Quốc gia đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 2 tuổi trở lên, số ca tại Mỹ tăng mạnh

Khánh Hằng - Ngày 08/09/2021 12:12 PM (GMT+7)

Tại một số quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Nga hay Philippines, tình hình dịch bệnh vẫn còn rất căng thẳng.

Theo số liệu trên trang Worldometers, tính đến sáng ngày 8/9, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 222.718.322 ca nhiễm COVID-19, 4.598.448 ca tử vong và 199.231.282 người được chữa khỏi. Trong 24h qua, có thêm 448.474 ca nhiễm mới và 7.771 ca tử vong mới.

Trong 24h qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 57.243 ca nhiễm mới, tiếp theo là Ấn Độ với 38.116 ca và Anh với 37.489 ca. Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 795 người chết, tiếp theo là Indonesia với 685 ca và Iran với 635 ca.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 quốc gia có chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Số ca nhiễm tại Mỹ là hơn 41,2 triệu ca, tại Ấn Độ là hơn 33 triệu ca và tại Brazil là hơn 20,9 triệu ca.

Tỉ lệ tiêm vaccine ở một số quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.

Tỉ lệ tiêm vaccine ở một số quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.

Cuba: Quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên

Cuba bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine chống COVID-19 vào đúng ngày khai giảng năm học mới 6/9. Địa phương đầu tiên tiến hành tiêm đại trà vaccine cho trẻ em là một tỉnh miền Trung nước này, với loại vaccine tự sản xuất Soberana 02.

Trước đó một ngày, đảo quốc Caribe này cũng đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-18 tuổi.

Quốc gia đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 2 tuổi trở lên, số ca tại Mỹ tăng mạnh - 2

Đầu năm nay, Cuba từng đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dân bằng vaccine do nước này phát triển và bào chế. Tới nay, Cuba đã tiến hành tiêm hơn 13 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 cho gần 5,4 triệu người, trong đó khoảng 3,3 triệu người trên tổng dân số 11,2 triệu người đã được tiêm đủ 3 mũi.

Từ đầu tháng 7 tới nay, Cuba có số ca nhiễm COVID-19 khá cao, xu hướng giảm không nhiều. Trong ngày 7/9 vừa qua, Cuba ghi nhận 7.771 ca nhiễm mới và 93 ca tử vong. Đỉnh điểm dịch bệnh của quốc gia này là hồi cuối tháng 8, với đỉnh điểm dịch bệnh là gần 10.000 ca nhiễm và gần 100 ca tử vong mỗi ngày. Theo số liệu của Our World In Data, Cuba đã tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine cho 59% dân số và 2 mũi vaccine cho hơn 45% dân số.

Mỹ: Số ca nhiễm tăng mạnh, xuất hiện thêm biến thể Mu

Số liệu của Đại học Johns Hopkins tổng hợp cho thấy số ca nhiễm COVID-19 vào ngày lễ Lao động tại Mỹ (rơi vào thứ hai đầu tiên của tháng 9, năm nay là ngày 6/9) tăng đến 316% so với ngày này vào năm 2020, theo tờ USA Today. Số ca tử vong mỗi ngày cao gần gấp 2 lần trong khi tỷ lệ nhập viện cao hơn 158%, theo số liệu của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ.

Những yếu tố dẫn đến tình trạng này được cho là biến thể Delta có khả năng lây lan cao và do còn nhiều người Mỹ không chịu tiêm vaccine dù được cung cấp miễn phí.

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ đã tăng rất mạnh, đứng đầu thế giới trong vài ngày qua, gây nên những lo ngại cho hệ thống y tế, đẩy các bệnh viện vào tình trạng quá tải. Theo cảnh báo của Trưởng cố vấn y tế cho tổng thống, tiến sĩ Anthony Fauci, một số bệnh viện đông đến mức các bác sĩ sẽ sớm phải đưa ra quyết định ai sẽ được cho vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Quốc gia đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 2 tuổi trở lên, số ca tại Mỹ tăng mạnh - 3

Tờ USA Today cũng đưa tin ngày 5/9, ít nhất 1.000 trường học tại 35 bang của Mỹ đã phải đóng cửa khi chỉ vừa bắt đầu mở cửa dạy học trực tiếp trong năm học mới được vài ngày, chuyển sang hình thức học trực tuyến từ xa.

Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/9 sẽ trình bày bài phát biểu về kế hoạch ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng biến thể Delta của virus SARS-COV-2 và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Một quan chức Nhà Trắng ngày 7/9 nói: "Tổng thống Biden sẽ đưa ra một chiến lược gồm 6 mũi nhọn ở tất cả các lĩnh vực công và tư".

Ngoài biến thể Delta, Mỹ còn đang phải đối mặt với biến thể Mu. Biến thể này đã xuất hiện tại 49/50 bang của Mỹ. Florida và California là hai bang ở Mỹ ghi nhận 384 ca nhiễm biến thể Mu, mức cao nhất trong 49 bang phát hiện biến thể này. Bác sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu ở Mỹ, nói giới chức y tế đang “theo dõi sát sao” biến thể Mu, nhưng cho rằng biến thể này chưa có khả năng trở thành chủng virus lây lan mạnh tiếp theo ở Mỹ.

Trong ngày hôm qua 7/9, Mỹ ghi nhận thêm 107.060 ca nhiễm mới và 815 ca tử vong. Theo số liệu từ Our World In Data, Mỹ đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine cho hơn 62% dân số và 2 mũi vaccine cho hơn 52% dân số.

Philippines: Số ca mắc mới tăng kỷ lục, tái phong tỏa thủ đô Manila

Các nhà chức trách Philippines đưa ra quyết định tái phong tỏa thủ đô Manila hôm 7/9, ngay sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với trên 13 triệu người.

Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch thử nghiệm "phong tỏa quy mô hẹp hơn" tại Manila từ ngày 8/9 dù số ca nhiễm ở mức cao kỷ lục vì biến thể Delta. Theo đó, "phong tỏa cứng" được áp dụng đối với các hộ gia đình, các tòa nhà, các tuyến đường hoặc khu dân cư lân cận, thay vì toàn bộ thủ đô. Mục đích là giảm bớt các biện pháp hạn chế ở phần còn lại của Manila – nơi đóng góp hơn 30% cho nền kinh tế Philippines, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở cửa trở lại và thúc đẩy du lịch địa phương.

Quốc gia đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 2 tuổi trở lên, số ca tại Mỹ tăng mạnh - 4

Tuy nhiên, ngay trong ngày, lực lượng tác chiến chống COVID-19 của chính phủ Philippines đã đảo ngược kế hoạch, gia hạn các biện pháp phong tỏa hiện hành đến ngày 15/9 - hoặc cho đến khi việc thử nghiệm phong tỏa các địa điểm cụ thể được triển khai. 

Biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục trong những ngày gần đây. Ngày 6/9, Philippines có 22.380 ca nhiễm COVID-19 và trong ngày 7/9, con số này 18.012 ca. Philippines đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh lần nữa.

Đến nay, Philippines ghi nhận tổng cộng 2.121.308 ca nhiễm và 34.498 ca tử vong. Khoảng 17% dân số nước này đã tiêm một mũi vaccine và khoảng 11% dân số đã tiêm 2 mũi vaccine.

Singapore: Số ca nhiễm mới cao nhất trong hơn một năm qua

Ngày 7/9, Bộ Y tế Singapore thông báo đã ghi nhận 328 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất mà quốc gia này ghi nhận được trong hơn một năm qua. Việc này xảy ra trong bối cảnh nước này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp kiểm dịch khi triển khai dần kế hoạch mở cửa trở lại. 

Trong buổi họp báo diễn ra một ngày trước đó, Bộ trưởng Tài chính kiêm người đứng đầu lực lượng đặc trách chống COVID-19, bà Lawrence Wong, cho biết Singapore có thể sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu số ca mắc mới tăng mạnh. Số ca mắc trong ngày 7/9 là cao nhất kể từ khi Singapore ghi nhận 904 ca mắc mới COVID-19 hồi tháng 8/2020.

Quốc gia đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 2 tuổi trở lên, số ca tại Mỹ tăng mạnh - 5

Từ ngày 8/9, việc tập trung tại nơi làm việc sẽ không được phép. Chính phủ Singapore sẽ có biện pháp cứng rắn hơn đối với các công ty để xảy ra ca mắc COVID-19. Đồng thời, trong 2 tuần tới, người dân được khuyến khích giảm tối đa các hoạt động xã hội không thiết yếu, hạn chế giao lưu xã hội xuống còn một cuộc/ngày.

Tính đến nay, Singapore đã ghi nhận tổng cộng 69.233 ca nhiễm và 55 ca tử vong. Singapore cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, với hơn 78% dân số đã tiêm một mũi vaccine và hơn 76% dân số đã tiêm 2 mũi vaccine.

Nhật Bản: Số ca mắc có xu hướng giảm, có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo

Dịch COVID-19 tại Nhật Bản đang có dấu hiệu bớt căng thẳng khi số ca mắc mới đã giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca/ngày lần đầu tiên kể từ ngày 2/8. Thủ đô Tokyo cũng xác nhận 968 trường hợp mắc Covid-19, lần đầu tiên dưới 1.000 ca kể từ ngày 19/7. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có thể vẫn gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế.

Mặc dù số ca mắc mới đang có xu hướng giảm nhưng giới chức y tế Nhật Bản vẫn cảnh giác do các biến thể nguy hiểm như Delta và Lambda đã xâm nhập nước này, trong khi hệ thống y tế ở một số khu vực vẫn đang trong tình trạng căng thẳng.

Quốc gia đầu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 2 tuổi trở lên, số ca tại Mỹ tăng mạnh - 6

Các nguồn tin chính phủ cho biết, tuyên bố khẩn cấp có thể được gia hạn thêm khoảng 2-3 tuần. Nhưng với việc đương kim Thủ tướng Suga Yoshihide đã tuyên bố sẽ từ chức, thì thời gian kéo dài có thể là 1 tháng để cho phép người kế nhiệm ông Suga với tư cách là lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (được chọn vào ngày 29/9) sẽ quyết định khi nào kết thúc tình trạng khẩn cấp.

Hiện Nhật Bản đang áp dụng tình trạng khẩn cấp ở 21 trong số 47 tỉnh, thành, trong đó có 4 tỉnh, thành thuộc vùng thủ đô là Tokyo, Saitama, Chiba và Kanagawa.

Trong ngày 7/9, Nhật Bản có thêm 8.234 ca nhiễm COVID-19, đã giảm rất nhiều so với đỉnh dịch ngày 22/8 là trên 26.000 ca nhiễm. Số ca tử vong tại nước này cũng đã có xu hướng giảm khi một tuần qua, số ca tử vong hàng ngày đều ở dưới mức 70 ca. Tổng cộng từ đầu dịch, Nhật Bản đã ghi nhận 1.580.517 ca nhiễm COVID-19 và 16.387 ca tử vong.

Nhật Bản cũng đang triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng. Theo số liệu của Our World In Data, hơn 60% dân số nước này đã tiêm một mũi vaccine và hơn 48% dân số đã tiêm 2 mũi vaccine.

Dịch COVID-19 tại Mỹ nóng trở lại khiến bệnh viện quá tải, Nhật phát hiện loại biến thể Delta mới
Thế giới tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19, chủ yếu vẫn do biến thể Delta gây nên.

Dịch COVID-19

Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19