Nhiều phụ nữ, trẻ em ở các huyện miền núi Nghệ An đã bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc, dù có người may mắn về được Việt Nam cũng có người làm kiếp cô đơn nơi xứ người, tất cả những thân phận ấy đều mang một nổi đau mà không ai có thể san sẻ...
Có những đêm một bản “mất” hàng chục thiếu nữ…
Tương Dương là một trong những huyện đang nóng về nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới của tỉnh Nghệ An. Chúng tôi đến xã Tam Đình vào dịp giáp Tết Ất Mùi một ngày rét buốt, khắp bản làng đào nở phủ trắng.
Tam Đình là xã có nhiều đồng bào là người dân tộc Thái, nơi có những dòng nước suối xanh trong, ngọt lịm, khí hậu mát mẻ. Cũng chính vì vậy người con gái Thái được trời phú cho nước da, nhan sắc xinh đẹp, không nơi nào ở xứ Nghệ có được.
Tết đến, bản làng Quang Phúc, xã Tam Đình vắng bóng những người con gái trẻ, ở bản làng này chỉ còn những lại những phụ nữ lớn tuổi, tay xách nách mang những đứa con bé bỏng. Tết đến nhưng bản làng không có không khí Tết, ở đây chỉ có đào đua nhau khoe sắc.
Những phụ nữ trẻ, không biết có còn “gắn bó” với bản làng nữa không ?
Được vị trưởng bản dẫn đến nhà ông L.V. D, người có một người con gái hiện đang sống ở Trung Quốc, ông tâm sự: “Cách đây 5 năm, con gái ông là L.T.H (SN 1987) bị kẻ xấu dụ dỗ bán sang Trung Quốc, nghe bảo sang đó lấy chồng ngoại, nó đi và mất liên lạc với gia đình mấy năm trời, chúng tôi không biết nó sống hay chết nữa. Đến năm 2014, H. bất ngờ về nhà, trên tay bế đứa con trai bé nhỏ, mặt mũi đúng là không phải người Thái chúng tôi, nó vào nhà rồi nói đúng câu: 'Bố mẹ, giữ em bé giùm con' rồi đi đến nay cũng chẳng có thông tin gì về nó nữa. Cuộc đời con gái, thế là xem như hết rồi, số phận éo le quá. Giờ chỉ mong sao trong bản này không còn đứa nào bị lừa bán như nó nữa, Tết năm nay gia đình vẫn buồn bã như những năm trước”.
Tiếp tục ghé qua xã Tam Quang, Tương Dương, ông Trần Văn Quý công an xã Tam Quang nói: “Xã Tam Quang hiện có đến 40 thanh niên, phụ nữ đi Trung Quốc và không ai nắm rõ những người này đang làm nghề gì, sống ra sao. Vì khi đi, họ không báo cho chính quyền để xin tạm trú tạm vắng, họ cứ lặng lẽ rời đi, trong bặt vô âm tín”.
Đến nhà ông L.V. K (81 tuổi), gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, đứa con trai vừa mới qua đời, cô con dâu để đứa con lại rồi đi đến nay không quay trở về nữa. Giờ đây ông K. một thân già, còn cắp nách đứa cháu nhỏ tội nghiệp, hàng ngày lên núi đốn cũi kiếm cơm qua ngày.
Anh Quý còn nói thêm, nhiều nạn nhân bị kẻ xấu rủ rê, dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài nhưng gia đình lại không khai báo, không tố giác nên lực lượng chức năng khó có thể vào cuộc.
Những bản làng “thiếu vắng” phụ nữ
Chính quyền xã cố gắng tuyên truyền đến bà con, thế nhưng do cuộc sống nghèo khó, trình độ nhận thức của bà con lại kém cỏi, nên khi có lời dụ dỗ ngon ngọt của một số đối tượng, đặc biệt lại là người thân quen biết, là các nạn nhân “lên đường” liền.
Thậm chí họ còn đi theo kiểu “bầy đàn” nữa, có một lần năm 2014, trong xã có đến 17 chị em phụ nữ bị các đối tượng dụ dỗ đi trong đêm, buổi ngày còn thấy đông đúc phụ nữ thế nhưng sau một đêm xã đã “mất” hàng chục chị em.
Các xã như Yên Tĩnh, Yên Hòa… huyện Tương Dương cũng nằm trong tình cảnh tương tự, phụ nữ cứ ra đi mà không rõ là đi đâu, sống hay đã chết.
Được biết, năm 2014, huyện Tương Dương có hơn 1500 người đi làm ăn xa trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Hầu hết số này đều đi chui, không làm các thủ tục xin tạm vắng, tạm trú, không cắt hộ khẩu, hộ tịch…
Cần nhiều thời gian…
Ông Vi Tân Hợi, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Đã có nhiều bi kịch gia đình xảy ra khi các chị em phụ nữ bỏ đi hoặc bị lừa bán đi Trung Quốc. Tình trạng này này đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, gây nên những xáo trộn về an ninh trật tự và chắc chắn sẽ để lại những hậu quả lớn cho xã hội”.
Có một thực tế hiện nay, là những đối tượng buôn người không phải là xa lạ, mà lại là người làng, người quen. Những người ấy cũng là nạn nhân, sau khi đã sang Trung Quốc họ trở về móc nối với người địa phương đưa con, em mình sang theo, rồi cùng cảnh “khổ cực”. Chính vì điều đó, mà các đối tượng buôn người khó bị bắt, không những thế mà chúng lại tinh vi và nhiều chiêu trò hơn.
Chờ mong tin người thân trong vô vọng.
Thượng tá Hồ Trọng Năm - Phó trưởng Công an huyện Tương Dương cho biết: “Các cơ quan chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân, thế nhưng do nhận thức của người dân còn kém, nên vẫn có nhiều người bị dụ dỗ”.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phụ nữ, trẻ em gái bỏ làng bản đi làm ăn ở nước ngoài trong đó có Trung Quốc và một số nước bạn là do đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức người dân yếu kém.
Để đẩy lùi được tình trạng này, phải cần rất nhiều thời gian cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Để một ngày, các bản làng xa xôi hẻo lánh không còn tình trạng “trắng” phụ nữ, để cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc hơn.