Đã có 118 quốc gia và khu vực trên thế giới xác nhận có người nhiễm COVID-19, trong đó nhiều nhất vẫn là Trung Quốc, sau đó là Ý, Iran và Hàn Quốc.
Xem thêm clip: Ý phong tỏa cả nước trước sự bùng phát của dịch COVID-19.
Tính đến 9h sáng ngày 11/3, trên thế giới đã có tổng cộng 117.715 người nhiễm COVID-19, 4.288 người tử vong, 65.893 người được chữa khỏi. Dịch bệnh này vẫn đang lây lan mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu dừng lại. 118 quốc gia và khu vực được xác nhận có người nhiễm COVID-19. Chính phủ và giới chức các nước đang chung tay đưa ra những biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Trung Quốc: 80.778 ca nhiễm bệnh nhưng cơ bản đã kiểm soát được dịch
Trung Quốc là nơi bùng phát dịch bệnh, cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 80.778 ca nhiễm bệnh, 3.158 người tử vong, tính đến 9h sáng ngày 11/3. Quốc gia này chiếm hơn 90% ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới.
Dịch COVID-19 bắt đầu từ khoảng giữa tháng 12/2019, khi một người đàn ông 61 tuổi, sống tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã tử vong do viêm phổi nặng dẫn đến tim ngừng đập. Người đàn ông này thường xuyên ra vào chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Ngay sau đó, hàng chục người liên tục mắc phải loại virus bí ẩn dẫn tới viêm phổi, điều đáng nói là tất cả họ đều từng đến chợ hải sản Hoa Nam. Do đó, các chuyên gia tin rằng khu chợ này chính là nơi bùng phát của dịch bệnh.
Bên trong chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán.
Chỉ vài ngày sau khi có người đầu tiên tử vong vì COVID-19, Trung Quốc liên tục tiếp nhận các ca bệnh, số lượng tăng lên theo cấp số nhân khiến nước này phải ban bố tình trạng y tế khẩn cấp. Hàng loạt tỉnh thành phải phong tỏa và cách ly, các trường học, doanh nghiệp đóng cửa, người dân được khuyến cáo ở trong nhà để tránh lây nhiễm chéo, bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường, mọi hoạt động tụ tập đều bị hủy bỏ. Nhiều bệnh viện dã chiến đã được xây dựng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu quá tải. Các bác sĩ được luân chuyển tới vùng có nhiều người nhiễm bệnh như Vũ Hán, Thâm Quyến, Quảng Châu... để hỗ trợ người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Nhờ những biện pháp cứng rắn và dứt khoát, đến nay Trung Quốc gần như đã kiểm soát được dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới WHO ghi nhận tình hình tại Trung Quốc: Các bệnh viện bắt đầu giảm tình trạng quá tải, số ca nhiễm virus mới giảm liên tục, số người được chữa khỏi tăng nhanh. Báo cáo của WHO hôm 28/2 ghi rõ: "Cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 đã giúp đảo ngược một trận dịch chết chóc và lây lan nhanh. Số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc giảm đi là sự thật".
Trung Quốc là ổ dịch lớn nhất thế giới.
Mặc dù ghi nhận quyết tâm chống dịch của Trung Quốc, WHO cũng lưu ý một số lĩnh vực nước này cần cải thiện, bao gồm "công bố rõ ràng hơn các dữ liệu quan trọng cũng như diễn biến dịch cho cộng đồng quốc tế".
Trong ngày 10/3, Trung Quốc ghi nhận thêm 24 ca nhiễm COVID-19, tăng nhẹ so với ngày 9/3 chỉ có 19 ca nhiễm. Số người tử vong trong ngày 10/3 là 22 người, toàn bộ đều ở tỉnh Hồ Bắc.
Hàn Quốc: Một giáo phái lây cho cả nghìn người, số người nhiễm liên tục tăng
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết sáng 11/3, nước này hiện có tổng cộng 7.755 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 60 người tử vong. Từ ngày 10/3 đến 11/3, Hàn Quốc có thêm 242 ca nhiễm bệnh và con số này dường như chưa có dấu hiệu suy giảm.
Người dân xếp hàng mua khẩu trang trước một trung tâm mua sắm ở Daegu.
Khoảng 63% các ca nhiễm tại Hàn Quốc liên quan đến nhánh của giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu, thành phố lớn thứ tư tại nước này với 2,5 triệu dân. Mọi việc bắt đầu từ sau khi "bệnh nhân số 31" được phát hiện đã siêu lây nhiễm cho những tín đồ của giáo phái này khi cùng tham gia tại một nhà thờ ở Daegu, khiến hơn 210.000 thành viên giáo phái vào diện phải xét nghiệm. Từ sau đó, hàng nghìn người đã được phát hiện dương tính với COVID-19, chủ yếu tập trung tại thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, hiện đang có dấu hiệu bùng phát tại thủ đô Seoul.
Hôm 1/3, Văn phòng công tố Seoul đã bắt giữ ông Lee Man-hee, người sáng lập cũng là thủ lĩnh của giáo phái Tân Thiên Địa với cáo buộc giết người, cố ý gây thương tích, vi phạm luật phòng ngừa bệnh truyền nhiễm. Hôm 2/3, ông Lee Man-hee đã quỳ gối trước công chúng Hàn Quốc để xin lỗi và xin tha thứ.
Hàn Quốc thực hiện mọi biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Do số lượng ca nhiễm bệnh tăng quá nhanh, chính quyền Hàn Quốc đã không kịp đối phó. Những thành phố bị ảnh hưởng xấu nhất của dịch bệnh hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giường, cơ sở vật chất và thiếu cả nhân viên y tế. Hai tuần trước, 16 trong số 100 y tá tại Trung tâm y tế Pohang, tỉnh Gyeongsang Bắc, đã xin từ chức với lý do làm việc quá tải và những lý do cá nhân khác, khiến chính quyền tỉnh Gyeongsang Bắc phải cử 15 y tá khác tới thay thế. Chính quyền thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc phải tăng lương cho các y bác sĩ thì mới có đủ nhân lực phục vụ dịch bệnh.
Ý: Phong tỏa cả nước, tăng 977 ca nhiễm trong một ngày
Ý hiện đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Âu. Tính đến 9h sáng ngày 11/3, nước này đã có 10.149 ca nhiễm, tăng 977 ca so với ngày 10/3; 631 ca tử vong.
Ý hiện là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới.
Hôm 9/3, chính quyền Ý ra quyết định phong tỏa toàn bộ lãnh thổ cả nước, hơn 60 triệu dân đặt trong tình trạng cách ly khi chính phủ đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19. Thủ tướng Ý ông Giuseppe Conte đã đã mở rộng các biện pháp đối phó virus corona trên toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà và cấm mọi hoạt động tụ tập nơi công cộng. Các biện pháp chưa từng có tiền lệ được áp dụng trên toàn quốc, tác động đến hơn 60 triệu người - quy mô tương đương với tâm điểm dịch tỉnh Hồ Bắc bị Trung Quốc phong tỏa.
Từ sau quyết định phong tỏa, nước Ý trở nên vắng tanh vắng ngắt, rất ít người ra khỏi nhà, mọi địa điểm du lịch nổi tiếng đều vắng khách. Nhiều chuyến bay nội địa lẫn quốc tế đã bị hủy tại Sân bay Milan Malpensa. Chính phủ Ý lập nhiều chốt kiểm dịch tại nhà ga, sân bay, trường học và các địa điểm công cộng khác để kiểm tra thân nhiệt cho người dân. Các bác sĩ làm việc cật lực để cứu chữa người bệnh, nhiều bác sĩ tại các bệnh viện phải đau đớn đưa ra lựa chọn cứu chữa những người có tỷ lệ sống sót cao hơn bởi sự thiếu hụt cơ sở vật chất.
Nước Ý vắng lặng như tờ trước dịch COVID-19.
Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn lời của Ngoại trưởng Ý Luigi Di Mayo: "Tình hình dịch bệnh tại Ý hiện đang hết sức nặng nề. Ý nghiên cứu kỹ kinh nghiệm chống dịch thành công của Trung Quốc. Ý đang gặp khó khăn do thiếu hàng hóa và trang thiết bị y tế, hy vọng rằng phía Trung Quốc sẽ giúp giải quyết vấn đề cực kỳ nghiêm trọng này".
Iran: Điểm nóng COVID-19 thứ 3 thế giới
Iran hiện đang là điểm nóng nhất của dịch COVID-19 tại Trung Đông. Tính đến 9h sáng ngày 11/3, quốc gia này có 8.042 ca nhiễm bệnh và 291 trường hợp tử vong, cao thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ý.
Hôm 4/3, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết các tỉnh thành của nước này. Ông Hassan Rouhani nhấn mạnh Iran sẽ cố gắng vượt qua dịch bệnh này bằng cách giảm số ca tử vong xuống mức tối thiểu. Rất nhiều các bác sĩ và y tá của nước này đã được huy động để dồn toàn lực vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Iran đã có hơn 8.000 ca nhiễm bệnh.
Mới đây, ít nhất 27 người Iran đã tử vong vì uống cồn để diệt COVID-19. "Một số cư dân Ahwaz nghe nói uống rượu có thể giúp họ đánh bại virus corona, vậy nên họ dùng cách này để ngừa bệnh", người phát ngôn Đại học Y Ahwaz, ông Ali Ehsanpour nói với hãng thông tấn Mehr.
Sự việc này bắt nguồn từ những thông tin không chính thống trên mạng xã hội Iran, nói rằng uống rượu có thể phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, vì đồ uống có cồn bị cấm tại Iran nên một số người đã mua cồn tại chợ công nghiệp về uống, cuối cùng tử vong vì ngộ độc cồn. Ít nhất 218 người nhập viện vì ngộ độc cồn được ghi nhận tại các trung tâm y tế ở các tỉnh Khuzestan và Alborz của Iran.
Tây Ban Nha: Một nghị sĩ nhiễm bệnh, các trường học đóng cửa
Tây Ban Nha hiện có 1.622 ca nhiễm COVID-19, 36 trường hợp tử vong, tính đến 9h sáng ngày 11/3, trở thành "ổ dịch" lớn thứ 5 trên thế giới. Tại thủ đô Madrid, số ca mắc bệnh đã tăng gần gấp ba trong 24 giờ, từ 202 lên 577 ca. Basque hiện là khu vực chịu ảnh hưởng lớn thứ hai của Tây Ban Nha với 149 trường hợp nhiễm bệnh.
Tây Ban Nha cũng là một trong số nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề.
Hôm 4/3, giới chức Tây Ban Nha xác nhận trường hợp đầu tiên tại nước này đã tử vong vì nhiễm COVID-19 từ ngày 13/2. Sau đó, quốc hội Tây Ban Nha đã phải đóng cửa sau khi nghị sĩ của đảng Vox, ông Javier Ortega Smith được xác nhận dương tính với COVID-19. Các thành viên của đảng này hiện đang phải tự cách ly.
Hôm 10/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết: “Chính quyền nhất trí đóng cửa tất cả khối lớp từ mẫu giáo đến đại học trong 2 tuần kể từ ngày mai (11/3)". Chính quyền cũng khuyến cáo người dân không nên ra ngoài khi không cần thiết, tự có ý thức bảo vệ bản thân, tự cách ly nếu có tiếp xúc với người nhiễm bệnh, đến ngay cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu của dịch bệnh.
Pháp: 1.606 người nhiễm, Bộ trưởng Văn hóa dương tính với COVID-19
Tính đến 9h sáng ngày 11/3, tại Pháp đã có 1.606 người nhiễm bệnh, trong đó có 30 người tử vong. Tối 7/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia để đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp ứng phó dịch bệnh.
Pháp hiện đã cấm các cuộc tụ tập trên 1.000 người. Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết đã chuẩn bị các biện pháp cần thiết để đối phó với dịch COVID-19, bao gồm cả hạn chế sự lây lan và giảm thiểu tối đa hậu quả của dịch bệnh. Ưu tiên của chính phủ Pháp là áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người già và trẻ em.
Pháp đã đóng cửa nhiều trường học trước sự bùng phát của dịch COVID-19.
Hôm 10/3, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester được xác nhận dương tính với COVID-19, ông hiện đang cách ly và điều trị tại nhà.
Trên trang mạng xã hội Twitter của mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo: "Tôi kêu gọi các đối tác châu Âu nhanh chóng hành động để điều phối các biện pháp y tế, nỗ lực nghiên cứu và phản ứng kinh tế".
Nhiều quốc gia tăng cường phòng chống dịch bệnh
Đức, Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Na Uy hay Anh cũng là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Đức hiện có 1.296 người nhiễm, 2 người tử vong. Mỹ có 728 người nhiễm bệnh và 29 người tử vong. Thụy Sĩ có 476 người nhiễm, 3 người tử vong. Na Uy có 382 người nhiễm, 4 người tử vong. Và Anh có 373 người nhiễm, 6 người tử vong.
Tại châu Á, một số quốc gia và khu vực ngoài Trung Quốc có người nhiễm COVID-19 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, Philippines, Việt Nam... Gần phân nửa trên tổng cộng 195 quốc gia được Liên Hiệp Quốc công nhận trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nhiều quốc gia khác trên thế giới như Myanmar, Brunei, Lào, Mông Cổ, Cuba, Barbados, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan... tuy chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm COVID-19 nhưng vẫn tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Kiểm tra thân nhiệt người dân, theo dõi sát sao lịch sử đi lại, hạn chế du lịch, đóng cửa biên giới, hủy sự kiện đông người...