị ở viện, ông bố mới nhận ra: “Nếu không khuyên bảo con ngay từ bây giờ, thì sau này con ông sẽ lại như ông và chắc chắn sẽ không có tương lai gì”.
“Khi nghĩ được điều đó, ông bố đã xin với các bác sĩ cho về nhà đón con xuống viện cùng điều trị để cai nghiện”, TS Phương nói.
Ghen tuông vợ, nhìn thấy sâu bò dưới da vì rượu
Ngoài trường hợp trên, TS Phương cho biết, tại viện cũng đang điều trị cho hai bệnh nhân bị loạn thần do rượu rất điển hình. Một trường hợp là bệnh nhân N.V.T (45 tuổi), tiền sử bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, được đánh giá là người hiền lành, thương vợ con.
Trước đây bệnh nhân có uống rượu, nhưng uống ít và chỉ uống khi có những công việc gia đình. Tuy nhiên, từ khi đi làm thợ xây, bệnh nhân uống rượu ngày một nhiều, người sút cân và có biểu hiện cáu gắt.
“Qua khai thác bệnh sử, chúng tôi được biết, khoảng 3 tháng nay, bệnh nhân bắt đầu ghen tuông vô cớ với vợ, vợ đi đâu về bệnh nhân cũng tra hỏi, đánh mắng và nghi ngờ hàng xóm theo dõi làm hại mình.
Đặc biệt, bệnh nhân có biểu hiện sợ hãi, không dám đi ra ngoài, uống rượu ngày càng nhiều hơn. Khi gia đình đưa đến viện khám, bệnh nhân được chẩn đoán: Rối loạn loạn thần do rượu với hoang tưởng chiếm ưu thế. Sau khi được điều trị, bệnh nhân ăn ngủ được, hoang tưởng giảm, cảm xúc hành vi phù hợp”, BS Phương chia sẻ.
Ngoài loạn thần, những người uống rượu còn gặp rất nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, trong đó có teo não. Ảnh: BSCC.
Tương tự như bệnh nhân T., bệnh nhân H.N.Đ, (64 tuổi), cũng nhập viện trong tình trạng loạn thần, hoang tưởng luôn sợ người khác sát hại. “2 ngày trước vào viện, bệnh nhân Đ. mệt mỏi nhiều, gia đình không cho bệnh nhân uống rượu, thì bệnh nhân bắt đầu xuất hiện run tay chân, vã mồ hôi nhiều, đêm không ngủ.
Đặc biệt, bệnh nhân còn nhìn thấy sâu bọ bò trên da, nhìn thấy công an đến bắt mình và sợ người khác giết hại mình. Sau khi được gia đình đưa vào viện thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đã rơi vào trạng thái cai rượu, mê sảng”, TS Phương thông tin.
Được biết, bệnh nhân này có tiền sử uống rượu khoảng 30 năm, trung bình mỗi ngày uống 500ml rượu gạo nấu. Trước đó, bệnh nhân đã phát hiện tăng men gan, xơ gan do rượu.
Từ những trường hợp trên, TS Phương cho biết, hiện tình trạng bị loạn thần do rượu đang rất đáng cảnh báo, điều này thể hiện qua những con số rất đáng báo động. “Chỉ tính riên tại Viện Sức khỏe Tâm thần, hiện chúng tôi tiếp nhận 0,8 ca/ngày. Đó là chưa kể những cơ sở y tế khác và những bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu cấp tính. Đây thật sự là tình trạng đáng báo động”, TS Phương cảnh báo.
Theo TS Phương, đối với những bệnh nhân loạn thần do rượu, hiện đã có phác đồ điều trị. Tuy nhiên thời gian điều trị sẽ dài và cần sự nỗ lực của bản thân bệnh nhân, sự chăm sóc của người thân và hỗ trợ từ cộng đồng.