Nhiều thí sinh cho rằng, do đây là môn thi cuối nên không gây áp lực nhiều.
Sáng nay, đợt 2 thi Đại học 2014 bước vào môn thi cuối. Thời tiết tại TP.HCM khá mát mẻ tạo hưng phấn cho thí sinh. Ngay từ sáng sớm, nhiều tuyến đường trên địa bàn kẹt cứng vì thí sinh đi thi quá đông. Tiếng chuông điểm, các thí sinh bước vào phòng thi một cách ổn định.
Môn Hóa học: Vừa sức thí sinh
Em Trần Đại Thành cho biết đề thi Hóa học khối B “dễ thở” hơn so với môn Toán và môn Sinh. Các câu hỏi hầu hết là phần em đã ôn luyện nên làm bài cũng khá tốt. Tuy nhiên, Thành cho rằng, đề Hóa học khối B khó hơn so với đề thi Hóa học khối A.
Sáng nay, thí sinh thi Đại học đã hoàn thành môn thi cuối
Em Hồng Minh Hưng cho rằng, đề thi Hóa học khối B không quá dài, có nhiều câu câu lý thuyết chỉ cần nắm kỹ kiến thức là có thể làm được. Đối với các câu về phần bài tập cũng không quá rắc rối. Hưng cho rằng những câu hỏi để phân loại thí sinh thuộc vào phần hữu cơ khiến em phải loay hoay trong cách trả lời. Em hoàn thành bài thi chừng 70%, phần còn lại, em đánh may rủi. “Em nghĩ chừng đó điểm là đã thành công trong kỳ thi này rồi”, Hưng nói.
Em Dương Thị Quỳnh Hoa nhận xét, so với đề Toán và đề Sinh thì đề Hóa học có phần dễ hơn hẳn. Một phần vì đề thi không quá khó, một phần vì là môn thi cuối nên em cảm thấy thoải mái hơn. Em cho rằng, đề thi năm nay không đến nỗi quá khó, nặng về phần lý thuyết và phần lý thuyết hơi dài. Em dự đoán sẽ đạt chừng 7, 8 điểm.
Ắt hẳn, kì thi này kết thúc sẽ có những nuối tiếc
Ngược lại với các thí sinh trên, em Lê Thị Hồ chia sẻ: “Em thấy đề Hóa học khối B có phần khó và các câu bài tập đòi hỏi thí sinh nhiều. Đề Hóa đợt 1 em nghĩ mình làm được chừng 80% nhưng đợt hai em nghĩ mình chỉ làm được chừng 55%”.
Em Dương Đại Nghĩa cũng cho rằng, đề thi môn Hóa Học khối B khó hơn hẳn so với đề Hóa học khối A. Tuy nhiên, đề cũng có phần “dễ thở” hơn so với đề thi năm ngoái. Mặc dù có chừng 25% bài thi không làm bài kịp nhưng trước khi nộp bài em vẫn phải đánh may rủi nhiều câu.
Môn Ngữ văn khối C: Có nhiều bất ngờ
Thí sinh Nguyễn Trần Diệu Hương cho hay: “Đề thi môn Ngữ Văn năm nay có khác so với những năm trước. Đề thi năm nay không có câu hỏi về phần tác gia khiến em cảm thấy hơi hụt hẫng. Thay vào đó, đề lại đưa ra ba đoạn thơ trong bài Đò Lèn của tác giả Nguyễn Duy và yêu cầu xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ. Bên cạnh đó, đề còn yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi là các từ “lảo đảo”, “thập thững” có vai trò gì trong việc thể hiện hình ảnh cô đồng và người bà. Và phần cuối cùng là đề thi đặt ra câu hỏi sự vô tâm của cháu và nỗi cơ cực của bà hiện qua những hồi ức nào? Người cháu đã bày tỏ nỗi niềm gì qua những hồi ức đó”. Hương cho rằng, đề thi năm khá hay bởi vừa yêu cầu thí sinh nắm rõ kiến thức đã học lại vừa có thể phát biểu chính kiến của mình.
Nhiều thí sinh nhận xét đề Ngữ văn khối C có nhiều bất ngờ
Em Nguyễn Văn Thường nhận xét, đề thi năm nay có nhiều điều bất ngờ. Đề thi không chỉ không có phần tác gia mà câu 2 chiếm 3 điểm cũng có nhiều điểm đặc biệt khi đưa ra một trích dẫn trong tác phẩm Đời thừa của tác giả Nam Cao: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kể giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. Từ đó, đề thi yêu cầu thí sinh về điều gì làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia. Có thể nói rằng, câu hỏi này chính là phần thể hiện đề thi đi theo thời sự. Bởi, hiện nay vấn đề Trung Quốc đang ỷ vào sức mạnh để chèn ép các đất nước xung quanh.
Có những ánh mắt buồn vì kì thi kết thúc không đúng như mong muốn
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh cho rằng, câu thứ 3 chiếm 5 điểm yêu cầu thí sinh cảm nhận về hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? Của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bên cạnh đó, đề thi còn yêu cầu bình luận các ý kiến: “Vẻ đẹp nổi bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng tình tứ” và “Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử”. Nhiều thí sinh cho rằng, câu hỏi về tác phẩm này không có gì mới đối với đề thi các năm trước. Mặc dù đây là tác phẩm hay, sông Hương cũng là dòng sông thơ mộng nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại như thế thì sẽ không còn hay nữa.
Môn Ngữ văn khối D: Nhiều thí sinh trúng tủ
Khi được hỏi về đề thi Ngữ văn khối D, nhiều thí sinh cho biết: “Đề thi không quá dài và cũng không quá bất ngờ. Tất cả các câu hỏi đều nằm trong kiến thức đã học ở chương trình 12. Tuy nhiên, bên cạnh những phần nắm rõ kiến thức, thí sinh cũng cần nêu được tâm tư, suy nghĩ của mình thì mới đạt được điểm cao”.
Nhiều thí sinh cho rằng "trúng tủ" đối với môn Ngữ văn khối D
Trong đề thi Ngữ văn khối D năm nay cũng không có câu hỏi về phần tác gia, thay vào đó là trích đoạn thơ hay nhất trong bài Đất nước của tác giả Nguyễn Đình Thi. Đề thi yêu cầu nêu lên được tâm tư, tình cảm của tác giả. Bên cạnh đó, đề thi yêu cầu nêu ý nghĩa tu từ của từ láy “rì rầm”. Và cuối cùng là Xác định các dạng của phép điệp trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng.
Đối với câu hỏi này, nhiều thí sinh cho rằng, đề thi như thế có thể gây thích thú đối với người làm bài. Những câu hỏi này không phải là quá dễ nhưng không phải là quá khó. Đối với những thí sinh học tủ thì chắc chắn câu hỏi này là trúng tủ. Tuy nhiên, đối với những thí sinh học theo cách đọc hiểu cũng có thể hoàn thành câu này tốt.
Trong khi đó, câu 2 chiếm 3 điểm lại đưa ra ý kiến: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Từ đây, đề thi hỏi thí sinh có đồng tình với ý kiến này không và yêu cầu viết một đoạn văn ngắn bày tỏ chủ kiến của mình. Có thể nói, đây là phần nghị luận buộc thí sinh phải tư duy và thể hiện được tầm hiểu biết cũng như tâm tư, tình cảm của mình. Đây cũng chính là câu hỏi để thí sinh có thể “phăng” ý của mình.
Một vài thí sinh san sẻ cơm trưa trước khi ra về
Trong khi đó, nhiều thí sinh cho biết khá bất ngờ khi đề thi năm nay lại có yêu cầu cảm nhận về hình tượng Lor-ca trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của tác giả Thanh Thảo. Đây là một bài thơ khá hay và tràn trề cảm xúc. Do đó, nhiều thí sinh khi được hỏi đều cho biết rất thích thú với câu hỏi này. “Đây là một trong những bài thơ hay, giáo viên trong nhà trường thường yêu cầu học sinh ôn tập kĩ. Do đó, chắc chắn có nhiều thí sinh trúng tủ và hoàn thành tốt câu hỏi này”.
Như vậy, mùa thi Đại học năm 2014 đã kết thúc. Vào ngày 14/7/2014, các thí sinh thi Cao đẳng sẽ bắt đầu làm thủ tục dự thi, xử lý những sai sót trong hồ sơ. Trong hai ngày 15 và 16/7 kì thi Cao đẳng sẽ được diễn ra.