Những ngày qua, thông tin về người phụ nữ bị giòi ăn thịt chui sâu vào da đầu do nối tóc khiến những “tín đồ” của công nghệ làm đẹp nối tóc, nối mi trong nước... phát hoảng.
Nối tóc, nối mi là phương pháp làm đẹp phổ biến của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng, những phương pháp làm đẹp tưởng chừng đơn giản ấy lại tiềm ẩn mối nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Nhiều bạn gái hoang mang trước thông tin giòi ăn thịt chui vào da đầu do nối tóc. Ảnh minh họa.
Tóc sinh ra giòi, giun lươn?
Một phụ nữ Kenya đã bị những cơn đau đầu dữ dội do những con giòi ăn thịt người chui sâu vào da đầu sau khi nối tóc. Theo thông tin trên phương tiện truyền thông, người phụ nữ Kenya đã trả cho tiệm làm đầu một khoản tiền không nhỏ để nối tóc. Những lọn tóc này có thể đã được lấy từ người chết. Hai tuần sau đó, cô bắt đầu cảm thấy những cơn đau đầu dữ dội mà thuốc giảm đau không mấy tác dụng. Khi xét nghiệm máu và chụp cắt lớp sọ não cho kết quả âm tính, cô đã quay lại chỗ bác sỹ khám và được phát hiện thấy có rất nhiều giòi đang chui sâu vào dưới da đầu. Bác sỹ cho biết, những con giòi này nhiều khả năng đã nở ra từ trứng có trong những lọn tóc nối được lấy từ... người chết. Nạn nhân đã phải cạo trọc đầu và điều trị kháng sinh trong hai tuần sau vụ việc này. Bác sỹ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân cho biết, ông đã gặp 10 trường hợp tương tự trong 6 tháng trước đó.
Những ngày qua, thông tin về người phụ nữ bị giòi ăn thịt chui sâu vào da đầu do nối tóc khiến những “tín đồ” của công nghệ làm đẹp nối tóc, nối mi trong nước... phát hoảng. Nhiều người đã không tin nổi vào mắt mình khi đọc được những thông tin “sốc” như vậy và tá hoả tìm đến các bác sỹ xin tư vấn về những mối nguy hiểm từ phương pháp nối tóc, nối mi.
Theo tìm hiểu của PV, khoa Cấp cứu- bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từng tiếp nhận một bệnh nhân ở Quảng Ninh bị viêm màng não không rõ căn nguyên. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau đầu cả tháng trời, dù uống thuốc giảm đau liên tục nhưng tình trạng không cải thiện. Sau khi nhập viện, làm các xét nghiệm, bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não do giun lươn (loại giun nhỏ như que tăm, dài 3 - 5cm). Trường hợp bệnh nhân này, ấu trùng giun lươn đã di chuyển lên não gây bệnh viêm màng não. Tại thời điểm đó, gia đình bệnh nhân có nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh làõ do cô gái thường xuyên nối tóc. Tuy nhiên, các bác sỹ khẳng định, nguồn gây bệnh là do tiếp xúc với chó cảnh, mèo cảnh.
Đem thắc mắc về việc liệu có thể xảy ra tình huống giòi ăn thịt người chui sâu vào da đầu sau khi nối tóc, chúng tôi nhận được câu trả lời của bác sỹ Trần Thị Anh Tú – hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM: “Hiện, ở Việt Nam chưa từng tiếp nhận một trường hợp nào như vậy. Tuy nhiên, việc nối tóc nhờ công nghệ siêu rẻ hiện nay của giới trẻ rất nguy hiểm, có thể bị rụng tóc, hói đầu do kỹ thuật nối tóc không đảm bảo”.
Trao đổi với PV, nhà tạo mẫu tóc Ngọc Ninh (Hà Nội) cho biết, hiện có nhiều phương pháp nối tóc (nối bấm chì, nối thắt bím, nối chỉ, nối keo, nối bằng sáp hoặc silicon kết hợp ống nhựa bọc mối nối lại...), mỗi phương pháp đều có những rủi ro riêng nên người làm đẹp cần tham vấn kỹ các chuyên gia trước khi quyết định. Trước đây, trong quá trình sang ý học chăm sóc tóc, bà Ninh đã được các chuyên gia cảnh báo về những cái chết lãng xẹt do kỹ thuật nối tóc. Bà Ninh cho hay, một nhà nghiên cứu bệnh học Anh đã đưa ra công bố, trung bình mỗi năm, ở nước này có 10 đến 20 ca tử vong do nối tóc. Điển hình, tháng 5/2011, Atasha Graham, 34 tuổi, người Anh gốc Jamaica bất ngờ ngã quỵ và ngưng thở sau khi đi khiêu vũ ở một câu lạc bộ. Mặc dù được cấp cứu ngay nhưng cô đã chết tại bệnh viện. Cô gái này đã sử dụng kỹ thuật nối tóc để làm đẹp suốt 14 năm. Điều tra sơ bộ kết luận, Atasha Graham dị ứng quá nặng với keo nối tóc hoặc chất tẩy để loại bỏ tóc cũ. Trong máu Atasha Graham ghi nhận có chất chỉ thị dị ứng cao gấp 25 lần mức bình thường.
Rước thêm bệnh từ phương pháp làm đẹp... đơn giản
Theo tìm hiểu của PV, trước đây, chỉ những người giàu có mới dám nghĩ đến chuyện làm đẹp bằng tóc nối vì giá cả của một lần làm đẹp như thế lên đến cả chục triệu đồng. Nhưng hiện nay, giới công nhân, sinh viên bình dân cũng có thể hãnh diện với mái tóc nối... siêu rẻ. Giá cho mỗi một lần nối tóc dài 50cm là 450.000 đồng/nửa đầu và 1 triệu đồng nguyên đầu; 60cm là 600.000 đồng cho nửa đầu và 1,2 triệu đồng nguyên đầu; 70cm là 700.000 đồng nửa đầu và 1,4 triệu đồng nguyên đầu... Tuy nhiên, các bác sỹ khuyến cáo, với việc nối tóc siêu rẻ như hiện nay, khi nối tóc người ta sử dụng keo kém chất lượng dẫn đến việc tóc sẽ bị phồng tại các mối nối, ảnh hưởng đến sợi tóc tự nhiên và da đầu.
Cũng theo tìm hiểu của PV, tai biến do ảnh hưởng của hoá chất nối tóc cũng từng ghi nhận ở Nhật, Thái Lan... Tại Việt Nam, thống kê của bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, trung bình mỗi tháng nơi này tiếp nhận khoảng 50 trường hợp đến thăm khám và điều trị do dị ứng mỹ phẩm làm đẹp tóc gây nên (nối tóc, nhuộm tóc, duỗi tóc...).
Bác sỹ Trần Thị Anh Tú cho biết: “Nối tóc không an toàn như nhiều người nghĩ. Tuy đáp ứng tốt nhu cầu làm đẹp nhanh chóng của nhiều chị em nhưng nối tóc cũng mang lại nhiều hệ luỵ. Các mối nối nổi cộm sẽ gây khó chịu cho da đầu. Da đầu có thể bị chằng đau khi gội đầu hoặc chải tóc. Chưa kể kỹ thuật nối tóc có những tác động thô bạo đến cấu trúc tự nhiên của tóc, làm tóc yếu đi. Xét về tác động vật lý, nối tóc có thể gây chấn thương sợi tóc, làm cho tóc yếu và rụng nhiều hơn mức độ cho phép. Trung bình mỗi ngày tóc rụng từ 20 - 30 sợi, trong những tép tóc nối cũng sẽ có những sợi rụng, do đó lực của tóc sẽ yếu vì phải gánh lượng tóc nhiều hơn. Việc dùng keo cũng có thể gây dị ứng, viêm nang lông... Những người có mạch máu da đầu lưu thông không tốt hoặc bị viêm mũi, viêm xoang... bệnh sẽ nặng hơn”.
Không nên nối tóc khi đầu đang có mụn nhọt Bác sỹ Trần Thị Anh Tú khuyến cáo, việc nối tóc sẽ khiến gội đầu ít hơn bình thường, khiến lượng bụi thường trú trên đầu nhiều hơn, tạo điều kiện cho nấm, chấy và những bệnh nhiễm trùng khác phát triển. Tuyệt đối không nên nối khi tóc đang bị rụng tóc bệnh lý hoặc da đầu đang có mụn nhọt, gàu ngứa, viêm loét để tránh làm các tình trạng trên càng trầm trọng và khó điều trị". |