Từ 1/12 tới, học phí đại học công lập sẽ điều chỉnh tăng. Bộ GD&ĐT cho rằng, sẽ có chính sách cho vay ưu đãi và miễn giảm học phí với sinh viên nghèo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức học bổng cao nhất không đáp ứng đủ chi và đối tượng miễn giảm học phí chưa phủ hết các gia đình nghèo. Ở nhiều tỉnh lẻ, nhiều gia đình đang phải nhịn ăn tiêu để cho con mình đi học.
SV ĐH Tôn Đức Thắng nộp học phí (ảnh minh họa)
Sống dưới mức tiết kiệm vì con vào đại học
Năm nay, thí sinh Ng thi đỗ vào ĐH Y Hà Nội. Gia đình em thuộc diện cận nghèo ở Quảng Bình, bố mẹ đều làm nông. Học phí cao, tiền thuê trọ 700.000 đồng/tháng, tiền ăn, rồi tiền xe bus, sách vở và học liệu... khiến em đang băn khoăn không biết có thể theo học được không? Ng cho biết, sau mình còn hai em đang học phổ thông. Vì thế, bố mẹ em chi tiêu rất tằn tiện nhưng hiện vẫn nợ ngân hàng 30 triệu đồng. “Nếu cố đến lúc ra trường, không biết có xin được việc làm và nếu xin được thì lương có đủ trả nợ không nữa” - Ng buồn bã nói. Bạn Nguyễn Tâm (Vũ Thư, Thái Bình) chia sẻ, Bộ GD&ĐT hãy thử tìm hiểu xem một sào ruộng thu nhập được bao nhiêu thóc và hiện tại mỗi khẩu được chia cho mấy thước ruộng mà lại tăng học phí? “Chúng tôi chỉ còn con đường học để thay đổi cuộc đời nhưng dường như cánh cửa này đang bị chặn lại” - Tâm cho biết.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tăng học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, của từng địa phương và phù hợp với mức đóng góp của từng người dân. “Sở dĩ nói như vậy bởi tôi nghĩ rằng, dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu học. Nhiều gia đình nhịn ăn, nhịn tiêu, thậm chí sống dưới mức tiết kiệm để đầu tư cho con em đi học. Tuy nhiên, không nên lạm dụng tình cảm đó. Vì thế học phí mới phải phù hợp với mức đóng góp với người dân”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo tính toán của một số chuyên gia, mỗi sinh viên đi học ở thành phố phải mất khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nếu gia đình làm nông, mỗi tháng phải mất 5 tạ thóc/một con học đại học. Gia đình nào có bố mẹ nghỉ hưu, thì suất lương hưu không đủ chi phí cho một con theo học ở thành phố. Trong khi đó, chưa tính đến việc các em ra trường có xin được việc làm hay không? Nếu xin được việc làm, với mức lương một sinh viên mới ra trường cũng khó có thể trả được nợ. GS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học VN) tính toán: “Nếu vay Nhà nước để đi học thì khối ngành có học phí thấp nhất, mỗi năm một sinh viên cũng phải nợ Nhà nước trên 20.000.000 đồng. Khi ra trường, kiếm được việc làm, người có bằng đại học được nhận lương khoảng 3.500.000 đồng, nếu thất nghiệp thì ăn nhờ gia đình. Như vậy, liệu các em có tiền để trả nợ”?
Cả năm học bổng được vài tháng sống
Theo Bộ GD&ĐT, chính sách học phí mới không tác động lớn đến người học so với trước đây bởi học phí mầm non, phổ thông vẫn tăng bình quân hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân tại địa phương như trước đây. Học phí đại học tại trường chưa tự chủ tăng 10%, tăng chậm hơn giai đoạn 2011-2015 (trước đây khoảng 20%/năm). Đối với học sinh nghèo, học sinh diện chính sách, vẫn được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như trước đây.
Theo Bộ GD&ĐT, việc tăng học phí sẽ đi cùng với học bổng và chế độ ưu đãi cho các gia đình nghèo để các em đủ điều kiện học tập. Tuy nhiên, theo tính toán mới đây của GS Phạm Tất Dong, mức học bổng cao nhất hiện nay cũng không quá 7 triệu đồng/suất/năm. Mức thấp nhất là 3 triệu đồng/suất/năm. Sinh viên nghèo có may mắn được học bổng cao nhất, mang tiền học bổng để đóng học phí vẫn còn “âm nặng”. Về điều này, ông Hùng cho biết, mình đã xem các đối tượng được miễn giảm học phí. Đúng là các đối tượng đó chưa bao phủ được hết những nhóm đối tượng có khả năng học tập nhưng có khó khăn về kinh tế. Ví dụ, quy định miễn giảm đối với hộ nghèo hoặc cận nghèo nhưng là người dân tộc thiểu số. Còn những hộ nghèo ở các vùng khác, các dân tộc khác, cơ chế hỗ trợ thế nào cũng phải tính đến.
Ông Hùng chia sẻ: “Tôi nghĩ, đối với giáo dục, không thể hoàn toàn để cơ chế thị trường chi phối. Ở đây vẫn cần vai trò điều tiết, quản lý và hỗ trợ của Nhà nước để bên cạnh yếu tố tích cực của thị trường, trong các cơ sở giáo dục vẫn còn nét đẹp của quan hệ thầy trò truyền thống, vẫn giữ được những nét đẹp của giáo dục nhân cách, về tư tưởng chính trị”. Cũng theo ông Hùng, học bổng là một phần rất đáng quý nhưng chỉ là một kênh để giải quyết việc học bởi học bổng chỉ mang tính động viên,sinh viên nghèo không thể trông chờ hoàn toàn vào đó được. Vì vậy, đi đôi với việc tăng học phí, có lẽ phải tính đến thị trường việc làm cho sinh viên, giữ chế độ vay ưu đãi dài hơn hoặc cơ sở đào tạo phải cho sinh viên nợ học phí trong khoảng thời gian nào đó. Ngoài ra, có thể huy động nguồn lực xã hội hóa để tạo một quỹ dành cho các đối tượng không nằm trong diện ưu đãi học phí có thể tiếp cận việc học.
Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, mức trần học phí tại các trường công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư được tính như sau: Năm học 2015 – 2016; 2017 – 2018: Khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, Luật, Nông – Lâm – Thủy sản…: 1.750.000 đồng/tháng/sinh viên. Khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật…: 2.050.000 đồng/tháng/sinh viên. Khối ngành y- dược: 4.400.000 đồng/tháng/sinh viên. Năm học 2018 – 2019; 2019 – 2020: Mức học phí tương ứng ở 3 khối ngành trên là: 1.850.000 đồng; 2.200.000 đồng; 4.600.000 đồng. Đến năm 2020 – 2021, con số tương ứng là 2.050.000 đồng; 2.400.000 đồng; 5.050.000 đồng. |