Dự báo trong tháng 5, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, nhiệt độ trung bình cao hơn 1-3 độ C.
Nền nhiệt tháng 5 cao hơn 2-3 độ C
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối tháng 5, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C, riêng khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nơi cao hơn từ 2 -3 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa tại các khu vực trên cả nước phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Cụ thể, Bắc Bộ thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, riêng vùng núi phía Đông Bắc Bộ có nơi ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; khu vực Trung Bộ thấp hơn từ 20-40% trung bình nhiều năm; Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến thấp hơn từ 10-30% trung bình nhiều năm.
Nhiệt độ tháng 5 ở Bắc Bộ dự báo cao hơn 2-3 độ C so với trung bình nhiều năm.
Chuyên gia cảnh báo, từ nay đến hết tháng 5, áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Khu vực Tây Nguyên-Nam Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Khô hạn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ còn tiếp diễn; khu vực Trung Bộ khô hạn có khả năng xuất hiện và kéo dài trong suốt thời kỳ dự báo. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Thời kỳ từ ngày 21/4-20/5 là thời kỳ giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Với sự thiếu hụt mưa và khả năng nắng nóng gia tăng hơn trung bình nhiều năm tại các khu vực trên phạm vi cả nước, do đó nguy cơ cao kéo dài thêm tình trạng khô hạn, thiếu nước và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ rất cao.Nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ cao nhất lịch sử
Về tổng kết diễn biến thời tiết cuối tháng 3 đến nay, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, thời kỳ từ ngày 21/3-20/4/2024, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra nhiều trận dông, lốc và mưa đá tập trung chính ở các tỉnh phía Bắc. Thời kỳ này xuất hiện 2 đợt nắng nóng diện rộng trong khoảng ngày 31/3-04/4 ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hoá-Phú Yên; từ ngày 12-20/4 tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa-Phú Yên.
Khu vực Tây Nguyên xuất hiện 2 đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 03-08/4 và từ ngày 13-20/4. Khu vực Nam Bộ liên tục xảy ra nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt; trong đó miền Đông Nam Bộ từ ngày 07-20/4 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Trong các đợt nắng nóng này, một số trạm khí tượng đã ghi nhận được nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử và thiết lập giá trị nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được như Đắk Nông (Đắk Nông), Cát Tiên (Lâm Đồng), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Vĩnh Long (Vĩnh Long).
Thời kỳ này, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 2,0-3,00C, có nơi cao hơn từ 3-4 độ C; các khu vực còn lại phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C so với trung bình nhiều năm. Giai đoạn này đã xuất hiện 2 đợt mưa rào diện rộng và có nơi có dông (từ ngày 06-09/4 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; đêm 17 và ngày 18/4 tại Bắc Bộ và Thanh Hóa). Tổng lượng mưa trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 20-50mm so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và một số nơi tại vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn từ 50-80mm so với trung bình nhiều năm.