Ở độ tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, con cháu chăm sóc nhưng cụ ông U80 này phải lang thang khắp Sài Gòn để nhặt ve chai, xin cơm, gạo từ thiện để nuôi đứa con gái bạo bệnh.
Cụ ông làm đủ nghề để nuôi sống cả gia đình
Giữa thành phố hoa lệ, đâu đó vẫn có những gia đình hằng ngày chịu cảnh “nước mắt chan cơm” vì cuộc sống khó khăn, đói nghèo. Trong căn nhà cũ kỹ tại chung cư Ấn Quang (quận 10), ông Nguyễn Văn Phải (SN 1949) gạt nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh trớ trêu của gia đình.
Dù năm nay đã 75 tuổi nhưng để có được cơm ngày 3 bữa, lo cho vợ con, ông phải lang thang khắp nơi để mưu sinh, từ lượm ve chai, giúp việc đến xin cơm gạo từ thiện. Gánh nặng trụ cột gia đình đè nặng lên đôi vai của ông Phải từ nhiều năm nay, nhất là bệnh tình của đứa con gái ngày một nặng.
Gia đình ông Phải gồm 5 thành viên, đang ở căn chung cư nhỏ vỏn vẹn vài chục mét vuông.
Sau khi gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với bà Dung, ông bà có với nhau tất cả 3 người con (2 trai 1 gái), có điều người con gái giữa Mỹ Phương mắc phải chứng tâm thần phân liệt, "lúc tỉnh lúc quên" nên mọi ăn uống, sinh hoạt trong nhà đều do vợ chồng ông Phải phụ giúp.
Nhìn đứa con gái đang thờ thẫn ngồi ở một góc nhà, bà Dung nấc nghẹn: "Hồi nó khoảng năm 16-17 tuổi, nó bị tai nạn giao thông, té xuống đường, cứ tưởng chẳng sao ai ngờ vài năm sau nó đổ bệnh, có biểu hiện lạ hay đau nhức đầu. Lúc đó, vợ chồng tôi đưa con vào bệnh viện thì mới vỡ lẽ, đó là di chứng của tai nạn, rồi bị tâm thần phân liệt".
Ngoài đứa con gái giữa bệnh tật, hiện vợ chồng ông Phải cáng đáng nuôi thêm đứa cháu nội 14 tuổi mồ côi mẹ (cha đi thêm bước nữa), cuộc sống của cặp vợ chồng già càng thêm chồng chất khó khăn. Lúc trước, bà Dung còn khoẻ mạnh, bà làm tạp vụ ở trường học, ông Phải thì chạy xích lô. Dù không quá khá giả nhưng cuộc sống của gia đình ông bà cũng đủ cơm ngày 3 bữa.
Nào ngờ sau một vụ tai nạn, ông Phải bị gãy chân, sức khoẻ từ đó giảm sút, đôi chân cũng không thể đi lại bình thường như trước. "Thời điểm bị tai nạn, ổng cũng đã 70 tuổi, xương khớp không còn cứng cáp. Ban đầu, bác sĩ đề nghị phải băng bột từ mắt cá lên đến đầu gối tưởng chừng đã phải nằm một chỗ. Tuy nhiên, ổng không chịu, phải năn nỉ bác sĩ tìm cách khác để chữa trị. Sau đó, bác sĩ dùng nẹp tre để cố định vết thương, mất vài tháng thì mới bình phục”, bà Dung nhớ lại.
Dáng người gầy guộc, lặng lẽ mưu sinh của ông Phải đã quá quen thuộc đối với người dân sinh sống ở chung cư Ấn Quang, ai cũng thương cho hoàn cảnh trớ trêu của cặp vợ chồng già.
Mỗi ngày, để có tiền trang trải sinh hoạt phí, cứ 5h sáng ông Phải lại ra khỏi nhà, phụ các bếp ăn, ai kêu gì làm đó hoặc xin cơm, gạo từ thiện để lo cho cả gia đình. Thấy hoàn cảnh ông Phải khó khăn, lại tuổi cao sức yếu, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến hỗ trợ, giúp đỡ.
Nhắc đến tình cảm của những người xa lạ dành cho gia đình mình, ông Phải ứa nước mắt: "Nếu không có những mạnh thường quân, gia đình của tôi không biết sống thế nào. Có người cho tiền, có người cho thùng mì, thùng sữa, thực phẩm..., ai cũng động viên, tôi thấy ấm lòng lắm".
Mong ước ngày cuối đời được đủ cơm ăn, áo mặc
Trong căn nhà ọp ẹp, chị Mỹ Phương ngô nghê nhìn cha mẹ, chốc chốc lại phát ra những từ ngọng nghịu không rõ lời. Gần 30 năm nuôi đứa con gái bệnh tật, vợ chồng ông Phải dường như hiểu rõ mọi tính cách, sở thích của con.
“Khi nói chuyện phải dùng lời lẽ ngọt ngào, nhỏ nhẹ, đừng làm nó kích động, không là nó la hét. Dù nó bệnh tật nhưng vợ chồng tôi thương nó lắm, dù sao cũng là con cái của mình dứt ruột đẻ ra", bà Dung hướng đôi mắt đỏ hoe về phía chị Mỹ Phương, giọng ngậm ngùi.
Bình thường chị Mỹ Phương vẫn có thể tự làm một số việc cá nhân nhưng đến khi động kinh thì có nhiều hành vi mất kiểm soát.
Sống trong cảnh túng quẫn, chạy vạy từng bữa cơm, đôi lúc vợ chồng ông Phải cảm thấy mỏi mệt, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nhìn thấy đứa con gái khờ khạo vẫn cần bàn tay cha mẹ chăm sóc, đứa cháu nội thiếu thốn tình thương của cả cha lẫn mẹ, ông bà buộc phải gượng dậy, tiếp tục cuộc sống.
“Ở tuổi này, tôi cũng không nghĩ đến việc giận hờn con cái. Từ khi vợ nó mất, nó cũng cố gắng mưu sinh nuôi con ăn học. Sau đó, nó gửi lại con cho ông bà nuôi. Lâu lâu thì ghé thăm con, chu cấp tiền sinh hoạt. Giờ nó cũng lập gia đình mới, có vợ và con trai nên cũng mừng cho nó”, bà Dung tâm sự.
Hơn 50 năm sinh sống cùng nhau, bà Dung và ông Phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, cả hai không bao giờ nặng lời, cứ nhường nhịn nhau mà sống.
Bà Dung cho biết tuy gia đình khó khăn, thường rơi vào cảnh đói ăn, thiếu mặc nhưng điều duy nhất ông bà muốn làm là lo được cho đứa cháu gái ăn học đàng hoàng, không thua kém bạn bè đồng trang lứa. Bởi hơn ai hết, vợ chồng ông bà hiểu được chỉ có học tập, đứa cháu nội của ông bà mới có được một tương lai tốt hơn, không phải sống trong cảnh đói nghèo, lay lắt như ông bà.
“Trong người tôi cũng có một số bệnh nền như viêm xoang, huyết áp không ổn định nên tôi cầu mong ông trời cho tôi có sức khỏe để chăm sóc con cháu. Nhiều ngày trái gió trở trời tôi mệt lắm nhưng cũng ráng làm mọi việc để chu toàn gia đình. Vì tôi biết, nếu tôi không làm thì con, cháu không thể sinh hoạt được”, bà Dung nghẹn lời.
Có lẽ ở cái tuổi gần đất xa trời, vợ chồng ông Phải cũng chẳng mong cầu giàu sang phú quý, ông bà chỉ hi vọng rằng chuỗi ngày sắp tới, cả gia đình được cơm đủ no ngày 3 bữa, có chút tiền trang trải chi phí sinh hoạt, học tập cho đứa cháu nội mồ côi.
Suốt buổi trò chuyện, dù vẫn cố gắng nói cười vui vẻ nhưng ẩn sâu trong đôi mắt của cặp vợ chồng già vẫn còn đó nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Họ chỉ sợ lỡ một mai, một trong hai phải "nằm xuống"… thì những người ở lại, chẳng biết nương tựa vào ai.