Một số quốc gia châu Á đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, trong khi đó Trung Quốc lại xuất hiện nhiều ổ dịch mới đáng lo ngại.
Tính đến sáng ngày 15/9, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 226.661.161 ca nhiễm COVID-19, 4.662.880 ca tử vong và 203.340.578 người được chữa khỏi. Trong ngày hôm qua 14/9, thế giới có thêm 511.801 ca nhiễm COVID-19 và 8.881 ca tử vong.
Mỹ vẫn là nước bị virus SARS-CoV-2 tấn công dữ dội nhất, đứng đầu toàn cầu về cả số ca nhiễm mới (112.500) và số ca tử vong mới (1.700). Con số tử vong này cao gấp đôi so với ngày 13/9.
Về số ca nhiễm mới, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Anh và Iran lần lượt đứng sau Mỹ khi số người nhiễm COVID-19 trong 24h qua đều ở mức trên 20.000 ca. Về số ca tử vong mới do COVID-19, các vị trí này thuộc về Nga, Brazil, Malaysia và Iran.
Tỉ lệ tiêm vaccine ở một số quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.
Mỹ kêu gọi góp thêm một tỷ liều vaccine để 70% dân số thế giới được tiêm chủng
Theo một văn bản của chính phủ Mỹ mà tờ Reuters tiếp cận được hôm 14/9, Washington đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo toàn cầu cùng hành động vì một mục tiêu mà họ mô tả là "đầy tham vọng" để kết thúc đại dịch COVID-19. Theo đó, Mỹ đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng hành động để đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm chủng vaccine vào năm 2022.
Văn bản cũng kêu gọi các nước có nguồn vaccine dồi dào ủng hộ thêm một tỷ liều, cũng như xúc tiến việc phân phối 2 tỷ liều đã cam kết.
Trong văn bản mà Reuters được tiếp cận, Mỹ kêu gọi các nước đảm bảo trung bình trên 1.000 dân có ít nhất một người được xét nghiệm hàng tuần trước khi năm 2021 kết thúc, và tăng cường năng lực để đảm bảo rằng tất cả nhân viên y tế được tiếp cận với các phương tiện bảo hộ cá nhân. Ngoài ra, Mỹ cũng kêu gọi các nước giàu đóng góp 2 tỷ USD để tăng cường năng lực cung cấp oxy lỏng số lượng lớn, tặng ít nhất một tỷ bộ dụng cụ xét nghiệm vào năm 2022 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, cũng như tài trợ 3 tỷ USD thuốc trị liệu COVID-19 cho tới năm 2022. Mỹ còn kêu gọi khu vực tư nhân tài trợ cho chiến lược chống dịch toàn cầu 2 tỷ USD để tăng cường cung cấp hệ thống oxy vào cuối năm tới, đồng thời cung cấp các bộ xét nghiệm ở các nước nghèo hơn với giá không quá 1 USD mỗi bộ.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Mỹ đang phức tạp trở lại. Trong ngày hôm qua 14/9, Mỹ ghi nhận thêm 142.059 ca nhiễm mới và 1.934 ca tử vong, cao nhất thế giới. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia Mỹ nhấn mạnh số ca tử vong do COVID-19 gia tăng tại nước này chủ yếu là do biến thể Delta và những trường hợp không qua khỏi này này tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng đang độ tuổi lao động, đặc biệt là ở những người vẫn chưa tiêm vaccine.
Thống kê chính thức cho thấy số bệnh nhân tử vong dưới 55 tuổi tăng lên mức cao, gần 1.800 ca trong một tuần. Số ca tử vong trung bình trong 7 ngày tăng lên 1.600 ca/ngày, cao hơn hẳn so với mức trung bình 220 ca/ngày vào đầu tháng 7 vừa qua.
Tổng thống Nga Putin lên tiếng khi tự cách ly vì tiếp xúc người mắc COVID-19
Điện Kremlin ngày 14/9 thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tự cách ly sau khi một số thành viên trong đoàn tháp tùng ông được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện Tổng thống Putin hoàn toàn khỏe mạnh và bản thân không mắc COVID-19. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đã quyết định tự cách ly sau khi gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Moscow cách đây 2 hôm.
Sau đó, đích thân ông Putin đã lên tiếng. "Coi như đây là một thử nghiệm tự nhiên để xem vaccine Sputnik V hiệu quả đến mức nào. Theo dữ liệu tổng thể, mức độ kháng thể của tôi vẫn khá cao, nhưng vẫn còn phải xem thực tế ra sao. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ ổn", Tổng thống Nga Putin phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến ngày 14/9 với các thành viên chính phủ và lãnh đạo Đảng Nước Nga thống nhất. Tổng thống Putin sẽ không đến Tajikistan tham dự các cuộc họp an ninh khu vực trong tuần này, thay vào đó sẽ tham dự hội nghị trực tuyến.
Nga hiện là tâm dịch lớn thứ 5 thế giới với trên 7,17 triệu người mắc và hơn 194.200 bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19. Trong ngày hôm qua 14/9, Nga có thêm 17.837 ca nhiễm mới và và 781 ca tử vong mới. Nga hiện nằm trong top những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.
Các nước châu Âu triển khai "thẻ xanh COVID-19"
Một số nước châu Âu đang từng bước triển khai "thẻ xanh COVID-19" hay "hộ chiếu vaccine" để dần mở cửa cho người dân tham gia các hoạt động và sử dụng dịch vụ công cộng. Những tấm thẻ này có thể dưới dạng giấy hoặc kỹ thuật số, thường là một ứng dụng điện thoại mang mã QR để chứng minh một người đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, hoặc đã từng mắc COVID-19 nhưng đã khỏi, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trong Liên minh Châu Âu (EU), một số quốc gia đã phát triển "thẻ xanh COVID-19" tương thích với chứng chỉ COVID-19 kỹ thuật số của châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong khối. Những nước này bao gồm: Áo, Bỉ, Cộng hòa Síp, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia.
Tại Anh, chính phủ từng triển khai kế hoạch cấp "thẻ xanh COVID-19" để ra vào các hộp đêm và những nơi đông người khác, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/10, tuy nhiên sau đó đã tạm hoãn.
Ở Tây Ban Nha, chính quyền khu vực Canaries, Galicia, Cantabria và Andalucía muốn sử dụng "thẻ xanh COVID-19" nhưng đề xuất này bị các tòa án cấp cao của Tây Ban Nha từ chối.
Thụy Điển đã thông qua Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của châu Âu (EUDCC), cho phép du khách nhập cảnh và công dân đi lại dễ dàng trong khối, nhưng không yêu cầu xuất trình chứng nhận này khi tới các địa điểm và sự kiện, vì Thụy Điển muốn mở cửa cho tất cả mọi người cùng một lúc.
Tại Đan Mạch, "thẻ thông hành" Coronapas đã được triển khai vào tháng 4, nhưng hiện tạm dừng vì thấy thẻ này không còn cần thiết trong bối cảnh 80% dân số từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ. Các câu lạc bộ đêm, những địa điểm cuối cùng yêu cầu phải có thẻ thông hành tại Đan Mạch, đã được miễn quy định này vào tuần trước.
Trung Quốc: Xuất hiện nhiều ổ dịch mới, ca mắc mới trong cộng đồng tăng lên
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, trong ngày 13/9, Trung Quốc ghi nhận 59 ca lây nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng, tăng hơn gấp 2 lần so với 22 ca ghi nhận vào ngày 12/9.
Ngày 14/9, Trung Quốc báo cáo 92 ca mắc COVID-19 mới, tiếp tục tăng gần gấp đôi so với hôm trước. Đến nay, tổng cộng 95.413 người dân đã nhiễm bệnh ở nước này, bao gồm 4.636 trường hợp thiệt mạng.
Trong vòng 4 ngày, tỉnh Phúc Kiến đã ghi nhận tổng cộng 102 ca nhiễm trong cộng đồng. Đợt bùng phát gần đây nhất của Trung Quốc, chủ yếu ảnh hưởng đến tỉnh Giang Tô, kết thúc cách đây khoảng 2 tuần. Đợt bùng phát hiện tại của Phúc Kiến có nguồn gốc từ thành phố Phủ Điền, với ca nhiễm đầu tiên được công bố vào ngày 10/9. Kết quả xét nghiệm nhanh ở một số ca bệnh cho thấy họ đều nhiễm biến thể Delta.
Theo Reuters, virus hiện đã lây sang thành phố Hạ Môn, nơi ghi nhận thêm 32 ca nhiễm trong cộng đồng vào ngày 13/9, tăng lên từ 1 ca của ngày trước đó. Tuy nhiên, cả thành phố Phủ Điền và Hạ Môn đều chưa ban hành lệnh phong tỏa khẩn cấp, chỉ phong tỏa một vài khu vực rủi ro cao, ngừng các lớp học trực tiếp ở trường mẫu giáo, tiểu học và trung học, đóng cửa một số địa điểm công cộng như rạp chiếu phim, phòng tập thể dục và quán bar, đồng thời yêu cầu người dân không rời thành phố khi không thực sự cần thiết.
Indonesia: Số ca nhiễm mới giảm hơn 20 lần trong 2 tháng, dần kiểm soát được dịch bệnh
Tình hình dịch bệnh tại Indonesia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 tại Đông Nam Á, đang có xu hướng lắng dịu. Ngày 13/9, nước này ghi nhận hơn 2.500 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính trong ngày cũng giảm xuống mức thấp 1,45%.
So với đỉnh dịch 56.757 ca nhiễm vào ngày 15/7/2021, số ca nhiễm trong ngày của Indonesia đã giảm hơn 20 lần chỉ sau 2 tháng. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã qua đỉnh dịch.
Indonesia đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, dự kiến đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số vào cuối năm nay. Nhằm từng bước mở cửa lại nền kinh tế và chung sống với COVID-19, chính phủ Indonesia sẽ tiến hành đánh giá hàng tuần, đồng thời, xem xét kéo dài các hạn chế thêm 1 tuần, đến ngày 20/9 tới
Chính phủ Indonesia cũng bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển công cộng. Các địa điểm như trung tâm mua sắm và văn phòng đã hoạt động trở lại với công suất và giờ hoạt động hạn chế.
Tuần trước, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đánh giá đại dịch COVID-19 sẽ không biến mất trong thời gian ngắn. Ông cho rằng Indonesia cần chuẩn bị cho quá trình chuyển từ đại dịch COVID-19 sang coi COVID-19 như một bệnh thông thường.
Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 4.174.216 ca nhiễm COVID-19, 139.415 ca tử vong và 3.942.473 người khỏi bệnh. Theo dữ liệu của Our World In Data, quốc gia này có khoảng hơn 27% dân số đã tiêm một mũi vaccine và hơn 15% dân số đã tiêm 2 mũi vaccine.
Malaysia: Bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế
Ngày 14/9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ không còn coi việc phong tỏa là một biện pháp thích hợp để kiềm chế sự gia tăng của dịch bệnh COVID-19, đồng thời cho rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy khác. Do vậy, chính phủ đã quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế. Theo đó, Giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn, sẽ có 11 lĩnh vực kinh doanh ở các bang được mở cửa trở lại.
Các lĩnh vực kinh doanh được đề cập là dịch vụ rửa xe ô tô, siêu thị điện máy, cửa hàng đồ gia dụng và đồ dùng nhà bếp, cửa hàng nội thất, cửa hàng dụng cụ thể thao, cửa hàng phụ kiện xe hơi, trung tâm phân phối và bán xe ô tô, chợ sáng và chợ nông sản, cửa hàng quần áo, thời trang và phụ kiện, cửa hàng trang sức cũng như tiệm cắt tóc và trung tâm làm đẹp.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 14/9, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết, quyết định mới được chính phủ Malaysia đưa ra sau khi tiến hành đánh giá rủi ro và cân nhắc về tỷ lệ tiêm chủng khá cao. Bước đi này không chỉ giúp phục hồi kinh tế mà còn cung cấp không gian và cơ hội để người dân cải thiện cuộc sống. Thủ tướng Ismail nhấn mạnh rằng mặc dù một số lĩnh vực được phép mở cửa trở lại song phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, xuất trình chứng nhận tiêm chủng đủ 14 ngày.
Malaysia vừa vượt ngưỡng 2 triệu ca mắc COVID-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 2.011.440 ca nhiễm, 21.587 ca tử vong và 1.764.576 người khỏi bệnh. Malaysia có tỷ lệ tiêm chủng khá cao với hơn 66% dân số đã tiêm mũi 1 và hơn 53% dân số đã tiêm mũi 2.