Trại rắn Đồng Tâm là trang trại nuôi rất nhiều loại rắn như hổ mang chúa, mai gầm, rắn hổ đất... cực độc. Thế nhưng nơi đây hàng năm đón nhiều lượt du khách đến tham quan và lấy nọc độc rắn để bào chế huyết thanh cứu hàng nghìn người.
Trại rắn Đồng Tâm từ lâu đã trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Được thành lập vào năm 1977 trên một vùng đất đầy mìn và dây kẽm gai của Mỹ để lại. Thành lập theo sáng kiến của Trung tá Trần Văn Được, là một người có kiến thức sâu rộng, am tường và say mê các loài rắn, Trung tá Được muốn xây dựng một trại rắn đa dạng để lấy huyết thanh kháng nọc rắn và góp phần vào việc xuất khẩu nọc rắn.
Trại rắn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nuôi trồng, bảo tồn các loại rắn quý và cây con làm thuốc, chế biến thuốc y học dân tộc, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho cán bộ và nhân dân trong vùng. Tổng diện tích của Trai rắn Đồng Tâm lên đến 12ha gồm khu vực nuôi các loài rắn quý như hổ mang chúa, hổ mang đất, rắn lục dồ, rắn hổ mèo…
Vé tham quan vào trại rắn cho người lớn là 30.000 đồng/vé và trẻ em là 20.000 đồng/vé. Du khách tham quan sẽ được vào phòng chiếu phim để được nghe giới thiệu về trung tâm nuôi rắn, sau đó là tham quan trực tiếp các khu vực khác dưới sự hướng dẫn của nhân viên. Trại rắn Đồng Tâm đã trở thành một trung tâm khoa học và có nhiều cống hiến trong vấn đề trị bệnh cho nhân dân nên được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1989.
Tại đây, du khách có thể quan sát đời sống của hơn 50 loài rắn, các loài thú và một số tiêu bản của các loại rắn, trong đó có hơn 200 con rắn hổ mang chúa. Mỗi con rắn hổ được nuôi trong 1 chuồng riêng. Chuồng được xây phù hợp với tập tính của rắn như có nơi phơi nắng, có hang cho chúng nghỉ ngơi. Đặc biệt, khi vào trại rắn du khác sẽ tận mắt chứng kiến những con rắn hổ mang chúa khổng lồ hay rắn hổ đất ngóc đầu, khèn, phùng mang, thủ thế… trông khá đáng sợ, không phải ai cũng mạnh mẽ để quan sát trực tiếp.
Những con rắn lớn nhất có trọng lượng đạt hớn 10kg.con, con rắn hổ mang chúa lớn nhất đạt hơn 27kg, dài 4,2 mét và có tuổi thọ 17 năm. Các loại rắn độc thì trung tâm nuôi để bảo tồn, cho sinh sản, nguyên cứu khoa học, cũng như lấy nọc độc bào chế ra huyết thanh để cứu người.
Du khách nước ngoài chụp hình kỷ niệm
Trong đó, trại rắn đang nuôi vào bảo tồn hai loài là hổ mang chúa và hổ mang. Chúng sinh sản từ 20-20 trứng/lứa vào tháng 4,5 hàng năm, thức ăn của chúng là các loại rắn khác, chim, thằn lằn. Rắn hổ mang chúa có tuổi thọ khoảng 30 năm và năm trong sách đỏ của Việt Nam. Đây là loại rắn cực độc, mỗi 1 gram nọc độc có thể giết chết 166 người trưởng thành. Hiện nay, cứ khoảng 3 - 6 thán sẽ được lấy nọc độc 1 lần. Rắn được lấy nọc độc phải từ 2 năm tuổi trở lên và là con khỏe mạnh, trước khi lấy nọc, rắn được cho nhịn ăn từ 5 -7 ngày.
Còn một loại rắn cực độc khác là rắn mai gầm, cơ thể rất đặc biệt giống hình tam giác. Nhìn bền ngoài có vẻ gầy, ốm, lừ đừ, chậm chạp vào ban ngày nhưng buổi tối rất nhanh nhẹn. Người ta hay nói “rắn mai gầm cắn nằm tại chỗ; rắn hổ cắn còn kịp về nhà” để so sánh nọc độc của hai loại rắn với nhau. Nọc của rắn mai gầm ảnh hướng tới thần kinh và mạch máu.
Không chỉ nuôi rắn lấy nọc và làm du lịch, trại rắn còn có khoa cấp cứu để điều trị các trường hợp bị rắn độc cắn. Mỗi năm tiếp nhận hơn 1.500 người bị rắn cắn, nạn nhân đến từ nhiều tỉnh lân cận như Bến Tre, Đông Tháp, Long An, Vĩnh Long... thậm chí có cả ở Bình Dương, Bình Thuận. Nhiều nhất là người dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn và nhiều nhất vào mùa mưa.
Chỉ cần sơ cứu đúng cách, đưa đến đây kịp thời, tất cả người bị rắn cắn được cứu sống và sớm phục hồi sức khỏe, không có trường hợp tử vong. Để đề phòng bị rắn độc cắn, các bác sĩ tại trung tâm cũng khuyên người dân nên hạn chế đi đến những nơi có cây cỏ rậm rạp, nếu cần phải có đồ bảo hộ và dùng gậy để xua rắn.
Trại rắn Đồng Tâm còn có xưởng sản xuất các loại thuốc y học dân tộc từ trăn và rắn để phục vụ sức khoẻ cho nhân dân như: cao trăn, cao rắn, mỡ trăn, rượu rắn, kem bôi da… Cho đến năm 2016, Trại rắn Đồng Tâm đã mở thêm một cơ sở tại Phú Quốc và đón tiếp rất nhiều lượt khách khi du lịch, điều trị rắn cắn cho bộ đội và người dân.