Ông Đinh Công Tường được mệnh danh là "vua gốm sứ cổ" khi sở hữu khoảng 100.000 món cổ vật đắt giá. Ước tính giá trị của những món đồ cổ ông Tường đang sở hữu hơn 200 tỷ đồng.
Với những ai thích chơi đồ cổ, đặc biệt là đồ gốm sứ cổ chắc hẳn đã nghe về cái tên Đinh Công Tường (ở TP.HCM), người được xem là “vua gốm sứ cổ". Ông Tường đã lập kỷ lục thế giới khi sở hữu hơn 100.000 món đồ gốm sứ cổ có giá trị và cực kỳ quý hiếm.
“Vua gốm sứ cổ” Đinh Công Tường
Từng làm đủ nghề mưu sinh đến “vua gốm sứ cổ", sở hữu bộ sưu tập trị giá hơn 200 tỷ đồng
Ông Đinh Công Tường sinh năm 1968 tại Hà Nội, sau đó theo gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông có niềm đam mê sưu tầm đồ cổ từ nhỏ và được tiếp thêm động lực từ một chiếc đĩa và một cái tô do bà ngoại tặng khi vào Nam.
Khi mới vào miền Nam, vì gia đình khó khăn ông Tường không được học hành đầy đủ, từng làm công việc thu gom rác, làm bồi bàn, bán hoa quả… để mưu sinh. Sau đó bén duyên với nghề trồng cây cảnh bonsai. Sau khi có ít vốn, ông đi khắp nơi từ Bắc vào Nam để thu gom đồ gốm sứ cổ, thoả mãn đam mê, rồi từ đó “lún sâu" và trở thành tay chơi đồ cổ thứ thiệt.
Không chỉ tại Việt Nam, ông Tường cũng ra nước ngoài để sưu tầm những món đồ gốm sứ cổ, làm giàu thêm cho kho tàng của mình. Chia sẻ trên kênh Độc lạ Bình Dương mới đây, ông Tường cho biết giá trị các món đồ cổ đang sở hữu khoảng trên 200 tỷ đồng. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ đã bán khoảng 7 miếng đất để phục vụ đam mê sưu tầm này.
“Có món mấy chục tỷ, cũng có món vài ba trăm triệu, hay một hai triệu rồi vài trăm ngàn. Nhiều khi món đồ nó mang giá trị sâu sắc về nền văn hoá, định giá cụ thể cũng không được” - ông Tường chia sẻ.
Ông Tường chia sẻ về chiếc gối có giá trị khoảng 2 triệu USD
Ông Tường có một không gian rộng rãi để trưng bày những món đồ cổ sưu tầm được. Tất cả được bày trí rất đa dạng gồm: tô, bát, dĩa, lư, bình, ấm chén... Có nhiều món ông sưu tầm từ những thời vua chúa xa xưa, liên quan đến các triều đại gần như độc nhất vô nhị cực kỳ hiếm, không ở đâu có.
Những món đồ cổ được ghi nhận từ thế kỷ thứ I đến XX, tức từ thời đồ đá có niên đại hơn 3000 năm. Cũng vì quá nhiều đồ được sưu tầm, không gian không đủ để bày trí nên có những món được xếp chất đống. Thậm chí nhiều người nhìn vào không biết đó là đồ cổ có giá trị.
Ông Tường cho biết thêm, đã từng có đại gia chi 300 tỷ để mua lại phân nửa số cổ vật nhưng ông không bán. Theo chia sẻ, ông Tường muốn lưu lại những giá trị thông qua gốm sứ cổ cho con cháu đời sau có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Ông Tường có giấc mơ xây dựng một viện bảo tàng để trưng bày nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được.
Người đàn ông không biết chữ xác lập kỷ lục thế giới về sưu tầm đồ gốm sứ cổ
Cách đây 2 năm, ông Tường được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness xác nhận là người sở hữu nhiều món đồ gốm sứ cổ nhất thế giới với hơn 100.000 món. Theo ông Tường, bản thân ông sưu tầm gốm sứ cổ ở nhiều niên đại, không theo một loại nào cụ thể.
Ông Tường được Tổ chức Kỷ lục thế giới vinh danh vào năm 2022
Trước đó, ông Tường đã xác lập các kỷ lục Việt Nam: Người sở hữu bộ sưu tập lộc bình xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam với hơn 5000 chiếc (2014), Người sở hữu bộ sưu tập đĩa cổ xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam (2015) và Người sở hữu bộ sưu tập bát (tô) cổ số lượng nhiều nhất Việt Nam (2016) tại Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 33…
Vào năm 2019, ông Tường được Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao xác nhận là người sở hữu Bộ sưu tập Gốm Bản địa Việt Nam lớn nhất châu Á (hơn 1.500 hiện vật).
Về bí quyết để phân biệt đồ cổ, ông Tường chia sẻ học hỏi rất nhiều từ xã hội và tiếp xúc thực tế, có kinh nghiệm từ bản thân.
Rất nhiều món đồ cổ có niên đại từ hàng nghìn năm được ông Tường sưu tầm
Gia đình ủng hộ ông Tường trong việc sưu tầm đồ cổ. Vợ của ông tôn trọng niềm yêu thích của chồng, thậm chí có thời điểm còn lấy vàng của gia đình đi bán để đi mua gốm sứ cổ.
Không chỉ đổ tiền để sưu tầm đồ cổ, ông Tường còn là người giàu lòng hảo tâm và nhân ái. Ông thường xuyên giúp đỡ người nghèo, đi khắp nơi trong nước lẫn nước ngoài để làm từ thiện. Ông Tường cho biết đã làm từ thiện hơn 30 năm. Vì ngày nhỏ gia đình nghèo, không được học chữ nên ông luôn mong muốn lan toả những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng và thế hệ trẻ.