Dù trăm công nghìn việc, vào ngày cuối cùng của năm cũ nhưng nhiều người Việt vẫn giữ thói quen tắm lá mùi già. Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, tắm lá mùi già chiều 30 Tết có ý nghĩa gột rửa những điều xui xẻo, những tội lỗi, việc chưa tốt… trong năm qua.
Từ bao đời nay, tục tắm lá mùi già chiều 30 Tết được đông đảo người dân lưu giữ. Dù ở thành thị hay miền quê xa xôi, với nhiều gia đình Việt Nam thì đây là một trong những tục lệ không thể thiếu trong ngày cuối cùng của năm cũ.
Thời điểm tắm lá mùi già thường được thực hiện trước khi cùng các thành viên trong đại gia đình ngồi vào mâm cơm tất niên. Nhiều người không quên được hương mùi già vừa thơm, vừa ngai ngái, nồng ấm khi tắm và phảng phất suốt thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.
Tắm lá mùi già mang ý nghĩa gột rửa bụi trần, rửa trôi những điều xui xẻo, kém may mắn trong năm cũ, sẵn sàng đón điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới. Ảnh minh họa.
Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì Chùa Kim Sơn – Lạc Hồng cho chia sẻ: "Với người dân Việt, tục tắm lá mùi già vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay, đây cũng là một trong những việc làm tốt đẹp, là món ăn tinh thần trước khi bước trang năm mới".
Cũng theo Đại đức Thích Trí Thịnh, tắm lá mùi già mang ý nghĩa gột rửa bụi trần; rửa trôi những điều xui xẻo, kém may mắn trong năm cũ; xóa đi những vấn vương, tiếc nuối trong suốt một năm qua cũng như sẵn sàng đón điều may mắn, tốt đẹp ở phía trước trong năm mới.
Ngoài ra, theo Đông y thì mùi già cũng là một trong những vị thuốc, các phần rễ, lá và quả đều được sử dụng làm các vị thuốc bởi chứa tinh dầu. Chính vì vậy, khi đun nấu lá mùi già trong nồi nước nóng sẽ tỏa ra mùi hương dễ chịu. Hương của lá cây mùi có vị cay, ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, cây mùi già còn có tính sát khuẩn, kháng khuẩn tốt.
Tại Hà Nội những ngày cuối cùng của năm cũ, khắp các chợ dân sinh, tuyến phố… đều xuất hiện những gánh hàng rong bán cây mùi già. Ảnh minh họa.
Đại đức Thích Trí Thịnh cũng nói thêm: "Bản thân cây rau mùi có mùi vị rất thơm và được người dân thường xuyên sử dụng làm rau thơm cho các món ăn Việt. Tại các miền quê, dịp cuối năm là mùa cây mùi ra hoa, kết quả, "ngậm" tinh dầu nên luôn có mùi thơm, nồng ấm. Người dân thường để cây đơm hoa, kết trái và thu hoạch hạt để làm giống cho vụ sau".
Bên cạnh những gốc cây làm giống, người nông dân thường trồng thêm mùi già để phục vụ tục tắm lá mùi già dịp cuối năm. Ngoài ra, một số nơi thường trồng cây này với mục đích thương mại, bán cho những người dân không có nhu cầu trồng để tắm ngày 30 Tết.
Tại Hà Nội những ngày cuối cùng của năm cũ, khắp các chợ dân sinh, tuyến phố… đều xuất hiện những gánh hàng rong bán cây mùi già. Những bó mùi già ngai ngái, thơm nồng khắp phố phường đã góp phần tạo nên hương vị Tết khiến nhiều người khó quên…