Vừa là nguyên liệu thơm ngon, có khả năng ngăn ngừa bệnh, chống lão hóa nên loại cây này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Nấm mối đen - loại cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa các chất như axit linoleic và beta-glucan dồi dào giúp thúc đẩy quá trình tái tạo của các tế bào, ngăn ngừa oxy hóa.
Không chỉ thế, nấm mối đen chứa rất nhiều vitamin B và sắt, hỗ trợ tuần hoàn, lưu thông của máu. Ngoài ra, khi bổ sung các chất dinh dưỡng từ nấm mối đen vào cơ thể, sẽ giúp tế bào thần kinh hoạt động ổn định, từ đó giảm bớt tình trạng căng thẳng, đau đầu và mệt mỏi. Vì thế, nấm mối đen được một số người gọi là “thần dược”.
Để trồng loại cây “không hoa không lá” người nông dân chỉ cần nắm rõ cách trồng, đầu tư xây dựng hệ thống đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm thích hợp sẽ giúp loài cây này sinh trưởng nhanh. Không chỉ thế, với đặc trưng trồng nấm trong bịch phôi nên nông dân có thể tận dụng một góc nhà, gian nhà trống xây dựng dàn treo, phòng lạnh để canh tác.
Nhờ chứa nhiều chất dinh dưỡng nên đây là món ăn được nhiều người yêu thích, xuất hiện trong bữa cơm gia đình.
Kể từ khi gieo phôi nấm mối đen, từ 20-30 ngày sẽ hình thành tai nấm. Sau đó, khoảng 10-15 ngày, khi cây nấm nhú khỏi lớp xơ dừa cần được thu hoạch kịp thời. Cứ mỗi 8 giờ phải được thu hái, nếu không sẽ nhanh chóng héo tàn. Tuổi thọ của bịch phôi tầm 3-4 tháng và cho thu hoạch 3-4 lần. Khi thu hoạch, nấm cần được gọt chân cho sạch, cho vào túi, hút chân không và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nấm có thể giữ được chất lượng tốt trong 7-10 ngày.
Quá trình chăm sóc thấy phôi bị nấm mốc cần loại bỏ ra khỏi phòng. Ngoài ra, phát hiện kiến, ruồi cần dùng thuốc xịt vào tường để trị, không được phun trực tiếp vào phôi nấm.
Cũng tương tự cách trồng nhờ phôi như nấm bào ngư xám, nấm linh chi… nấm mối đen được cấy trong túi nylon chứa cơ chất là mùn cưa phối trộn với cám gạo, xơ dừa và một số chất dinh dưỡng cho tơ nấm phát triển.
Nấm mối đen khi trưởng thành sẽ đạt kích thước khá lớn, cao khoảng 10-15 cm và đường kính thân khoảng 1-3 cm. Loại nấm mối này có lớp ngoài màu đen nhưng thịt trắng và ăn rất ngọt thơm.
Trong quá trình trồng nấm mối đen, khâu lựa chọn phôi nấm và việc duy trì độ ẩm khoảng 85%, điều chỉnh độ ẩm sao cho phù hợp với khí hậu tại địa phương. Với điều kiện thích hợp, nấm mối đen sẽ phát triển tốt, cho năng xuất cao. Do nấm mối đen rất nhạy cảm với thời tiết nên để nấm phát triển tốt, trồng được quanh năm, cần phải đầu tư thiết bị, nhà xưởng và nắm rõ kỹ thuật trước khi trồng.
Những năm gần đây, sau khi biết được công dụng và giá trị của nấm mối đen, một số nhà nông đã lựa chọn giống cây này để trồng, đem về thu nhập ổn định. Do đó, sản phẩm này mang lại giá trị cao. Được biết, nấm mối đen hiện tại có giá trị khoảng hơn 300.000 đồng/kg, gấp 3-5 lần so với các loại nấm khác.
Anh Tuấn Anh (ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) cho biết nấm mối ngoài tự nhiên có giá trị cao nhưng rất hiếm và mọc theo mùa. Nhận thấy được tiềm năng trồng cây nấm mối đen rất cao từ giá trị dinh dưỡng, giá thị trường nên quyết định tìm hiểu và đầu tư khởi nghiệp từ tháng 6/2022.
Mặc dù đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về quy trình nuôi trồng nấm mối đen nhưng anh Tuấn Anh gặp không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến năng suất của nấm.
Sau một số lần thất bại, anh Tuấn Anh rút ra được kinh nghiệm để cây nấm có chất lượng, đạt năng suất cao, nguồn phôi phải đảm bảo, môi trường nuôi trồng trong phòng lạnh nên tuyệt đối đảm bảo không để phát sinh nguồn bệnh. Bên cạnh đó, trước khi vòng phòng lạnh kiểm tra, thu hoạch, người nông dân cần phải khử khuẩn, tránh ảnh hưởng đến chất lượng của cây.
Ban đầu, nhóm của anh Tuấn Anh trồng thử nghiệm 1.500 bịch phôi. Sau thời gian trồng thành công và cải thiện quy trình, số phôi tăng lên liên tục và hiện nay đạt mốc 15.000 phôi.
Đến nay, anh Phan Tuấn Anh đã sở hữu 4 trại trồng nấm mối đen tại, đem lại thu nhập bình quân 700 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương.
Tương tự như anh Tuấn Anh, chị Châu Thị Nương (ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) sau những vụ mùa cho năng suất thấp, chị chuyển hướng sang trồng nấm mối đen với mô hình tuần hoàn khép kín.
Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chị Nương quyết định đầu tư hệ thống sản xuất, phòng lạnh, sử dụng điện từ năng lượng mặt trời… Mỗi công đoạn đều bảo đảm đúng kỹ thuật, từ cách tạo phôi đến quá trình sinh trưởng của nấm để cho ra sản phẩm đạt chuẩn.
Về phôi nấm, chị Nương chọn rơm rạ, cám gạo, cám bắp để cho ra sản phẩm sạch, thuần thiên nhiên, vừa đảm bảo năng suất tốt và cung cấp thị trường sản phẩm đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường, an toàn với người tiêu dùng.
Phôi nấm được chị Nương cho cấy tạo trong phòng lạnh, quá trình dưỡng tơ phải được đặt trong nhà mát, duy trì độ ẩm và nhiệt độ phù hợp đến khi tơ nấm phát triển sẽ tiến hành đem đi nuôi trồng trong nhà nấm. Theo chị Nương, quan trọng nhất vẫn là phải cấp nước, đảm bảo độ ẩm cho phôi. Công đoạn cuối khi nấm phát triển đủ kích cỡ, thời gian nuôi trồng theo tiêu chuẩn thì tiến hành thu hoạch, sơ chế làm sạch tạp chất, đóng gói sản phẩm.
Nghề nấm giúp chị Nương mỗi năm thu lợi hơn 800 triệu đồng. Việc sản xuất ổn định đã góp phần tạo việc làm cho hơn 30 nữ lao động địa phương với tiền công từ 250.000-300.000 đồng/ngày.
"Chu kỳ sinh trưởng của các loại nấm ăn và dược liệu tương đối ngắn, khoảng 4 tháng/vụ. Nhờ đó giúp người trồng quay vòng nguồn vốn nhanh và có thể tạm ngừng sản xuất khi thời tiết không thuận lợi để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất", chị Nương chia sẻ về ưu điểm của loại cây này.
Hiện tại, mô hình nuôi trồng nấm mối đen tại các địa phương không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân mà còn tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhiều lao động địa phương.