Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn đang là mối nguy hiểm lớn nhất trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Theo số liệu từ trang Worldometers, tính đến sáng ngày 22/9, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 230.313.402 ca nhiễm COVID-19, 4.722.750 ca tử vong và 207.045.598 người khỏi bệnh.
Trong 24h qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 94.060 ca nhiễm mới, tiếp theo là Anh với 31.564 ca và Thổ Nhĩ Kỳ với 29.338 ca. Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới với 1.609 người chết, tiếp theo là Nga với 812 ca và Brazil 406 ca.
Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với hơn 43,2 triệu ca nhiễm và hơn 696.000 ca tử vong. Đứng thứ 2 là Ấn Độ với hơn 33,5 triệu ca nhiễm và hơn 445.000 ca tử vong.
Tỉ lệ tiêm vaccine ở một số quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.
Trên toàn thế giới, trung bình 44% dân số thế giới đã được tiêm 1 mũi vaccine đầu tiên và khoảng 32% dân số đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, theo sau là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Singapore.
WHO đưa ra thông báo mới về biến thể Delta
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, biến thể Delta đã lây lan ở hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. "Chỉ còn chưa đầy 1% số lượng biến thể Alpha, Beta và Gamma đang lây lan trên thế giới. Delta đang là biến thể áp đảo hoàn toàn", bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, nói.
Biến thể Delta "đã trở nên phù hợp hơn, dễ lây lan hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn, nó đang thay thế các loại biến thể khác trên thế giới", bà Maria Van Kerkhove nói thêm.
Tất cả các loại virus đều đột biến theo thời gian, bao gồm cả biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Cuối năm 2020, sự xuất hiện của các biến thể làm gia tăng nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. WHO khi đó bắt đầu nghiên cứu, đưa các biến thể vào danh sách đáng lo ngại và đáng quan tâm, để đề ra phương án đối phó đại dịch.
Hiện nay, 4 biến thể được liệt vào danh sách đáng lo ngại nhất là Delta, Alpha, Beta và Gamma, trong đó chủ yếu gây nguy hiểm nhất là Delta. Ba biến thể khác bao gồm Eta, Lota và Kappa được đưa vào danh sách giám sát, ít lưu tâm hơn. "Sự thay đổi này dựa trên việc các biến thể đó không cạnh tranh được với các biến thể đáng lo ngại để có thể lây lan mạnh", bà Maria Van Kerkhove nói.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã vượt đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918
Dịch bệnh tại Mỹ vẫn đang diễn biến rất phức tạp do sự lây lan của biến thể Delta. Vào ngày 20/9, số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt mức 675.000 ca, tăng với tốc độ trung bình hơn 1.900 ca mỗi ngày, theo số liệu của Đại học John Hopkins. Tính đến nay, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 696.867 ca tử vong do COVID-19.
Trước đó, Mỹ đã trải qua một dịch bệnh khác là đại dịch cúm Tây Ban Nha, xảy ra vào 3 đợt: mùa thu và mùa đông năm 1918, mùa xuân năm 1919, khiến khoảng 675.000 người tử vong, số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết. Đại dịch cúm Tây Ban Nha là dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ cho đến khi COVID-19 xuất hiện. Giờ đây, số ca tử vong tại Mỹ do COVID-19 đã cao hơn cả số người chết vì đại dịch cúm Tây Ban Nha.
Trong ngày 21/9, Mỹ ghi nhận thêm 120.579 ca nhiễm mới và 1.927 ca tử vong mới. Hiện nay, Texas và Florida là 2 tiểu bang đang bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nhất, chiếm hơn 30% số ca tử vong của Mỹ.
Theo tờ New York Times, các điểm nóng dịch bệnh tiếp tục xuất hiện trên khắp nước Mỹ. Mặc dù đa số điểm nóng này ghi nhận ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, một số cũng đã nổi lên ngay ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất. Biến thể Delta vẫn là nguyên nhân chính khiến số ca nhiễm và tử vong tăng cao.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine tại Mỹ là khá cao. Khoảng 63% dân số nước này đã tiêm một mũi vaccine và khoảng 54% dân số đã tiêm 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ vẫn chần chừ chuyện tiêm chủng.
Trung Quốc: Số ca nhiễm trong cộng đồng tăng trở lại
Trung Quốc thông báo có thêm 72 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 20/9, bao gồm 42 ca nhiễm trong cộng đồng và 30 ca nhập cảnh. Toàn bộ các ca nhiễm cộng đồng mới đều ở tỉnh Phúc Kiến, với 36 ca tại thành phố Hạ Môn, 5 ca tại Phủ Điền và một ca tại Tuyền Châu. Con số này tăng lên gần gấp 3 so với chỉ một ngày trước đó.
Khoảng 30.000 người được cho là đã rời khỏi Phúc Kiến từ ngày 26/8 đến ngày 10/9. Một quan chứcỦy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 16/9 cho hay giới chức ở nhiều khu vực đang cố gắng truy vết các cuộc tiếp xúc gần và tiến hành xét nghiệm COVID-19.
Nhằm kiểm soát đợt bùng phát mới, nhiều biện pháp nghiêm ngặt đã được áp dụng ở Phúc Kiến, trong đó có việc kêu gọi người dân không rời khỏi nhà nếu không cần thiết. Các khu vực công cộng như công viên, sân vận động và địa điểm du lịch, đóng cửa tạm thời.
Tỉnh Phúc Kiến cũng công bố những thay đổi đối với mã sức khỏe y tế, áp dụng hệ thống 3 màu phân loại theo nguy cơ lây nhiễm, gồm xanh lá cây, vàng và đỏ.
Người dân có mã sức khỏe xanh không bị giới hạn khi ra ngoài, trong khi người có mã màu vàng bị cấm tới các địa điểm công cộng, phải xét nghiệm COVID-19 và giám sát sức khỏe. Người có mã sức khỏe màu đỏ phải tự cách ly tại nhà hoặc tại nơi được chỉ định. Những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm sẽ bị chuyển mã sức khỏe sang màu vàng. Người đến các cơ sở y tế trong tình trạng sốt cũng có mã sức khỏe màu vàng. Sau khi giai đoạn lây nhiễm tiềm tàng đã qua, người có mã sức khỏe vàng cần làm xét nghiệm COVID-19 để được chuyển về màu xanh.
Phần lớn châu Âu đã mở cửa cho du khách quốc tế
Phần lớn các nước châu Âu đã mở cửa đối với khách du lịch quốc tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 sau đợt lây nhiễm bùng phát vào mùa Xuân vừa qua.
Tại một số nước, số ca nhiễm và nhập viện vẫn gia tăng, phần lớn do ảnh hưởng của biến thể Delta. Tuy nhiên, các chương trình tiêm chủng được triển khai rầm rộ đã làm giảm đáng kể số người nhập viện so với những tháng đầu năm 2021.
Tại Anh, hầu hết các biện pháp hạn chế vì dịch bệnh đã được dỡ bỏ vào tháng 7/2021, dù số ca nhiễm vẫn tăng lên. Đến đầu tháng 9, số ca nhập viện vì COVID-19 trung bình 7 ngày tại Anh ở mức 1.000 ca, cao nhất kể từ tháng 2, tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng ở nước này vẫn khá cao, với khoảng 75% dân số đã tiêm mũi một và 65% dân số đã tiêm mũi 2. Ngày 14/9 vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo nước này có thể tái áp đặt các biện pháp hạn chế vào mùa đông nếu Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) bị quá tải.
Ý là một trong những nước đầu tiên mở cửa trở lại với khách du lịch vào năm 2020. Năm 2021, các hạn chế nhập cảnh chủ yếu được áp dụng với Liên minh châu Âu (EU) và một số nước gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh. Ý ngày 16/9 cũng là quốc gia đầu tiên yêu cầu nhân viên doanh nghiệp công và tư xuất trình chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi COVID-19. Quy định có hiệu lực kể từ ngày 15/10, được đưa ra nhằm khuyến khích nhiều người tiêm vaccine hơn. Khoảng 75% dân số Ý từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ.
Số ca nhiễm tại Pháp tăng mạnh hồi tháng 8 nhưng đã có dấu hiệu chững lại vào tháng 9. Tổng số bệnh nhân giảm xuống dưới 10.000 ca, thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch hồi tháng 4, khi nước này ghi nhận 30.000 ca phải điều trị COVID-19 ở bệnh viện. Pháp vẫn áp đặt các biện pháp hẹn chế nghiêm ngặt với những người chưa tiêm vaccine nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng.
Trong khi đó, Đan Mạch về cơ bản đã trở lại cuộc sống trước đại dịch vào tháng này. Chính phủ cho phép người dân tụ tập thành nhóm lớn, ra vào hộp đêm, nhà hàng mà không cần xuất trình hộ chiếu vaccine, sử dụng phương tiện công cộng mà không cần đeo khẩu trang.
Thái Lan: Số ca nhiễm vẫn tăng, chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine
Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) cho biết, trong ngày 21/9, nước này ghi nhận 10.919 ca nhiễm mới và 143 ca tử vong mới. Trong số các trường hợp mới ghi nhận, 4.184 ca phát hiện tại thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận. Như vậy, Thái Lan đã có tổng cộng 1.511.357 ca nhiễm và 15.753 ca tử vong do virus SARS-CoV-2.
Hiện nay, khoảng 41% dân số Thái Lan đã tiêm một mũi vaccine và 22% dân số đã tiêm 2 mũi vaccine. Bộ Nội vụ Thái Lan mới đây đã ban hành văn bản đề nghị chính quyền các địa phương sẵn sàng bắt đầu tiêm chủng cho học sinh vào cuối tháng 9 này. Số lượng học sinh là trẻ em từ 12-18 tuổi trong danh sách cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Thái Lan lên tới 4,5 triệu người.
Chính quyền thủ đô Bangkok đang có kế hoạch mở cửa trở lại cho các du khách nước ngoài đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Hiện khoảng 70% cư dân thành phố này cũng đã hoàn tất tiêm chủng, trong khi số ca mắc mới và số ca nhập viện giảm xuống mức có thể kiểm soát được.
Trước đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan cũng đã thông báo rằng kể từ tháng 10 tới, các khu vực bao gồm thủ đô Bangkok, cùng các tỉnh Chiang Mai, Chon Buri, Phetchaburi và Prachuap Khiri Khan sẽ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.