Cuối năm, cả làng vắng hoe. Có gia đình vắng tới 10 người, nhiều bữa cỗ tết bưng lên rồi lại bưng xuống trong ngậm ngùi.
Đó là nỗi buồn ở xã Cương Gián - xã có số lượng người đi xuất khẩu lao động lớn nhất ở tỉnh Hà Tĩnh và có lẽ là xã có lượng kiều hối gửi về lớn nhất nước.
Gần 20 năm nay, ở xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân), người dân đua nhau đi xuất khẩu lao động, hầu như nhà nào cũng có con em đi lao động ở nước ngoài. Người đi trước dẫn dắt người đi sau, có gia đình trên 10 người từ con, cháu, dâu, rể ra nước ngoài làm ăn.
Ông Hoàng Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: Toàn xã có 14.500 dân nhưng đã có trên 2.500 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và một số ít đi Anh, Úc… Nguồn lợi từ xuất khẩu lao động đem lại cho người dân địa phương là rất lớn mỗi năm khoảng trên 100 tỷ đồng. Khi có vốn người dân đầu tư chủ yếu vào việc xây nhà, ngoài ra mở rộng kinh doanh, buôn bán dịch vụ, còn một số gia đình dư giả gửi vào ngân hàng…
Nói tới kinh tế khá giả mà mặt ông Tiến vẫn buồn rười rượi. Ông thừa nhận, đời sống văn hóa, tinh thần của xã nhà đang đi xuống. Người dân không quan tâm đến việc học, bỏ bê nghề biển, lao động nhàn rỗi ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong 2 năm qua phía Hàn Quốc (đất nước mà từ trước tới nay Cương Gián luôn có trên 1.000 người sang lao động) ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam đã khiến tình hình địa phương trở nên phức tạp. Thanh niên học hết cấp 3 không đậu các trường đại học là ở nhà ngồi chơi chờ làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động chứ không chịu làm nghề khác.
Nhà tầng ở Cương Gián mọc lên san sát (Nguồn ảnh: ĐĐK)
Men theo con đường ra biển, chúng tôi tìm đến nhà chị Hoàng Thị Cương ở thôn Cầu Đá, ngôi nhà xây bề thế nhưng cửa đóng im lìm mặc dù lúc đó gần 12 giờ trưa. Hỏi nhà bên cạnh được biết, đã 5 năm nay, vợ chồng chị Cương sang Đài Loan làm thuê, gửi lại hai đứa con trai nhờ bà mợ chăm sóc. Hai cháu Lê Văn Hải (19 tuổi) và Lê Văn Quân (15 tuổi) kể: Hải học xong cấp 3 nhưng không thi đậu trường, đang chờ làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động, còn Quân đang học lớp 9. Từ ngày mẹ đi đến nay, mọi sinh hoạt, cơm nước của 2 anh em đều nhờ mợ Yến chăm sóc. Nhắc đến mẹ, Quân lại trào nước mắt: Năm ni nữa là 5 năm mẹ đi chưa một lần về, nhiều đêm hai anh em ngủ ở nhà buồn nháy điện thoại cho mẹ gọi về cho đỡ nhớ.
Còn đối với hai vợ chồng cụ Hoàng Đức Thanh (78 tuổi) và Hoàng Thị Kiềm (77 tuổi) ở thôn Tân Thượng, có thời điểm trong gia đình chỉ còn 2 cụ và 2 đứa cháu ở nhà, còn lại 15 người từ con trai, con gái, dâu, rể và cháu đi xuất khẩu lao động hết. Người đi lâu nhất là hai vợ chồng anh Hoàng Văn Tình - Trương Thị Mai có hơn 16 năm xa quê để hai đứa con nhỏ (1 đứa 2 tuổi và 1 đứa 5 tuổi, đến nay 2 cháu đã đi học đại học) cho ông bà trông nom.
Bà Kiềm sụt sùi: Mặc dù tiền bạc được các con gửi về đầy đủ nhưng hai thân già cũng hiu quạnh lắm, nhất là những ngày tết nhà láng giềng thì con cháu đến chúc tết cười nói rôm rả, còn các con tôi đều nơi đất khách. Đêm giao thừa hai ông bà chuyền nhau chiếc tai nghe, mắt không rời màn hình vi tính nói chuyện với các con, nhiều hôm trò chuyện cả bố mẹ và các con đều khóc nức nở.