“Người Tây không chuộng Tết Tây, người “ta” cũng không chuộng Tết Tây. Nên không khí cũng giống nhau thôi…”
Tết Tây của du học sinh Việt mỗi nơi, mỗi người một vẻ. Họ vừa hòa mình vào không khí ngày lễ ở xứ người, vừa mang góc nhìn của một người bạn, một người khách và cả những tâm sự riêng của người trẻ xa xứ.
“Tết ở nhà, mọi người đang làm gì?”
Trang Đỗ là SV năm cuối ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH Claflin, South Carolina, Hoa Kỳ, cô đi học xa xứ từ thời THPT. Trang chia sẻ, khi còn ở VN “Tết Tây” năm nào cô cũng cùng gia đình ăn Tất niên ở nhà ông bà.
“Nhớ ông bà, bố mẹ là tất nhiên, mình cũng nhớ cả hội bạn ở Việt Nam nữa. Thấy mọi người ở nhà đi chơi với nhau, ăn uống cùng nhau không có mình thì thấy chạnh lòng, nên càng phải ăn Tết thật vui! Thật ra mình cứ liên tục đọc báo, xem Facebook để cập nhật người nhà, bạn bè làm gì, chơi gì…”
Trang (thứ hai từ phải sang) cùng bạn bè đón Giao thừa 2014 tại Quảng trường Thời đại
Kế hoạch giản dị đêm giao thừa của Trang là cùng hội bạn tụ tập tại nhà ai đó, nếu thời tiết đẹp thì cùng nhau đi xem pháo hoa. “Ở đây Tết Dương lịch cũng giống như một ngày nghỉ thôi, còn Noel mới thực sự là ngày quan trọng với người Mỹ, giống như Tết Âm lịch của VN. Được nghỉ Đông khá dài nên mình thường đi du lịch lần lượt đến các bang ở Mỹ, vừa ăn Noel vừa đón Năm mới luôn. Năm ngoái mình đón Tết ở New York, năm trước đó là Washington DC, còn năm nay là Houston.”
Đi 11 nước, về đón Giao thừa
Cũng là du học sinh ở Mỹ, Châu Vũ (Franklin & Marshall College) thậm chí đi du lịch 11 nước châu Âu vào dịp nghỉ lễ này. Xin được học bổng trao đổi sinh viên tìm hiểu về khối EU đúng dịp cuối năm, sau khi kết thúc chương trình học, cô một mình tiếp tục hành trình tại châu Âu thêm 10 ngày. Những nước Châu đã đi qua dịp cuối năm có Đức, Cộng hoà Czech, Luxembourg, Pháp, Bỉ, Hungary, Thụy Sĩ, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, và Hy Lạp. Thế nhưng, đến ngày 30 trước Giao thừa, Châu bay về Mỹ để đón giao thừa với gia đình chị gái.
Châu Vũ ở Athens, Hy Lạp trước khi về Mỹ đón Giao thừa
“Lạ lắm, từ khi đi du học mình có biết Tết là gì đâu. Hồi ở Việt Nam thì Tết Dương lịch đúng kỳ thi, học còn chưa kịp nói gì chơi. Sang Mỹ càng không có Tết. Tết Tây, Tết Ta hay bất cứ ngày lễ gì gia đình tụ họp mình đều cố quên đi, vùi đầu vào học như là trốn tránh. Lễ Tết nhà người ta thì sum họp, nhà mình thì mỗi người một nơi. Chị gái mình cũng đi du học từ năm mình học lớp 3, rồi đi biền biệt tới giờ nên chị em ít gặp nhau lắm. Năm nay chị mình vừa sinh em bé, tự nhiên cảm thấy rất muốn được về với gia đình chị để cùng đón Giao thừa…”
Châu chia sẻ: “Năm nay mình được đi nhiều nơi, nhưng đi khắp rồi nhận ra là ở đâu cũng thế, Tết gì cũng thế, ai cũng muốn ở bên gia đình nhất.”
Đêm Giao thừa, Châu cùng gia đình chị gái quây quần bên em bé mới sinh, xem TV truyền hình trực tiếp khoảnh khắc đếm ngược ở Quảng trường Thời Đại (Mỹ).
Tết của con trai là làm việc
“Tết Tây mình đi làm. Chỗ mình làm thì những ngày Tết như thế này là đông khách nhất, dịch vụ mà, nên càng không được nghỉ.” – Hoàng Trung Nam, du học sinh khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH Quốc gia Changwon, Hàn Quốc chia sẻ.
Ngoài đi học ở trường, Nam còn làm thêm ở một cửa hàng điện thoại cho khách nước ngoài. Nam cho biết, ở Hàn Quốc thì Trung Thu là Tết lớn nhất, sau đó đến Tết Âm lịch, đến Tết Tây, rồi đến Noel. “Tết Tây ở đây cũng như một ngày bình thường thôi. Đêm Giao thừa mình thường ở nhà cùng mẹ mình, tổ chức bữa tối cuối năm cùng bạn bè, người quen.”
Hoàng Trung Nam (áo xanh) cùng bạn bè ở Hàn Quốc
Kiều Tôn Sơn, tân sinh viên ĐH Luật và Kinh doanh Ueno (Nhật Bản) cũng đón Tết bằng công việc: “Tết năm ngoái mình đón năm mới ở xưởng. Mình làm thêm ở một xưởng cơm hộp, đến đúng giờ chuyển giao năm mới, mọi người quay sang chúc mừng nhau rồi lại cắm cúi làm việc tiếp. Năm nay không phải làm đêm nên được ăn Tết rồi.”
Ngày cuối năm Sơn dọn dẹp nhà cửa, rồi mua một ít đồ ăn về, buổi tối sẽ rủ nhóm bạn sang liên hoan nhẹ nhàng. “Giao thừa năm nay chắc mình sẽ mua một suất osechi cùng ăn đón năm mới với người yêu” - Sơn vui vẻ.
Bữa tiệc tất niên của Sơn cùng đồng nghiệp (Sơn ngồi thứ ba bên trái)
“Người Nhật chỉ kỷ niệm Tết Dương lịch, nhưng cũng không phải ăn Tết đến mấy ngày như mình đâu. Nhưng không biết có phải do mình là người nước ngoài không, nhưng mình thấy bên này không có cái không khí như đón Tết cổ truyền của Việt Nam mình...”
Ở Mỹ, Nhật, Hàn và khắp nơi trên thế giới, các thế hệ du học sinh Việt đã đón nhiều “Tết Tây”. Nhưng mỗi năm, mỗi người trẻ, lại mang một câu chuyện khác, một góc nhìn khác về ngày lễ xứ người. Những góc nhìn ấy giống nhau ở một điểm: Tết đơn giản là một dịp để chia sẻ và yêu thương.