Sau đại dịch COVID-19: Người háo hức về quê đón Tết, người đắn do vì gánh nặng tài chính
Chỉ còn gần 10 ngày nữa là bước sang năm mới Nhâm Dần, nhiều người đã kịp trở về sum vầy cùng gia đình. Nhưng với nhiều người lao động khác, chi phí hồi hương trở thành gánh nặng khiến họ đau đầu trăn trở.
Thất nghiệp hơn nửa năm vì dịch COVID-19, Phương Thảo (27 tuổi, nhân viên pha chế, đang làm việc tại cửa hàng The Coffee House) vẫn chưa quyết định có về quê hay không, mặc dù quê cô chỉ cách TP HCM hơn 3 tiếng đi xe máy.
Gò Vấp là quận đầu tiên tại TP HCM phải áp dụng các quy định về giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Cửa hàng đóng cửa, Phương Thảo tạm thời thất nghiệp. Tưởng chừng sẽ sớm được quay trở lại với công việc, nhưng khi tình hình dịch ngày càng trở nên phức tạp, cô cùng dòng người tháo chạy về quê ngay trước giờ phút giãn cách toàn thành phố.
Phương Thảo vẫn chưa quyết định việc ở lại làm thêm dịp Tết hay về quê
Vừa quay lại làm việc hơn 2 tháng thì Tết đến, cô gái trẻ có suy nghĩ sẽ làm việc xuyên Tết để bù lại những thu nhập đã mất trong nhiều tháng vừa rồi. “Đăng ký làm Tết thì lương sẽ gấp đôi, gấp 3 ngày thường, như vậy sẽ có thêm thu nhập để trang trải chi phí sắp tới, trả nợ. Mình đã ở nhà gần nửa năm rồi, mình không thấy vui khi Tết đến sớm như vậy”.
Theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 9/2020 đã có hơn 21.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hơn 328.000 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên và đã có hơn 118.000 người lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Số người lao động mất việc làm tập trung ở các ngành nghề giày da, du lịch, khách sạn, dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghiệp chế biến, vận tải kho bãi và lao động ngành bán buôn, bán lẻ...
Bến xe Miền Đông cũ vắng vẻ những ngày cận Tết Nguyên Đán 2022
Khu vực chờ xe vắng vẻ, không còn cảnh xếp hàng mua vé như mọi năm
Sau một năm đại dịch, anh Lý Văn Quý (37 tuổi, quê Bắc Ninh) quyết định đón Tết tại thành phố, dù nhiều năm chưa về quê. Nhiều tháng giãn cách, gia đình anh được hỗ trợ từ chính quyền và mạnh thường quân nên không phải chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên, số tiền tích góp nhiều năm còn phải trang trải các nhu cầu sinh hoạt khác và lo cho hai đứa con ăn học trong thời gian sắp tới: "Chi phí về quê cho 4 người nhà tôi cũng phải lên đến hơn chục triệu đồng, đó là số tiền lớn, trong khi dịch bệnh năm nay cũng đã có 4,5 tháng không đi làm.
Anh Quý cảm thấy Tết năm nay khá trầm lặng, không nhộn nhịp như bình thường. Anh sẽ cố gắng về quê vào năm tới đây, khi tình hình tài chính của gia đình ổn định hơn
TP HCM đón nhận một lượng lớn sinh viên, lao động phổ thông đến học tập và làm việc. Tuy nhiên, trong nhiều đợt giãn cách liên tiếp, các tỉnh thành Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Trung Bộ đã có nhiều chuyến xe miễn phí đón người dân về quê tránh dịch, vậy nên nhu cầu đi lại vào Tết 2022 giảm đi nhiều so với các năm trước. Theo ghi nhận tại Bến xe Miền Đông (đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh) vào ngày 18,19 âm lịch, số người đến mua vé lác đác và đa phần là mua vé đi trong ngày.
Chị Võ Thu Hà (26 tuổi, đang làm việc cho một tạp chí tiếng Nhật tại Việt Nam) về Đak Lak ăn Tết với giá đi xe giường nằm là 300.000 đồng, chị cho biết giá này cao hơn 80.000 đồng so với các ngày bình thường trong năm và cũng không phải đặt vé trước như năm ngoái. Cùng về Đak Lak nhưng chị Như Quỳnh (28 tuổi, quận Phú Nhuận) lại phải đặt cọc trước 200.000 đồng cho chuyến xe về quê vào tối 27 âm lịch. Quỳnh dự đoán giá vé cận Tết giao động từ 400.000 đồng đến 650.000 đồng, rẻ hơn khoảng 100.000 đồng so với mọi năm.
Bạn Minh Hải (19 tuổi, Kon Tum) làm việc cho một xưởng gỗ tại huyện Hooc-mon, vừa mua vé về quê vào ngày 19 âm lịch với giá 420.000 đồng. "Vé về nhà em bình thường từ 280.000 đến 300.000 đồng. Nay mới 19 tháng Chạp thôi mà vé đã tăng khá nhiều, em tranh thủ xin nghỉ về sớm vì sợ cận Tết giá cao quá. Có thể lên tới 700.00 đồng đến 800.000 đồng". Hải kể.
Cậu thanh niên này cũng như nhiều người lao động khác, nghĩ rằng lượng khách ít đi thì giá vé xe, vé tàu sẽ giảm mạnh, đỡ được gánh nặng tài chính. Nhưng trên thực tế, dù lượng khách không quá đông đúc, nhưng giá vé vẫn không giảm nhiều, một số tuyến có giảm nhẹ vài chục ngàn đồng.
Vé xe về Kom Tum với giá 420.000 đồng của Minh Hải
Nhân viên bán vé của nhà xe Bình Tâm (Quảng Ngãi) than vãn vì lượng khách ít ỏi trong ngày: "Chưa năm nào rảnh như năm nay, mọi năm bán vé Tết trước cả 1 tháng rưỡi, nhưng bây giờ khách không cần đặt trước. Đi giờ nào ra mua vé đi giờ đó". Người này còn cho biết doanh thu thời điểm gần Tết chủ yếu đến từ việc vận chuyển hàng hóa.
Nhân viên bán vé các nhà xe trong tình trạng rảnh rỗi vì không có khách.
Tuy năm 2021 vừa qua là một năm khá chật vật, nhưng chị Thu Duyên (32 tuổi, quận Tân Phú) vẫn quyết tâm về quê ăn Tết cùng gia đình. Chị quan niệm không gì có thể ngăn cản sự đoàn viên, tiền bạc có thể đi làm kiếm lại sau nên từ đầu khi các hãng bay bắt đầu bán vé Tết, chị đã xác định đắt cỡ mấy cũng sẽ đặt vé.
Nhưng so sánh với các năm trước, chị Duyên chỉ cần trả 3.800.000 đồng cho chuyến bay khứ hồi TP HCM - Vinh - TP HCM thay vì 6.400.000 3.800.000 đồng như năm 2021. "Mình cũng vừa đặt vé chưa lâu, năm nay mình thấy giá vé khá dễ chịu, chuyến bay cũng nhiều không có tình trạng cháy vé như các năm. Quê mình không còn bắt buộc cách ly tại nhà mà chỉ vận động theo dõi sức khỏe nên cũng thuận lợi, không có trở ngại gì", chị Duyên thông tin.
Sân bay Tân Sơn Nhất có lượng khách ga đi nội địa khá đông đúc vào chiều 21/01
Các hàng khách phải thực hiện khai báo y tế đầy đủ và xuất trình giấy chứng nhận tiêm đầy đủ ít nhất 2 mũi vacxin trước khi lên máy bay
Thời điểm cách Tết Nguyên Đán hơn 1 tháng, khi các quy định cách ly tại nhiều tỉnh thành còn khắt khe, một bộ phận xa quê ngại về quê vì thời gian nghỉ tết có hạn. Nhưng hiện nay, các quy định cách ly đã được nới lỏng, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân ăn Tết nên nhiều người đã ngay lập tức đặt vé để về quê thăm gia đình.
Làm việc trong lĩnh vực báo chí nên Lý Quốc Duy (24 tuổi, Sóc Trăng) có một năm không quá khó khăn, anh rất háo hức về quê để sum họp với bố mẹ. Duy cho biết vé xe về quê vẫn giữ nguyên 160.000, không tăng giá. Theo ghi nhận, giá vé xe về các tỉnh miền Tây Nam Bộ ít có biến động trong các dịp lễ Tết.
Sân bay Tân Sơn Nhất hồi sinh sau đại dịch COVID-19
Chi phí đi lại và quy định cách ly đặc thù của từng tỉnh thành chính là hai nguyên nhân lớn khiến nhiều người đắn đo việc có về quê ăn Tết cùng gia đình hay không. Sau một năm chao đảo trong đại dịch, vấn đề tài chính chính là gánh nặng đè lên vai nhiều người lao động. Quy định cách ly đã được điều chỉnh để linh hoạt, tuy nhiên câu chuyện chi phí vẫn khiến một bộ phận không nhỏ phải lo lắng.
Bạn Hồng My (21 tuổi) mọi năm đều về Phú Yên bằng các chuyến xe hỗ trợ sinh viên, tuy nhiên năm nay bạn phải bỏ gần 700.000 đồng để mua vé. Ở lại TP HCM đến cận Tết vì lý do cá nhân, đối với cô sinh viên trẻ, đây là một số tiền lớn mà cô phải đi làm thêm, chắt bóp chi tiêu mới có được.
Tuy nhiên, để đồng hành cùng bà con lao động trên hành trình về quê đón Tết, nhiều tổ chức, mạnh thường quân đã bắt đầu tổ chức nhiều chuyến xe 0 đồng tình nghĩa để giúp đỡ những người lao động. Mới đây, Liên đoàn Lao động Đà Nẵng đã đưa hơn 2000 công nhân làm việc tại thành phố này về quê. Năm nay, có 70 chuyến xe miễn phí được tổ chức, những chuyến xe này có lộ trình phía Nam đến tỉnh Khánh Hòa, phía Bắc đến tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh ở Tây Nguyên.
Tin liên quan
Bà là con gái của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, là vợ của Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Vốn là...
Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán
Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bày bán những cành đào, chậu quất mini, cành mận Tây Bắc... phục vụ người dân.