Hơn 100ha trồng bưởi ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 50 ha thiệt hại nặng, nhiều gia đình mất trắng do ngập úng sau mưa lũ.
Video cận cảnh hàng trăm hecta vùng trồng bưởi "tiến Vua" của xã Đại Minh, huyện Yên Bình bị chết do ngập úng.
Vùng trồng bưởi Đại Minh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được mệnh danh là bưởi “tiến Vua”, mỗi năm mang về hàng chục tỷ đồng cho người dân địa phương.
Sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, hơn 100ha trồng bưởi của người dân bị ngập úng, thiệt hại. Trong đó, gần 50ha thiệt hại hoàn toàn. Nhiều gia đình mất trắng gia sản chỉ trong 1 đêm.
Vừa đi kiểm tra, gương mặt không khỏi đau xót nhìn hơn 200 gốc bưởi từ 7 - 8 năm tuổi, của gia đình bị nhấn chìm hoàn toàn sau mưa lũ, ông Nguyễn Văn Tá (ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh, huyện Yên Bình) buồn bã tâm sự, cả ngày không buồn ăn uống, ra nhìn những gốc bưởi mình hàng ngày chăm sóc, chuẩn bị được thu hoạch, giờ mất trắng hết. Không còn gì đau xót hơn.
Cũng như ông Tá, bà Phạm Thị Yên (ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh) vừa khóc, vừa nói, giờ gia đình trắng tay rồi. Chồng thì đang ung thư giai đoạn 4, nhà giờ không còn gì cả. Chỉ trông chờ hơn 100 gốc bưởi với 4 sào ruộng, nhưng đều chết trắng hết, không thể cứu vãn, không biết làm thế nào để vực dậy được.
Những quả bưởi bị úng nước nằm la liệt dưới các gốc cây, nằm rải rác khắp các vườn.
Cành cây, quả héo nằm khô héo trên cây đã úa vàng. Nhiều cây bị rụng lá, thối rễ và đang chết dần không thể khắc phục
Hàng trăm hecta bưởi tan hoang, người dân trắng tay sau mưa lũ.
Trao đổi với Tiền Phong , ông Nguyễn Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình cho biết, bưởi là nguồn thu nhập của người dân trong xã, sau đợt mưa lũ vừa qua đã bị thiệt hại rất nặng nề. Trước mắt, đối với diện tích bưởi chết hoàn toàn, xã khuyến cáo bà con xử lý gốc cây, cải tạo đất, khôi phục lại sản xuất, trước tiên là trồng cây ngắn ngày như cây ngô đông.
Đối với diện tích có thể khôi phục được, xã khuyến cáo bà con cắt tỉa cành, khơi thông thoát nước, tiếp tục chăm sóc để tạo lại tán cây. Còn diện tích bị thiệt hại dưới 30%, xã hướng dẫn người dân đảm bảo thoát nước, cắt tỉa bớt cành, tiếp tục chăm sóc để đảm bảo chất lượng quả, đảm bảo thu nhập cho người dân.