Tháng 7 còn gọi là tháng “cô hồn”, liên quan rất nhiều tới các linh hồn, quỷ đói nên trong văn hóa người Việt có rất nhiều điều kiêng kỵ.
Đêm xuống được nhiều người kiêng kỵ nhằm tránh mang lại những “phiền nhiễu”, xui xẻo trong tháng này. Nhiều quan niệm hoang đường xung quanh thời điểm này.
Đi đêm tối không quay đầu ngoảnh lại
Theo dân gian, thời gian này mọi người nên hạn chế đi chơi đêm, nhất là với những người yếu bóng vía. Đây cũng là khoảng thời gian ma quỷ ''lộng hành'' nhất là vào buổi đêm. Cùng với đó, khi phải đi trong đêm tối tuyệt đối không được quay đầu ngoảnh lại vì dễ bị ma quỷ trêu chọc.
Ông Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, đó chỉ là tín ngưỡng của dân gian, còn về mặt khoa học không phải vậy. Việc đi đêm tối không quay đầu ngoảnh lại vì sợ ma quỷ trêu trọc không đúng, đó chỉ là người nhát gan, thần hồn nát thần tính.
Ảnh minh họa
Chúng ta thường có cảm giác bất an như có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình khi đi qua những chỗ vắng. Song đó chẳng qua là tiếng bước chân của chính mình và tự tưởng tượng ra các thứ gây ảo giác, sợ sệt. Nếu chúng ta làm điều thiện, điều lành thì sẽ không có gì phải sợ. Với người yếu bóng vía tốt nhất không nên đi một mình đến chỗ vắng.
Đêm ngủ có người gọi tên không nên thưa
Trong tháng “cô hồn”, dân gian kiêng rằng khi đi chơi đêm cần tuyệt đối tránh gọi tên nhau nếu không muốn ma quỷ ghi nhớ tên người được gọi hoặc đêm ngủ có người gọi tên không nên thưa sẽ bị ma quỷ rụ. Đa phần mọi người cho rằng, ban đêm là lúc ma quỷ ra đường nên cần tránh xa kẻo bị bắt mất hồn vía.
Ngoài ra, mọi người cho rằng tránh huýt sáo vào ban đêm. Khi đi bộ và cảm thấy hạnh phúc, bạn có thể bắt đầu một cách vô thức huýt sáo hay hát một giai điệu nào đó. Theo những người lớn tuổi, làm như vậy chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của những linh hồn lang thang, sau đó bám theo bạn về nhà.
Theo các nhà tâm linh, quan niệm này không có cơ sở khoa học. Đó có thể là cách người xưa nhằm mục đích giáo dục mọi người không nên đi đêm. Không phải chỉ tháng 7 Âm lịch mà tháng nào mọi người cũng không nên đi quá khuya.
Những kiêng kị này xuất phát từ việc ban ngày lo nghĩ, hoảng loạn, đêm đến ảnh hưởng tâm lý. Bởi ngày lo nghĩ, nhắc gì nhiều về điều gì khi nằm ngủ rất dễ tái hiện lại.
Gội đầu, tắm ban đêm
Tháng “cô hồn” nhiều nơi kiêng không gội đầu, tắm vào ban đêm vì để tóc ướt ra đường bị ma giật tóc, tạo điều kiện cho cô hồn xâm nhập hoặc quậy phá. Thực tế, các bác sĩ khuyến cáo những người bình thường, nhất là với những người già hay phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ… không nên gội đầu, tắm đêm kể cả bằng nước nóng để tránh bị cảm lạnh, đau đầu.
Theo khoa học, đêm nhiệt độ thường thấp hơn ngày, việc tắm gội cùng lúc có thể dẫn đến bị cảm, thậm chí đột quỵ. Khi tắm gội vào đêm, tóc ướt sẽ bay hơi mang theo một nhiệt lượng lớn khiến đầu bị lạnh, các mạch máu não bị co lại đột ngột giảm tuần hoàn não, xuất hiện hiện tượng thiếu máu não dẫn đến đột quỵ, bất tỉnh, hôn mê. Không ít trường hợp vì không được phát hiện kịp thời và sơ cứu đúng cách đã nguy hiểm đến tính mạng.
Thức quá khuya
Việc thức quá khuya rất dễ bị nhiễm “quỷ khí” trong tháng “cô hồn”, nhất là với phụ nữ mang thai là điều kiêng kỵ đang được nhiều người truyền nhau. Thực ra, việc thức quá khuya là điều không tốt cho sức khỏe dù ở bất kỳ thời điểm nào chứ chẳng phải mỗi tháng “cô hồn” như truyền tai.
Thức khuya không chỉ khiến bạn bị thiếu ngủ mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như tăng cân, bệnh tim, tiểu đường, thậm chí đột quỵ. Với những phụ nữ mang thai việc thức quá khuya còn khiến mẹ bầu bị đau đầu, căng thẳng, ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Hơn nữa, việc thai phụ còn thức và đi lại lúc đêm khuya cũng dễ gặp phải chứng phong hàn do gió độc gây ra. Tốt nhất, thai phụ nên ngủ trước 23 giờ đêm, ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày và có thêm 30 phút -1 giờ nghỉ trưa.
Ngoài ra, rất nhiều người kiêng không lái xe vào ban đêm tháng “cô hồn”. Họ sợ sự va chạm, xúc phạm tới quỷ thần và có thể reo rắc vận rủi sau này. Trong tháng 7, nhiều người cũng kiêng không nên chải tóc, soi gương vào ban đêm… vì sẽ bị ma quỷ lôi đi hay bị ám ảnh vì những điều kinh dị.
Về những điều này, theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, mọi người cần sáng suốt nhìn nhận không nên quá kiêng khem, sinh mê tín. Chẳng có cơ sở nào cho thấy nếu chúng ta không kiêng kị thì gặp xui xẻo cả. Đây đều là những quan niệm dân gian, lâu dần trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức vì truyền tai nhau lâu.
Tháng nào trong năm cũng như nhau, nếu chúng ta sống bằng tâm, đức, không lừa lọc đâu cần thiết phải lo lắng, sợ hãi hay phải kiêng kỵ điều gì. Thường con người ta tâm bất an, làm việc không được tốt, dễ đổ vỡ khi quá lo lắng, sợ thất bại hay tâm lý bất ổn. Từ đó, tâm lý lại đổ cho tháng “cô hồn”.
Thay vì làm những điều kiêng kỵ không có cơ sở, mọi người nên làm điều thiện, tích đức, báo hiếu cha mẹ, đặc biệt trong tháng Vu Lan này. Nếu tin vào bản thân mình thì mọi việc chắc chắn sẽ thuận lợi, tin vào những điều tốt lành sẽ có thể đẩy lùi cái xấu cái không may mắn.
Tháng nào trong năm cũng như nhau, nếu chúng ta sống tốt không phải lo lắng, sợ hãi hay phải kiêng kỵ điều gì. Con người nếu làm việc không tốt, dễ đổ vỡ khi quá lo lắng, sợ thất bại hay tâm lý bất ổn. Từ đó, tâm lý bất ổn lại đổ cho tháng “cô hồn”. Thay vì làm những điều kiêng kỵ không có cơ sở, mọi người nên làm điều thiện, tích đức, báo hiếu cha mẹ, đặc biệt trong tháng Vu Lan. Nếu tin vào bản thân mình thì mọi việc chắc chắn sẽ thuận lợi, tin vào những điều tốt lành sẽ có thể đẩy lùi cái xấu, cái không may mắn. GS.TS Ngô Đức Thịnh |