Cái chết của Leo Frank cách đây hơn 100 năm là một trong những vụ hành hình nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ. Trong đó, nạn nhân bị kết án dựa trên những bằng chứng thiếu thuyết phục xuất phát từ định kiến với người Do Thái và việc thực thi công lý lại không phải do cơ quan tư pháp thực hiện.
Tội ác khiến dư luận dậy sóng
Ngày 26/4/1913, cô bé Mary Phagan (13 tuổi) đi đến Nhà máy Bút chì ở Atlanta tìm gặp quản lý Leo Frank - một kỹ sư người Mỹ gốc Do Thái - để nhận số tiền công 1,2 USD cho 12 giờ làm việc trong tuần. Đêm hôm đó, bảo vệ nhà máy phát hiện thi thể Phagan bầm tím nằm trong vũng máu ở tầng hầm. Cảnh sát ngay lập tức có mặt tại hiện trường. Tin đồn lan truyền rằng cô bé bị tấn công tình dục rồi sát hại dã man đã khiến dư luận dậy sóng, gây áp lực cho cảng sát phải nhanh chóng tìm ra thủ phạm.
Chân dung cô bé xấu số Mary Phagan
Sáng hôm sau, Leo Frank đi cùng cảnh sát đến hiện trường. Frank cho biết vào ngày hôm trước, anh đã ở văn phòng khoảng hơn 20 phút sau khi Phagan rời đi. Một công nhân khai rằng lúc cô đến lĩnh lương thì không thấy Frank. Cô đợi vài phút rồi đi về. Người bảo vệ ca đêm hôm đó cho biết Frank đã gọi điện vào cuối ngày để hỏi xem mọi thứ có ổn không – điều mà anh chưa bao giờ làm trước đây.
Là người cuối cùng thừa nhận nhìn thấy Phagan còn sống, cùng với các lời khai trên, Frank bị bắt. Cảnh sát sau đó cũng thu thập thêm nhiều "bằng chứng" trước khi quyết định đưa Frank ra xét xử. Nhân chứng chính của vụ án là Jim Conley, một người bảo vệ da màu bị bắt khi đang gột rửa vết máu đỏ trên áo. Người này mặc dù sau đó đã có 4 lời khai mâu thuẫn khi giải thích rằng đã giúp Frank phi tang thi thể Phagan nhưng bồi thẩm đoàn vẫn kết án Leo Frank.
Nhận thấy quy trình xét xử có vấn đề, lời khai của Conley cũng có nhiều nghi vấn, luật sư của Frank đã liên tiếp gửi đơn kháng cáo với lý do Frank không có mặt khi tòa ra bản án và bồi thẩm đoàn bị áp lực quá lớn từ dư luận nhưng tất cả đều bị bác bỏ.
Người dân Atlanta thì sôi sục chờ đợi bản án cho kẻ giết người. Họ bao vây trụ sở tòa án, hò hét mỗi khi thấy các công tố viên. Và sau 25 ngày xét xử, bồi thẩm đoàn tuyên bố Frank có tội.
Leo Frank
Sự thất bại của công lý
Khi mọi đơn kháng cáo đều bị từ chối, các luật sư của Frank đã tìm kiếm một ân giảm từ Thống đốc bang Georgia - ông John M. Slaton.
Đúng lúc này, Thomas E. Watson, chủ báo Jeffersonian, đã thực hiện chiến dịch lên án Frank, đánh trúng tâm lý người dân và được họ hưởng ứng nhiệt tình. Cáo buộc của Watson chống lại người Do Thái nói chung và Leo Frank nói riêng đã khiến doanh số bán ra của tờ báo này đạt mức cao, góp phần thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ của dân chúng. Do vậy, Thống đốc Slaton đã phải chịu áp lực lớn từ dư luận.
Slaton xem xét lại hơn 10.000 trang tài liệu, thăm nhà máy bút chì nơi vụ giết người xảy ra và cuối cùng kết luận Frank vô tội. Tuy nhiên, ông chỉ có thể giảm án tử hình xuống còn chung thân.
Quyết định của Slaton ngay lập tức đã khiến dân chúng Georgia nổi giận, dẫn đến những cuộc bạo động trên khắp Atlanta cũng như các cuộc tuần hành tới dinh thự của ông. Thống đốc phải ban bố thiết quân luật và huy động cả lực lượng Cảnh sát Quốc gia. Khi nhiệm kỳ Thống đốc của Slaton kết thúc vài ngày sau đó, cảnh sát đã phải hộ tống gia đình ông tới ga xe lửa và rời khỏi bang Georgia suốt cả chục năm sau.
Đêm 16/8/1915, một số người dân ở Marietta, quê hương của cô bé Phagan, đột nhập vào nhà tù và đưa Frank ra khỏi phòng giam, đưa thẳng Frank về Marietta rồi treo cổ anh trên cây sồi vào sáng hôm sau.
Vụ án của Frank không chỉ là một sự sai lầm của công lý mà còn là biểu tượng về nỗi sợ hãi của miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ. Tầng lớp công nhân phẫn nộ vì bị các ông chủ miền Bắc đến miền Nam bóc lột trong quá trình cải tổ nền kinh tế nông nghiệp suy tàn.
Chính nguồn gốc Do Thái của Frank đã khiến dân miền Nam bất mãn rồi thêm cả tâm lý chống Do Thái đang âm ỉ lại bị báo chí thổi bùng lên nên đã khiến dư luận có những hành xử theo cảm tính.
Hàng loạt bài xã luận và bình luận đăng tải trên các tờ báo khắp nước Mỹ ủng hộ Frank khi cho rằng anh vô tội và yêu cầu một phiên tòa xét xử mới. Điều này càng làm cho người dân Georgia cho rằng đó là nỗ lực của người Do Thái dùng tiền bạc và ảnh hưởng của họ để xoay chuyển công lý.
Năm 1986, Hội đồng Ân xá bang Georgia đã ân xá cho Frank với tuyên bố thừa nhận rằng bang đã thất bại trong bảo vệ Leo Frank và trong việc đưa những kẻ giết Frank ra trước công lý. Hơn nữa, lệnh ân xá một phần dựa trên lời khai năm 1982 của ông Alonzo Mann - người lúc đó đã 83 tuổi. Khi xảy ra vụ án giết Phagan, ông Mann là công nhân ở công ty bút chì và đã nhìn thấy Conley khiêng xác của Phagan xuống tầng hầm vào ngày cô bé chết. Conley đã dọa giết cậu bé Mann nếu cậu hé răng và mẹ cậu bé khuyên cậu bé im lặng.
>> Xem thêm: Lời kể kinh hoàng từ nhân chứng vụ bé gái 10 tuổi bị hiếp dâm rồi sát hại |
Vụ xét xử và hành hình Frank có ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng người Do Thái khắp nước Mỹ. Ở miền Nam, người Do Thái có xu hướng chối bỏ đạo Do Thái của mình. Còn ở miền Bắc, người Do Thái kín tiếng sau cái chết của Frank. Họ lo sợ nếu lên tiếng ủng hộ Frank sẽ kích động căng thẳng ở miền Nam. Cứ như vậy, phải đến 50 năm sau, phong trào dân quyền dâng cao mạnh mẽ đã dẫn đến những thay đổi tích cực trong xã hội, khép lại thời kỳ đen tối của người Do Thái trên đất Mỹ.