Thay vì phải mổ bang ngực, cưa xương ức giờ đây các bác sĩ chỉ cần tạo 2-3 lỗ nhỏ và đường rạch 3-5cm là có thể thay van hai lá cho bệnh nhân tim.
Thay van tim không cần mở lồng ngực
Đây là kỹ thuật nội soi van tim lần đầu tiên đã được thực hiện thành công tại Việt Nam. Bệnh nhân là anh Đoàn Ngọc Thống, 38 tuổi ở Thanh Hóa. Cách đây 2 năm anh Thống phát hiện mắc bệnh lý hẹp và hở van tim với các triệu chứng thường xuyên bị mệt, khó thở và đau ngực. Việc điều trị nội khoa của bệnh nhân không còn đáp ứng được, sức khỏe ngày một suy yếu. Bệnh nhân được chuyển ra Viện Tim mạch, BV Bạch Mai trong tình trạng bệnh van tim đã gây biến chứng suy tim độ 2-3. Anh Thống bắt buộc phải thay van tim nhân tạo nếu không rất dễ tử vong vì suy tim.
Các bác sĩ của Viện Tim mạch quyết định thay van tim cho bệnh nhân bằng kỹ thuật nội soi. Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch – người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết: “Nếu thay van tim bằng phương pháp mổ truyền thống, bác sĩ sẽ mổ cưa xương ức dài 20-30 cm banh ngực để tiếp cận buồng tim sau khi đã cho tim ngừng đập và chạy máy tim phổi nhân tạo. Tuy nhiên với kỹ thuật nội soi tim, chỉ cần tạo 2-3 lỗ và đường mở 3cm bên ngực phải để đưa van tim nhân tạo vào trong cơ thể. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi phải có những dụng cụ phẫu thuật chuyên biệt”.
Chỉ cần một đường rạch 3 cm bên phải ngực để thay van tim thay vì mổ mở ngực (Ảnh Mai Hương)
Ca phẫu thuật nội soi thay van tim cho bệnh nhân Thống được thực hiện hôm 23.3, kéo dài 3 giờ đã thành công tốt đẹp. Bệnh nhân tỉnh ngay sau ca phẫu thuật và chỉ sau 6 giờ đã rút được ống thở. Đến hôm nay 29.3, bệnh nhân đã được xuất viện, sức khỏe hồi phục tốt.
Bệnh nhân được lợi nhiều từ kỹ thuật mới
Kỹ thuật nội soi van tim so với kỹ thuật mổ mở đã đem lại rất nhiều lợi thế cho bệnh nhân. Theo BS Dương Đức Hùng, mổ mở chính là cách tạo ra gãy xương giả tạo, sau đó dùng chỉ khâu kim loại buộc lại. Để liền xương người bệnh phải mất 3-4 tháng và dù đã liền nhiều trường hợp bệnh nhân vẫn bị đau khi thay đổi thời tiết. Bệnh nhân mổ mở cũng có nguy cơ gặp một loạt biến chứng nguy hiểm như chảy máu, nhiễm trùng, viêm xương sau mổ. Trước đây, nhiều bệnh nhân cần thay van tim nhưng bác sĩ không thể phẫu thuật vì sức khỏe quá yếu, tuổi đời cao dễ có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ.
Ngoài ra, thay van tim bằng mổ mở còn gặp một hạn chế nữa là vấn đề thẩm mỹ. “Bệnh nhân nữ sau khi thay thay van tim họ thoát khỏi bệnh nhưng lại bị mặc cảm bởi mang một vết sẹo dài hàng chục cm ngay giữa ngực”, bác sĩ Hùng cho biết.
Bệnh nhân Thống hồi phục sức khỏe tốt và được xuất viện ngày 29.3 (Ảnh Mai Hương)
Kỹ thuật nội soi van tim đã khắc phục được các nhược điểm của phương pháp mổ mở truyền thống. Do vết mở bên ngực phải rất nhỏ (chỉ 3cm) nên bệnh nhân bị mất máu không đáng kể, không phải truyền máu. Một ca kỹ thuật nội soi thay van tim kéo dài hơn ca mổ bình thường 2 giờ nhưng bệnh nhân ít có cảm giác đau và thời gian hồi phục nhanh hơn nhiều.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện tim mạch, với lợi thế là ít xâm lấn phẫu thuật nội soi được ứng dụng khá phổ biến trong phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên được triển khai trong phẫu thuật tim và Việt Nam cũng là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thực hiện thành công kỹ thuật này. Dự kiến, sau bệnh nhan Thống Viện Tim mạch sẽ tiến hành thực hiện thường quy kỹ thuật nội soi tim trong điều trị các bệnh lý van tim khác như thay, sửa van tim hai lá, lấy khối u nhầy trong tim, vá lỗ thông liên nhĩ …
Theo bác sĩ Dương Đức Hùng, mỗi năm riêng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch phẫu thuật khoảng 1.000 ca thay, sửa van tim. Đối với bệnh lý hở van tim nói chung, giai đoạn nhẹ người bệnh chỉ khó thở nhẹ khi làm việc gắng sức nên đến cơ sở chuyên khoa để được tư vấn chế độ sinh hoạt và điều trị phù hợp. Nếu bệnh nhân đi khám muộn sẽ bị biến chứng suy tim, lúc này điều trị nội khoa sẽ không đáp ứng được mà phải phẫu thuật chữa hở van tim hoặc thay van tim nhân tạo. |