“Những hành động sàm sỡ, sờ mông, sờ ngực lặp đi lặp lại được coi là biến thái”.
Ngày 19.4, Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) mở cửa cho khách tự do vào chơi. Hàng chục ngàn người đến tham gia miễn phí, tất cả các bể bơi đều đông nghẹt. Tại đây, vô số những cảnh phản cảm đã diễn ra, từ thiếu nữ trèo tường rào trượt chân rách nội y đến những ông bố bà mẹ cắp con nhỏ trèo tường vào tắm miễn phí…
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của một nhóm khoảng 60 thanh niên trai tráng "càn quét" sông lười trong Công viên nước Hồ Tây. Họ thực hiện vô số hành vi như: sờ mông, sờ ngực, lột áo. Khi có một số cô gái trẻ bị rách bikini, nhiều thanh niên còn tỏ ra thích thú, phấn khích vì “tận mắt chứng kiến cảnh “hot””.
Cô gái bị sàm sỡ, tụt bikini tại Công viên nước Hồ Tây
Bắt đầu biến thái
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ La Đức Cương, Viện trưởng Viện Tâm thần Trung ương I cho biết, hành vi sàm sỡ, quấy rối không nằm trong danh mục bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên, đây cũng là hành động bắt đầu biến thái.
Theo ông Cương, chỉ những người có biểu hiện cảm xúc bất thường mới gọi là một dạng bệnh lý rối loạn tâm thần. Do đó, những hành động nhìn trộm người khác tắm, trêu đùa, chọc ghẹo phụ nữ chỉ là hành vi tinh nghịch quá đà. Những thanh niên này a dua làm điều thích thú trong chốc lát, lợi dụng lúc đông người để sàm sỡ. Nếu hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành biến thái toàn diện.
“Những người không thực hiện hành vi sàm sỡ họ sẽ không chịu được. Đó là biến thái hoàn toàn”, ông Cương nói.
Viện trưởng Viện Tâm thần Trung ương cho biết, những kẻ có hành vi tình dục lệch lạc, quấy rối tình dục nơi công cộng nhiều lần sẽ bị coi là biến thái. Hoặc một số trường hợp được ghi nhận như khoe “của quý” ở nơi công cộng, lợi dụng lúc đang chen lấn ép sát vào người khác rồi sờ soạng lung tung khi nạn nhân chưa kịp phản ứng được coi là biến thái.
Ông La Đức Cương, Viện trưởng Viện Tâm thần Trung ương I
Trong khi đó, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, một số thanh niên lợi dụng chỗ đông người để sàm sỡ phụ nữ đang phát triển ở cấp số cộng. Nếu không kịp thời ngăn chặn, số đàn ông hay quấy rối tình dục chắc chắn sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
Theo ông Chất, hàng chục thanh niên sờ mông, sờ ngực, lột áo phụ nữ tại Công viên nước Hồ Tây nói riêng và nơi công cộng nói chung đều đáng cảnh báo bởi không phải một người tham gia mà quá nhiều người.
Nhà Nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, những người đàn ông “giở trò” nơi công cộng đều không biết giá trị cuộc sống. Họ chỉ biết hưởng lạc, thích thú chốc lát, tâm không có, tầm không có. Vì những hành vi xấu họ đánh mất giá trị của mình.
“Ở đây tâm lý đàn ông là vui đùa chốc lát, không nghĩ đến ngày mai, ngày kia cộng đồng bình luận và nhìn họ thế nào. Lẽ ra họ phải nhảy xổ, cứu thoát cho cô gái chứ không phải reo hò, phấn khích, thích thú”, ông Chất bày tỏ.
Cũng theo ông Chất, tâm lý trêu đùa phụ nữ không phải bây giờ mới có. Nam giới vốn thích “hoa”. Hễ thấy bất kỳ "bông hoa" nào, đàn ông cũng muốn hái và ngắm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điểm dừng để nâng cao phẩm giá. Tổ tiên nói “mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” nhưng những thanh niên này đã tự làm mất danh dự, không đáng mặt nam nhi.
Do đó theo các chuyên gia, để giảm tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng, nhà quản lý phải giám sát, theo dõi, giáo dục toàn diện cho mọi lứa tuổi nhất là thanh niên. Ngoài ra, phụ nữ cũng cần tự bảo vệ và giúp người khác bằng việc nâng cao kiến thức phòng tránh cũng như kỹ năng đối phó với hành động sàm sỡ.
Trừng phạt không dành cho thủ phạm
TS.Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định, không người phụ nữ nào lại không trải qua ít nhất một lần trong đời bị quấy rối tình dục. Nạn nhân của quấy rối tình dục thường không được bảo vệ và bênh vực mà trái lại thường bị nghi ngờ, chê trách bởi bạn bè, đồng nghiệp, cha mẹ và những người xung quanh.
“Nghịch lý ở chỗ, sự trừng phạt không dành cho thủ phạm mà lại dành cho nạn nhân bị quấy rối”, TS. Khuất Thu Hồng nhận xét.
Theo bà, phụ nữ không đòi hỏi được ưu tiên đặc quyền đặc lợi, phụ nữ chỉ muốn được tôn trọng và được bình đẳng với nam giới trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Phụ nữ không đối đầu với nam giới, cũng không muốn tách biệt với nam giới. Phụ nữ chỉ muốn được an toàn để sánh vai cùng nam giới tham gia mọi hoạt động xã hội một cách tự tin, chủ động.
TS.Khuất Thu Hồng cho biết, bà đã từng nghiên cứu về vấn đề quấy rối tình dục ở nơi làm việc, trường học và các địa điểm công cộng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bà, quấy rối tình dục có thể chỉ là những ánh mắt thô bỉ, những lời lẽ tán tỉnh nhưng cũng có thể là những hành động sàm sỡ, xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể và danh dự của nạn nhân.
Qua nghiên cứu bà nhận thấy, có những phụ nữ, nữ sinh sợ không dám đến trường hoặc không dám đi một mình ở nơi công cộng.
Câu tục ngữ Việt Nam: “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” đã bao biện cho hành vi quấy rối tình dục của nam giới từ bao đời nay.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, xã hội coi việc đàn ông chọc ghẹo và sàm sỡ phụ nữ là tự nhiên. Chính vì vậy, rất nhiều người đàn ông cho mình quyền được nghiễm nhiên quấy rối chị em mà không bị lên án.