Trước lo lắng của người tiêu dùng về thông tin sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ của tập đoàn Fonterra của New Zealand sản xuất bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum xuất sang Việt Nam, đại diện một số nhà sản xuất sữa tại Việt Nam đã tỏ ra tích cực thông tin khi chúng tôi tiếp xúc.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bà Bùi Thị Hương, giám đốc đối ngoại công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), khẳng định Vinamilk không nhập sữa bột whey protein từ tập đoàn Fonterra (New Zealand) mà mua của các tập đoàn sữa ở Mỹ, Đan Mạch và châu Âu.
Tương tự, ông Trần Hữu Đức, phụ trách quan hệ đối ngoại công ty Nutifood, cho biết sau khi có thông tin ba lô whey protein cô đặc được công ty Fonterra sản xuất có dấu hiệu bị nhiễm Clostridium botulinum, công ty đã tiến hành kiểm tra hồ sơ tại phòng mua hàng và khẳng định không nhập khẩu nguyên liệu từ tập đoàn này.
Người tiêu dùng rất nhạy cảm trước các thông tin về chất lượng sữa dành cho trẻ em. Ảnh: Thanh Hảo
Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 4.8, FrieslandCampina Việt Nam cho biết không mua bất kỳ lô hàng sữa bột whey protein cô đặc của công ty Fonterra sản xuất có dấu hiệu bị nhiễm Clostridium botulinum – một loại vi khuẩn có thể gây chứng ngộ độc thịt cho người sử dụng. Phía công ty Fonterra cũng đã xác nhận rằng không có bất kỳ lô hàng nào bị nhiễm Clostridium botulinum được cung cấp cho FrieslandCampina. Thông cáo cho rằng người tiêu dùng tại Việt Nam có thể hoàn toàn yên tâm rằng các sản phẩm mang nhãn hiệu Friso, Dutch Lady được FrieslandCampina sản xuất vẫn đảm bảo tuyệt đối về an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người sử dụng.
“Tại FrieslandCampina, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sức khoẻ và sự an toàn của khách hàng. Chúng tôi cam kết cung cấp những sản phẩm an toàn và dinh dưỡng cho khách hàng trên toàn thế giới. Sản phẩm của chúng tôi phù hợp với quy định của cục An toàn thực phẩm thuộc bộ Y tế Việt Nam và cơ quan giám sát sữa và các sản phẩm từ sữa của Hà Lan (The Netherlands Controlling Authority for Milk and Milk Products), và cũng tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu và của tổ chức Y tế thế giới”, đại diện FrieslandCampina Việt Nam, nhấn mạnh.
Liên quan đến thông tin sữa nhiểm khuẩn, cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) Trần Quang Trung cho biết thêm, ngày 4.8 bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand thông báo chính thức về các sản phẩm Karicare do công ty Nutricia – New Zealand sản xuất có sử dụng whey protein concentrate có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17.6.2016 và 18.6.2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31.12.2014; các sản phẩm này chỉ được bán trên thị trường New Zealand và đã được công ty Nutrica tự nguyện thu hồi trên thị trường New Zealand.
Cục An toàn thực phẩm đã khẩn trương rà soát toàn bộ các sản phẩm Karicare của công ty Nutricia đã công bố tại cục An toàn thực phẩm từ đầu năm 2012 đến nay. Kết quả rà soát cho thấy, không có sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nào được công bố tại cục. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam, cục đã có công văn yêu cầu công ty TNHH MTV dinh dưỡng Châu Úc – đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào Việt Nam, khẩn trương thống kê việc nhập khẩu các sản phẩm Karicare và báo cáo về cục trước ngày 6.8.
Ngày 4/8/2013 Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand thông báo chính thức về các sản phẩm Karicare do Công ty Nutricia - New Zealand sản xuất có sử dụng whey protein concentrate trên có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17/6/2016 và 18/6/2016.Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31/12/2014. Sau khi nhận được thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã liên hệ với Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A và Văn phòng đại diện Abbott Labolatories S.A tại Việt Nam yêu cầu báo cáo cụ thể việc nhập khẩu sản phẩm nói trên. Cùng ngày, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được báo cáo của Văn phòng đại diện Abbott Laboratories S.A tại Việt Nam về việc nhập khẩu và tự nguyện thu hồi sản phẩm này từ thị trường. Theo báo cáo của Văn phòng đại diện Abbott Labolatories S.A tại Việt Nam, sản phẩm nhập khẩu gồm thức ăn công thức cho trẻ 1-3 tuổi Similac GainPlus Eye-Q loại hộp 400g và 900g của Công ty Abbott được sản xuất theo hợp đồng ở New Zealand bởi Công ty Fonterra. Các lô sản phẩm có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum bao gồm: 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2567G54119, 2567G54120. Tính đến 12h trưa ngày 5/8/2013, Abbott Nutrition Việt Nam đã thu hồi được 10.135 thùng trong tổng số 12.927 thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q đã đưa ra thị trường. |