Vì bị nghi có liên quan đến cái chết của đồng nghiệp, ông Nguyễn Bá Thành, lúc đó đang công tác tại phòng thuế huyện Nghi Lộc bị Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh bắt tạm giam để điều tra.
Sau 18 tháng bị giam, cuối tháng 1/1981, ông Thành nhận được lệnh “tạm tha”. Đến nay, sau gần 40 năm “mang tội” giết đồng nghiệp để cướp của, ông Thành vẫn chưa được “rửa sạch tiếng oan”.
Đêm định mệnh
Ông Nguyễn Bá Thành (SN 1953), trú tại số nhà 53, đường Văn Đức Giai, phường Hưng Bình, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An có đơn gửi đến báo Người Đưa Tin kêu cứu việc mình bị bắt giam oan 18 tháng (8/1979 - 1/1981) về tội Giết người, Cướp tài sản nhưng đến nay vẫn chưa được minh oan, xin lỗi và bồi thường thiệt hại.
Trong căn nhà nhỏ, ông Thành ngậm ngùi kể về những ngày tháng bi ai của cuộc đời. Năm 1971, tròn 18 tuổi, ông Thành nhập ngũ và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Bình – Trị - Thiên.
Năm 1977, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, ông Thành được chuyển ngành về công tác tại ty Tài chính Nghệ Tĩnh (tương đương với sở Tài chính hiện nay). Tiếp đó, ông Thành được ty Tài chính Nghệ Tĩnh điều động về công tác tại phòng Thuế huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh (lúc này phòng Thuế trực thuộc ban Tài chính của huyện). Do nhà ở xa nên ông Thành phải ở trọ tại khu tập thể của cơ quan thuế huyện Nghi Lộc.
Vào một đêm tháng 8/1979, ông Nguyễn Văn T., đồng nghiệp công tác tại phòng Thuế huyện Nghi Lộc lên khu tập thể của cơ quan ngủ cùng ông Thành để sáng sớm ngày mai đi thu thuế của những người buôn bán trên đường theo sự phân công của cơ quan. Khoảng 2h sáng hôm sau, khi tiếng chuông báo thức cất lên, ông Thành, ông T. thức dậy, chuẩn bị tư trang (sổ sách, biên lai, bút...) đạp xe từ thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc) đến thị trấn Cửa Lò để thu thuế. Theo phân công, ông T. đạp xe đi dọc con đường xuống thị trấn Cửa Lò để thu thuế người đi chợ, còn ông Thành thì đứng ở ngã tư Quán Hành thu thuế, rồi sẽ xuống sau.
Khi trời sáng, ông Thành tới thị trấn Cửa Lò nhưng không thấy ông T. đâu. Vì không có điện thoại để liên lạc, lại gần đến giờ phải về cơ quan nộp tiền thu được nên ông Thành đạp xe quay về trước. “Nghĩ rằng anh T. có việc gì đột xuất nên một mình tôi đạp xe quay trở về cơ quan. Khi đi qua cầu Nghi Trường, tôi thấy người dân tập trung đông và nói có người rơi xuống cầu chết, nhưng do vội nên tôi cũng không dừng lại xem...”, ông Thành cho biết.
Sau này, ông Thành mới biết người chết chính là ông T.. Tang lễ của ông T. xong xuôi cũng là lúc ông Nguyễn Bá Thành nhận được giấy triệu tập của Công an huyện Nghi Lộc lên trụ sở làm việc vì liên quan đến cái chết của đồng nghiệp. Tại đây, ông Thành bị công an đọc lệnh bắt tạm giam và bị dẫn giải xuống trại giam công an tỉnh. Vào trại, ông Thành bị giam cùng những tù nhân phạm trọng tội như giết người, cướp tài sản.
Lúc chồng bị bắt, bà Hồ Thị Hân (vợ ông Thành) đang mang thai đứa con thứ hai, còn đứa con trai lớn mới hơn 1 tuổi. Dù đã gần 40 năm trôi qua, nhưng bà Hân vẫn không thể quên cái ngày nhận được tin chồng bị bắt vì giết đồng nghiệp để cướp của. Đây cũng là quãng thời gian mẹ con bà phải vất vả mưu sinh, chịu ánh mắt ghẻ lạnh của người đời.
“Nghe họ nói ông Thành bị bắt do giết đồng nghiệp để cướp tiền, tôi không tin vì tôi biết ông ấy không làm việc thất đức đó. Thấy tôi bụng mang dạ chửa, anh em đồng nghiệp cứ khuyên tôi bỏ đứa bé đi vì một mình không thể nuôi nổi 2 đứa con. Hơn nữa, ông Thành đã mắc vào tội đó thì sẽ không có ngày trở về, nhưng tôi vẫn tin công lý sẽ có ngày được sáng tỏ”, bà Hân nghẹn ngào nói trong nước mắt.
Vợ chồng ông Thành trao đổi với PV về hành trình gần 40 năm đi "kêu oan" của mình.
Cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm?
Ngay từ khi bị bắt, trước, sau ông Thành chỉ khai nhận sự việc như diễn biến ở trên, hoàn toàn không biết gì về cái chết của ông T.. Cuối cùng, vì quá mệt mỏi, ông Thành ký nhận vào bản cung có nội dung bản thân đã ra tay giết ông T., cướp tiền rồi đẩy xác xuống cầu. Trước khi ký, ông Thành có viết mấy dòng đại ý như sau: “Nội dung bản cung nói trên là do tôi ký, nhưng tôi không thực hiện, tôi không liên quan gì đến cái chết của ông T.. Nếu các anh cho rằng tôi có tội, cứ đưa tôi ra tòa xét xử, không thể giam giữ tôi mãi như thế này được”.
Sau 18 tháng bị giam, một ngày cuối tháng 1/1981, có một cán bộ điều tra vào phòng giam, mang theo “Giấy tạm tha”, yêu cầu ông đưa toàn bộ tư trang ra ngoài. Ông Thành kể, khi đó tôi nói: ““Các anh bắt tôi vào đây, nay thả tôi không thể đi được, đề nghị đưa tôi về đơn vị”, nhưng họ từ chối”, ông Thành cho hay.
Khoảng 1 tháng sau, ông Thành nộp “Giấy tạm tha” cho cơ quan, đề nghị được đi làm lại. Tuy nhiên, do sức khỏe còn yếu và sự việc chưa rõ ràng nên cơ quan yêu cầu ông Thành tiếp tục về nhà nghỉ ngơi và chờ đợi. Lúc này, các chế độ lương, tem phiếu của ông Thành đã bị cắt hết. Sau đó, có cán bộ công an đến nhà đề nghị ông Thành đưa “Giấy tạm tha” để khôi phục các chế độ, khôi phục tư cách đảng viên. Trong thời gian này, ông Thành có lên viện Kiểm sát hỏi về việc mình bị bắt oan thì được chỉ sang công an tỉnh, sang công an thì được chỉ về viện Kiểm sát...
Khoảng 2 năm sau, ông Thành lên gặp lãnh đạo cơ quan, đề nghị bố trí công việc. Sau quá trình làm việc với VKS tỉnh, lãnh đạo cơ quan tiếp nhận, phân công ông Thành về công tác tại huyện Quỳnh Lưu. Đến năm 1998, ông Thành xin về TP.Vinh công tác ở chi cục Thuế và nghỉ hưu vào năm 2013.
Ông Phạm Hồng Sanh, nguyên Trưởng phòng Tài chính kiêm Trưởng phòng Thuế huyện Nghi Lộc giai đoạn 1968 -1980 xác nhận: “Việc công an bắt giam anh Thành là oan sai, đề nghị giải quyết theo pháp luật hiện hành”.
Năm 2016, ông Thành bắt đầu viết đơn gửi các cơ quan tố tụng ở Nghệ An và Trung ương đề nghị làm rõ việc bắt giam oan 18 tháng và yêu cầu phải tổ chức xin lỗi, bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bằng nhiều lý do khác nhau, các cơ quan tố tụng tỉnh Nghệ An (VKSND tỉnh, cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc) đã đùn đẩy trách nhiệm!
Khi trao đổi với ông Thành, ông Nguyễn Thanh Hiến, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Nghệ An cho biết: “Qua kiểm tra thì không có một cơ sở nào để giải quyết, hồ sơ tìm không được và đã có văn bản trả lời ông Thành rồi”.
Trước đó, ngày 21/4/2017, VKSND tỉnh Nghệ An có văn bản trả lời đơn của ông Nguyễn Bá Thành với nội dung: “Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, VKSND tỉnh Nghệ An thấy việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND tỉnh Nghệ An. VKSND tỉnh Nghệ An hướng dẫn ông tới cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”.
Trao đổi với PV, Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Vấn đề này, qua kiểm tra hồ sơ, cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh chưa thụ lý mà do Công an huyện Nghi Lộc làm. Đơn vị cũng đã có văn bản trả lời đơn của ông Nguyễn Bá Thành”.
Theo đó, ông Thành có cung cấp cho PV thông báo chuyển đơn số 05/TB – PC44 - Đ2 ngày 26/1/2018 của Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An có do Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng ký với nội dung: “Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ vào Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An chuyển đơn của ông đến Công an huyện Nghi Lộc để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Sau khi ông Thành liên hệ với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc đề nghị giải quyết thì nhận được thông báo số 230/TB ngày 3/11/2017 do Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ký về việc không thụ lý đơn yêu cầu bồi thường của ông Thành với lý do “không có bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường”.
Xế chiều, chúng tôi rời khỏi tư gia của vợ chồng ông Thành. Tiễn chúng tôi ra khỏi cổng, ông Thành buồn rầu nói: “Năm nay tôi đã ở tuổi gần đất xa trời rồi, tiền bồi thường với tôi không quan trọng nữa nhưng trước khi chết, tôi chỉ mong sao rửa được tiếng oan giết đồng nghiệp, cướp của”.