Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế xác nhận, bé gái V.Đ.T.V (6 tháng tuổi, Lục Nam, Bắc Giang) tử vong sau tiêm vắc xin là do tim bẩm sinh.
Ông Phu cho biết, ngay trong sáng nay (21/3), Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Bắc Giang đã họp để tìm hiểu nguyên nhân tử vong sau tiêm vắc xin của bệnh nhi.
Theo ông Phu, Hội đồng kết luận, bệnh nhi V.Đ.T.V tử vong do hội chứng thiếu máu nặng và tim bẩm sinh.
Ông Phu cũng cho biết, đối với trường hợp này, trước khi tiêm trẻ đã được khám sàng lọc trước đó, tuy nhiên việc khám sàng lọc lâm sàng không thể phát hiện bệnh tim bẩm sinh. Bệnh này chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm.
"Tuy nhiên, không phải mỗi lần đi tiêm lại phải xét nghiệm cho trẻ, mà việc phối hợp của gia đình với các cơ sở y tế khi đưa trẻ đến tiêm chủng góp phần rất quan trọng". Ông Phu nhấn mạnh.
Vắc xin Quinvaxem
Cụ thể, bên cạnh việc trẻ được khám sàng lọc trước khi tiêm, gia đình đưa trẻ đến tiêm cần trao đổi lại với nhân viên y tế về tiền sử bệnh hoặc các dấu hiệu bất thường trước đó của trẻ để nhân viên y tế chỉ định có tiêm vắc xin hay không. Đặc biệt, sau khi tiêm phải giữ trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng 30 phút để theo dõi.
Trước đó, bé gái V.Đ.T.V tiêm vắc xin Quinvaxem lúc 10h sáng ngày 19/3. Tại thời điểm được tiêm chủng, bệnh nhi khỏe mạnh, không có biểu hiện bệnh lý. Sau tiêm, trở về nhà khoảng 3h đồng hồ bệnh nhi xuất hiện các biểu hiện bất thường gồm toát nhiều mồ hôi, người vật vã, tím tái. Thấy con có hiện tượng lạ, gia đình đã đưa bé đến bệnh viện huyện khám nhưng không qua khỏi.
Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, nơi bé V tử vong. (Ảnh: Lê Phương)
Được biết, ngay khi bé V tử vong, cơ quan chức năng huyện Lục Nam đã nghị khai quật tử thi để mổ xác tìm nguyên nhân, nhưng gia đình họp bàn không đồng ý và gia đình đã được yêu cầu viết cam kết không khiếu kiện. Đây là ca tử vong thứ hai sau tiêm vắc xin Quinvaxem trong năm 2014.
Trước đó, vào khoảng 10h ngày 14/1, cháu T.L.N (2,5 tháng tuổi), con chị L.T.N.H, ở Đa Phú, phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng được gia đình đưa đến Trạm Y tế phường 7 để tiêm Quinvaxem và uống vắc xin Sabin (phòng bệnh bại liệt). Chiều cùng ngày, thấy cháu quấy khóc nên gia đình đưa trở lại Trạm Y tế phường 7 theo dõi, sau đó thấy sức khỏe cháu tạm ổn nên cho về nhà.
Đến khoảng hơn 7h ngày 15/1, cháu N. bỏ bú, người tím tái. Gia đình lại đưa cháu đến Trạm Y tế phường 7 sơ cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu. Tuy nhiên, đến 15h30 phút cùng ngày, Bệnh viện tiên lượng cháu N. khó qua khỏi, gia đình xin đưa cháu về nhà và cháu tử vong sau đó.
Theo Cục Y tế dự phòng, khi sử dụng vắc-xin có thể xảy ra phản ứng do những nguyên nhân khác nhau. Việc xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nói trên là đáng tiếc. Tuy nhiên, việc tiêm chủng vắcxin phòng bệnh cho trẻ em là cần thiết để bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng, chủ động phòng ngừa không để dịch bệnh xảy ra.
Vắc xin Quinvaxem bắt đầu được sử dụng từ năm 2006 và đến nay đã có hơn 90 quốc gia, với hơn 400 triệu liều vắc xin tiêm được dùng. WHO từng khuyến cáo vắc xin Quinvaxem có thể gây ra phản ứng hạn chế như sốt hoặc phản ứng cục bộ như viêm tại chỗ tiêm trong một tỷ lệ nhỏ trẻ sơ sinh được tiêm phòng.