“Có 3 bên tham gia, các cơ quan chức năng phải điều tra trách nhiệm của từng đơn vị cụ thể”.
Vụ thảm họa sập cầu treo ở Lai Châu ngày 24/2 đã lấy đi ít nhất 8 mạng người và 38 người khác bị thương. Một đám tang đi qua có thể gây quá tải cho cây cầu? Các bên nào liên quan đến tai nạn thương tâm?
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Đình Cống – chuyên gia đầu ngành kết cấu xây dựng của Đại học Xây dựng Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Thưa Giáo sư, nguyên nhân ban đầu của vụ sập cầu treo ở Lai Châu được lãnh đạo địa phương cho là cầu bị đứt vòng neo tăng đơ của dây cáp cầu. Lý do, số lượng người cùng một lúc di chuyển qua cầu quá lớn (hơn 40 người), trong khi đó, tải trọng thiết kế của cây cầu chỉ có 1,5 tấn, dài 54m. Là chuyên gia ngành xây dựng, ông nghĩ sao?
Qua bức ảnh tại hiện trường có thể thấy vòng neo ở dây cáp bị đứt. Vì sao vòng neo đứt? Có thể do tải trọng đi qua cầu quá lớn so với thiết kế ban đầu của vòng neo, hoặc là vòng neo quá yếu nên không chịu nổi tải trọng người đi trên cầu.
Tôi không tin số người của một đám tang (hơn 40 người) có thể vượt quá tải trọng thiết kế của cầu treo. Nguyên tắc làm cầu, nếu số người đứng chật kín cây cầu từ đầu bên này sang đầu bên kia... vẫn phải an toàn. Do vậy, hơn 40 người, chưa thể chật kín cầu dài 54m.
Nếu cây cầu dài 54m (rộng thông thường từ 1 – 2 m), thì không thể có chuyện tải trọng toàn bộ cầu chỉ 1,5 tấn. Bởi tải trọng tối thiểu cho cầu treo là 300kg/m2. Ví dụ, nếu cây cầu dài 54m, rộng tối thiểu 1m thì tải trọng trên toàn bộ cầu khoảng 15 tấn.
Trường hợp này, mới có đoàn người đưa tang đi qua đã sập, tôi nghĩ có thể do vòng neo quá yếu, vật liệu làm vòng neo quá tồi.
Thông thường, vòng neo được làm bằng vật liệu gì, thưa ông?
Vòng móc neo được làm bằng loại thép tốt, chịu được lực như tính toán thiết kế ban đầu. Ví dụ, nếu cây cầu được thiết kế chịu lực 15 tấn, vòng neo phải được làm đủ chắc chắn để phù hợp với thiết kế.
Ở trường hợp cầu treo Lai Châu, vòng neo chính là điểm yếu nhất nên mới bị sự cố ở đây. Vì sao vòng neo yếu? Có thể do nguyên nhân kỹ thuật làm sai, có thể ý thức con người sai.
Cận cảnh cầu treo bị đứt cáp
Thưa ông, có ý kiến nói, nếu ý thức người làm cầu “có vấn đề”, thì cái vòng neo nhỏ bé có “đáng gì” đâu?
GS Nguyễn Đình Cống: Ồ! người ngoài ngành thường hay nghĩ thế. Nhưng xin thưa thế này, nếu có trục lợi thì không ai trục lợi một con ốc, một vòng neo... mà trục lợi toàn bộ cây cầu. Ví dụ, bớt 1%, nghĩa là mỗi bộ phận của cầu đều bị bớt 1% chứ không riêng bộ phận nào.
Hiện nay, các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ sập cầu. Vậy theo ông, những bên nào liên quan sẽ phải xác minh?
GS Nguyễn Đình Cống: Có 3 bên tham gia, các cơ quan chức năng phải điều tra trách nhiệm của từng đơn vị cụ thể.
Phải xem đơn vị thi công có làm đúng thiết kế không hay tự nghĩ ra làm? Nếu làm đúng thiết kế mà cầu vẫn sập, chứng tỏ thiết kế sai. Nếu làm sai thiết kế, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm. Cần làm rõ sai phạm ở hai đơn vị này do trình độ hay thái độ?
Thứ ba là bên đơn vị giám sát. Đơn vị này làm ăn kiểu gì mà để người ta làm hỏng, làm sai nhưng không phát hiện?
Nguyên nhân sập cầu trước mắt do đứt vòng móc neo là rõ ràng. Nhưng tôi muốn tìm nguyên nhân sâu xa từ thiết kế, thi công hoặc của giám sát đã dẫn tới chất lượng kết cấu không bảo đảm nên mới bị đứt khi chịu lực chưa lớn lắm.
Thưa ông, một số người dân địa phương cho hay, khi đám tang đi qua, mặc dù cầu mới làm được 1 năm 3 tháng nhưng cán bộ xã đã can ngăn, cảnh báo về số lượng người quá đông. Phải chăng, tải trọng cây cầu đúng 1,5 tấn như lãnh đạo địa phương nói?
Như tôi nói ban đầu, tải trọng cây cầu dài 54m này không thể chỉ có 1,5 tấn. Con số này có lẽ được viết vào biển báo đầu cầu (trong vòng tròn đỏ), ý nói rằng cấm xe có trọng tải quá 1,5 tấn. Nhưng nguyên tắc, cấm xe 1,5 tấn thì vẫn có thể đi 3- 5 chiếc xe 1,4 tấn đi trên cầu (không đi sát, cách nhau vài mét).
Có thể chính quyền xã cẩn thận, nhắc nhở người dân, cũng có thể biết chất lượng cầu treo kém, lo ngại sự cố.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống – chuyên gia đầu ngành kết cấu xây dựng của Đại học Xây dựng Hà Nội
Qua vụ sập cầu, nhiều người cho rằng, cần xem lại trình độ kỹ thuật làm cầu của chúng ta. Là người tham gia đào tại ngành xây dựng, ông có suy nghĩ gì?
Có hai điều làm nên cây cầu tốt là kỹ thuật và ý thức người làm cầu. Tôi không nghĩ trình độ kỹ thuật của chúng ta kém.
Hãy nhìn các cầu khác như Bãi Cháy, Mỹ Thuận... rất chắc chắn. Hơn nữa, khi xây dựng cầu, phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, chúng ta đều đáp ứng tốt. Vậy nếu xem lại, thì xem ý thức các bên tham gia xây dựng.
Một số ý kiến cho rằng, cầu ở vùng sâu vùng xa thường “có vấn đề” hơn ở thành phố lớn. Ví dụ các sự cố trước đây như sập cầu treo tại Phù Yên, Sơn La năm 2013, sập cầu treo ở Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk cũng năm 2013. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Về nguyên tắc, xây cầu ở đâu cũng thế, phải bảo đảm được các tiêu chuẩn thiết kế, chất lượng như tính toán ban đầu. Có thể, xây dựng ở vùng sâu vùng xa thì có khả năng dễ tạo sự chủ quan hơn, nghĩ rằng ít người đi lại, khó xảy ra sự cố. Nhưng thực tế, người dân thành phố thường có ý thức chấp hành quy định qua cầu tốt hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!