Thi đại học ở TQ: Những chuyện cười ra nước mắt

Ngày 09/06/2014 16:34 PM (GMT+7)

Kỳ thi đại học lớn nhất và có sức ép khủng khiếp nhất hành tinh ở Trung Quốc đã chứng kiến nhiều câu chuyện bi hài.

Kỳ thi đại học năm 2014 ở Trung Quốc vừa mới kết thúc với sự tham gia của 9,39 triệu thí sinh, tăng 3% so với năm ngoái. Trong số đó, chỉ có 6,98 triệu thí sinh được chọn vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn Trung Quốc trong năm nay.

Với sức ép khủng khiếp như vậy, kỳ thi đại học ở Trung Quốc cũng chứng kiến nhiều câu chuyện bi hài cười ra nước mắt.

Thi đại học ở TQ: Những chuyện cười ra nước mắt - 1

Các sĩ tử hoàn thành kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất hành tinh

Tại một số thành phố ở Trung Quốc, tình hình tắc đường nghiêm trọng đến mức các bậc phụ huynh rộ lên mốt đặt sẵn phòng khách sạn ngay cạnh trường thi cho con, bất kể nhà họ ở gần hay xa địa điểm thi.

Đây cũng là dịp “hái ra tiền” của các khách sạn lớn nhỏ ở Trung Quốc, và họ thi nhau tung ra những gói dịch vụ để thu hút gia đình sĩ tử, chẳng hạn như dịch vụ lưu trú kèm ăn sáng cho 3 người, hoặc cho các sĩ tử thuê phòng nghỉ tạm giữa các môn thi với giá 1.678 nhân dân tệ (5,6 triệu đồng) một đêm.

Yang Shutong, một sinh viên từng đi thi đại học vào năm 2012 cho biết bố mẹ cô cũng đặt cho cô một phòng khách sạn ngay cạnh trường với giá “cắt cổ”, mặc dù họ hàng cô có nhà ngay cạnh địa điểm thi, và cô đến trọ ở đó trong suốt kỳ thi.

Cô Yang giải thích: “Các bậc phụ huynh như phát cuồng và làm mọi thứ, kể cả không cần thiết, để đảm bảo 100% rằng con em mình sẽ không bị muộn giờ thi.”

Thi đại học ở TQ: Những chuyện cười ra nước mắt - 2

Phụ huynh chụp ảnh lia lịa khi con vừa bước ra khỏi cổng trường

Còn tại thành phố Trùng Khánh, ban quản lý một tòa nhà chung cư 15 tầng đã ra lệnh cho cư dân của tòa nhà tạm ngừng sử dụng thang máy trong thời gian diễn ra kỳ thi đại học để một thí sinh có thể được nghỉ ngơi yên tĩnh.

Căn hộ của thí sinh này nằm ngay cạnh thang máy, và bố mẹ của thí sinh đã đề nghị ban quản lý tòa nhà đưa ra mệnh lệnh trên vì lo sợ rằng tiếng ồn phát ra từ thang máy sẽ khiến con họ không thể tập trung ôn bài và nghỉ ngơi được.

Dù dư luận Trung Quốc lên tiếng chỉ trích gia đình này vì họ đã để cả tòa nhà phải chịu khổ vì một cá nhân, song người dân trong tòa nhà thì lại tuyên bố họ chấp nhận điều đó, tất cả vì tương lai của cậu học sinh hàng xóm.

Cũng tại thành phố Trùng Khánh, một nữ sinh đi mua sắm ngay trước ngày thi đã bất cẩn bỏ quên giấy báo thi ngay trong cửa hàng. Cô chỉ nhận ra điều đó lúc kỳ thi sắp bắt đầu.

Thi đại học ở TQ: Những chuyện cười ra nước mắt - 3

Nữ sinh ôm chầm lấy cô giáo sau khi làm xong bài thi vào đại học

Trong tâm trạng hoảng sợ, cô gái đã gọi điện cầu cứu cảnh sát. Ngay lập tức, lính cứu hỏa đã được điều tới hiện trường và phá khóa cửa hàng đang đóng cửa trên để lấy giấy báo thi cho cô gái. Được biết nhà trường sẽ bồi thường thiệt hại cho cửa hàng sau sự cố này.

Còn tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhà trường cho trải những tấm thảm đỏ lớn để chào đón thí sinh đến dự thi. Họ còn cho một nhóm giáo viên mặc trang phục màu đỏ tượng trưng cho may mắn đến động viên các thi sinh bằng cách bắt tay hoặc ôm họ cùng những lời chúc làm bài tốt.

Tại tỉnh Giang Tô, sở giáo dục tỉnh này đã quyết định tổ chức riêng một kỳ thi cho hai học sinh bị thương trong một vụ tấn công bằng dao trên xe bus ngay trước giờ thi.

Thi đại học ở TQ: Những chuyện cười ra nước mắt - 4

Bố mẹ tặng hoa cho con ngay lúc vừa thi xong

Hai học sinh này bị đâm trọng thương khi tìm cách ngăn cản và tước dao của một người đàn ông đang điên cuồng đâm chém hành khách trên xe bus, và họ không thể đến dự kỳ thi đại học theo kế hoạch.

Hai học sinh này đã được tặng thưởng danh hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” và nhiều khả năng sẽ được cộng tới 20 điểm khi thi đại học nếu chính sách này được áp dụng ở Giang Tô giống như ở Bắc Kinh. Sau khi hai học sinh này bình phục, họ sẽ được dự thi một kỳ thi riêng do sở giáo dục tổ chức.

Thi đại học (hay còn gọi là cao khảo ở Trung Quốc) là con đường duy nhất cho hầu hết học sinh cấp ba được đặt chân vào giảng đường đại học trong nền giáo dục nặng về khoa cử như ở Trung Quốc. Đây là kỳ thi lớn nhất và cũng áp lực khủng khiếp nhất trên hành tinh, và nhiều thí sinh đã có hành vi tự sát vì không làm bài tốt trong kỳ thi này.

Theo Trí Dũng (CRI, SCMP) (Khampha.vn)
Nguồn:

Tin liên quan