Không tập trung trong giờ học, lôi iPad ra học bài không liên quan, thầy nhắc nhưng vẫn tái phạm... đó là những chuyện mà thầy giáo Khắc Hiếu cho là gặp 'ác mộng' khi thấy 2 bạn sinh viên.
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu lâu nay nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên cả nước về độ 'hot boy' và cách nói chuyện vô cùng có duyên, hấp dẫn người nghe. Thế nhưng vị tiến sĩ Tâm lý học, trường đại học Sư phạm TP.HCM này mới đây cũng phải chịu "bó tay" trước 2 bạn sinh viên. "Trước giờ ác mộng của tui hay gắn với ma, với cọp hay bị đụng xe, té lầu. Giờ lần đầu ác mộng thấy... 2 bạn sinh viên", thầy Khắc Hiếu tếu táo chia sẻ.
Thầy kể về bạn thứ nhất là một nữ sinh viên:
"Vào giờ học, bạn ý của ngồi hý hoáy dán mắt vào màn hình cái tab mới mua. Mình biết là đồ mắc tiền mới mua thì hí hửng lắm nên chắc mang ra chọc ngoáy. Mình ngừng giảng bước xuống tận nơi ghé mắt xem và hỏi: "Em đang đọc gì mà vui thế, cho thầy đọc với" (là một cách nhắc khéo), thì ra bạn ý đang xem một tài liệu gì đó chả liên quan đến cái môn này.
Thầy giáo Khắc Hiếu chuyên gia "tháo gỡ chuyện khó đỡ" cũng đôi khi phải lên tiếng vì những sinh viên không biết nghe lời.
Bắt đầu cảm thấy tổn thương. Bạn ý nhìn mình cười cười. Mình nghĩ chắc sau hành động này em ấy hiểu ý mình rồi nên bước lên bục giảng tiếp. Vừa quay xuống nhìn thì cô ta... vẫn ngồi dán mắt vô cái màn hình như chưa có chuyện gì xảy ra. Thật sự hành động đó gây tổn thương cho mình ghê gớm.
Mình kiềm lòng bông đùa vài câu về cái sự lo xa của bạn ấy, về cái tab đắt tiền ấy, về sự tổn thương của mình... theo kiểu vui vui cho giải tỏa cảm xúc rồi mời bạn ấy đứng lên phát biểu (cách nhắc nhở lần 2).
Trả lời xong bạn ý ngồi xuống và cũng gập màn hình lại. (Phù)... Vậy là biện pháp nhắc khéo lần 2 có tác dụng. Thoải mái chưa đầy 1 phút sau, cô sinh viên dễ thương đó lại lôi cái tab ra... vô tư hý hoáy mặc dù giảng viên đang giảng và cả lớp đang lắng nghe rất chăm chú tập trung.
Tự xem lại bản thân xem bài có quá dở hay không mà cô ấy lại đối xử với giảng viên như vậy? Nội dung bài thực ra đang đến đoạn rất vui, quan sát nhanh cả lớp đang hào hứng, chỉ có cô ta vẫn dán mắt vào cái màn hình mặc kệ giáo viên và cả lớp. Mình tổn thương nặng, nặng lắm, và giảng trong một tâm trạng rất ít niềm vui.
Mình không muốn là một giảng viên cau có, khó chịu, vì 1 người mà làm chùng không gian cả lớp, càng không muốn đuổi cô ấy ra, mình chưa từng đuổi sinh viên nào ra khỏi lớp...".
Tiếp tục câu chuyện về bạn sinh viên thứ 2:
"Bạn 2 là một nam sinh viên. Bạn ấy có cái ipad mới lắm, ngồi hàng gần cuối nhưng ngồi ngay ở đầu bàn. Giáo viên đang giảng, sinh viên đang nghe, trả lời, đặt câu hỏi, thỉnh thoảng bật cười theo từng câu chuyện. Chỉ có bạn ý là mặt không biến sắc và rất tập trung bấm, lướt.
Mình hỏi, bạn trả lời: "Em đang ghi chép bài thầy ơi!". Ờ, thì ghi chép bài bằng ipad... Ờ...(Ai đã từng tỉ mỉ mất thời gian để gõ từng cái dấu trên ipad thì sẽ hiểu).
Sáng nay thức dậy, tâm trạng bớt vui. Mình sợ những sự kiện vừa rồi để lại dấu ấn quá sâu, sợ nó trở thành "một ký ức lõi" khiến mình trở nên chán ghét việc bước vào lớp học... Mình không muốn điều đó xảy ra".
Chuyện học sinh, sinh viên ngày nay dán mắt vào các thiết bị công nghệ, bỏ bê việc học hành đã không còn xa lạ trong thời đại công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, ham đến mức mà để thầy nhắc mấy lần vẫn dửng dưng, hồn nhiên thì quả đúng là ác mộng không chỉ đối với riêng thầy Khắc Hiếu.
Lời cuối cùng, thầy giáo "hot boy" nhắn nhủ "Ai đang là sinh viên hay học sinh, nếu không muốn làm tổn thương những người thầy, người cô có tâm hồn mong manh dễ vỡ như tui thì làm ơn:
- Đừng ngồi trên lớp mà vọc đồ công nghệ. Lớp học không phải chỗ để khoe giàu, giải trí, chơi game. Năng suất lao động của người Việt Nam ta đang hàng thấp nhất Đông Nam Á, nên thời gian là thứ quý giá để tận dụng cho việc phát triển bản thân mình.
- Giáo viên và lớp đang tập trung chăm chú, đừng bấm viết lách tách, quay quay điện thoại, quay quay bút thước. Nó làm rối mắt giáo viên, phân tán người ngồi cạnh, và những hành động đó chẳng khác nào câu nói "Tôi đang chán phèo đây, ông bà im miệng lại giùm tôi".
- Khi giáo viên đang triển khai bài học và nỗ lực mở mang kiến thức cho người học, xin đừng vô tình ngồi bấm bấm điện thoại nhắn tin cho "gấu", đừng vô tình nằm ngủ vô tư vì tối qua thức khuya lướt net xem phim. Nếu bận, hãy ở nhà và trả lớp học về đúng với tinh thần của nó.
Sinh viên lớn rồi, còn nhỏ nhặn gì nữa đâu".
"Hãy đọc tài liệu công bố của ILO để hiểu: Năng suất lao động của 1 người Singapore = 15 người Việt Nam, 1 người Malaysia = 5 người Việt, 1 người Hàn = 10 người Việt, 1 người Thái = 2,5 người Việt... Để xã hội tương lai khá hơn, tất cả đang trông chờ vào sự nỗ lực của thế hệ trẻ chúng ta bạn ạ! Nếu không vì cái đất nước này, ít ra cũng hãy vì mình, vì một chút lịch sự với nhau". Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP.HCM. |