Người dân ở xã Duy Phú (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) hơn 14 năm qua đã quá quen thuộc với hình ảnh bà Nguyễn Thị Chín, 80 tuổi, thôn Nhuận Sơn, nhốt con trai bị tâm thần lại để chăm sóc. Mặc dù tuổi cao, sức đã yếu nhưng bà vẫn quần quật làm lụng để có cái ăn.
Nhiều người thường nói, hạnh phúc của một người mẹ sống ở tuổi xế chiều là được quây quần bên con cháu thành công sự nghiệp; được chăm lo trong từng miếng ăn giấc ngủ vì sự vất vả của cuộc đời. Thế nhưng, niềm hạnh phúc đó đã không mỉm cười với bà Chín khi hai tay hai nách chăm lo cho chồng bị tai biến và đứa con trai 42 tuổi bị tâm thần đã 14 năm qua.
Vượt qua con đường dài lầy lội theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi cũng đã tìm được đến nhà bà Chín. Lúc này, cửa đóng không có ai nhưng bên trong nghe tiếng đập ầm ầm, tiếng cười hát của một người đàn ông vang lên. Thấy chúng tôi tần ngần trước cửa, ông Lê Đức Khuyên (55 tuổi), một người hàng xóm tiến lại cho biết: “Đó là tiếng của anh Trần Hùng (42 tuổi) bị bệnh tâm thần đấy! Mỗi khi Hùng lên cơn, hàng xóm chúng tôi đã quá quen thuộc khi anh đập đồ đạc ầm ầm, cười nói một mình lớn tiếng. Sáng nay, thấy cho anh Hùng ăn xong, bà Chín quẩy gánh đi chặt củi, giờ trưa chắc cũng sắp về”.
Vừa nói, ông Khuyên mời chúng tôi sang nhà trò chuyện được lát thì bà Chín vai mang gánh củi oằn trên vai từng bước khó nhọc vào nhà. Vừa đặt gánh củi trước hiên, bà Chín cởi chiếc nón quạt cho mát khi mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đã nhiều vết chân chim.
Bà Nguyễn Thị Chín (80 tuổi) 14 năm qua chăm con bị tâm thần
Biết chúng tôi đến tìm hiểu chuyện, bà Chín nói từng lời trong tiếng thở dài: “Khổ quá con ơi! Đã mấy hôm nay Hùng nó cứ rên la suốt, bà cũng không ngủ được, cứ ở bên dỗ dành, đợi nó ngủ được cho hàng xóm yên giấc thì trời cũng sáng…Năm nay bà cũng 80 tuổi rồi, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng cũng cố gắng làm lo cho hai mẹ con”
Theo lời bà Chín, bà kết hôn với ông Trần Ni sinh được 5 người con. Hai vợ chồng ông bà tần tảo làm lụng với 2 sào đất lúa, dù cuộc sống nghèo khó nhưng gia đình lúc nào cũng vui vẻ, các con chăm ngoan trưởng thành rồi lần lượt lập gia đình. Riêng anh Trần Hùng, từ khi sinh ra vẫn lanh lợi, hoạt bát, đi học như bao bạn bè cùng trang lứa.
Bỗng dưng năm 2001, khi đang làm ở nhà máy gạch về thì anh Hùng nằm quằn quại dưới đất, run cầm cập, toàn thân đỏ tái. Hai vợ chồng bà Chín thấy vậy đưa Hùng vào bệnh viện cấp cứu. Khi khỏe lại, anh Hùng không nhận thức được mình là ai, không biết anh chị em, vợ chồng bà Chín, lúc nào cũng cười nói bậy bạ.
“Cho nó (Hùng – PV) mặc bộ đồ nào trên người là xé rách hết cả, nhiều lần đang ngồi đút cơm cho ăn thì chạy xuống nhà dưới vác dao ra đứng ngoài đường, thấy ai đi ngang là rượt đuổi chém. Vợ chồng tôi đau buồn lắm không biết làm thế nào. Bao nhiêu tài sản trong nhà đều bán đi hết để có tiền đưa con đi khắp nơi chữa bệnh mà không khỏi. Đến khi người dân nói ở Hòa Khánh (Đà Nẵnh) có bệnh viện tâm thần, đưa ra chữa trị được 1 tháng thì thấy tính tình nóng nảy cũng bớt đi nhưng suốt ngày cứ lảm nhảm, nói năng hát hò bậy bạ mà lòng hai vợ chồng như đứt từng khúc ruột…”, bà Chín bùi ngùi kể lại.
Anh Trần Hùng (42 tuổi) bị tâm thần, ở trần truồng một chỗ
Tai ương ập tới khi làm lụng bao nhiêu không đủ ăn, chữa bệnh cho con không khỏi khiến ông Trần Ni đau buồn, trầm uất rồi bị tai biến mạch máu não năm 2010 phải nằm một chỗ.
Hằng ngày, bà Chín dậy sớm nấu cơm rồi lần lượt bón cho ông Ni và anh Hùng ăn, uống. Sau đó, lau dọn cho cả hai được sạch sẽ mới yên tâm đi làm thuê cho người ta. Nhưng nhiều lần đang làm, bà Chín lại tức tưởi chạy về khi nghe tin anh Hùng đập cửa nhà, xe rách quần áo trần truồng rồi vác dao chạy đi khắp nơi trong thôn. Bà nhờ thanh niên trong xóm dẫn về nhà rồi đưa vào buồng ngồi giữ. Vừa chăm chồng bị tai biến, chăm con bị tâm thần lên cơn khiến bà Chín nhiều lúc ngất xỉu vì uất ức cực khổ, may mắn được hàng xóm phát hiện đưa đi cấp cứu.
Để con không làm khổ hàng xóm cũng làm khổ mình, nhiều lần bà Chín dằn lòng mà dùng dây trói chân tay anh Hùng, khóa cửa nhốt lại để chăm sóc. Mọi ăn uống, tắm rửa, vệ sinh đại tiểu tiện anh Hùng đều một chỗ, bà Chín đều dọn dẹp hết.
Vừa chăm chồng bị tai biến, chăm con bị tâm thần, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai bà Chín. Nhà có ruộng được 2 sào, trồng lúa không đủ ăn, vả lại không có ai làm giúp nên bà Chín đi làm thuê. Ai thuê gặt lúa, cắt cỏ, chặt củi…làm gì bà cũng làm hết miễn có ít tiền cho miếng ăn hai người bệnh ở nhà.
Đến năm 2013 vừa qua, ông Ni trong giấc ngủ mất đi. Bà Chín lo tang cho chồng chu đáo rồi lại vực dậy mình trong nỗi buồn mà tiếp tục sống lo cho anh Hùng.
Ông Võ Văn Bình, trưởng thôn Nhuận Sơn, cho biết: Gia đình bà Chín là hộ nghèo nhiều năm của xã, được hỗ trợ 200 ngàn đồng tháng để lo cuộc sống. Bà con trong thôn từ trước đến nay đều biết hoàn cảnh mà Chín mà giúp đỡ người con cá, bó rau sống qua ngày, bởi cuộc sống thuần nông, người dân ai cũng khó khăn cả.
Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng hiện nay bà Chín vẫn làm lụng để chăm lo cho người con trai Trần Hùng bị tâm thần lâu năm. Bà Chín cũng có 4 người con khác nhưng đều có hoàn cảnh khó khăn, sống xa nên không giúp được gì cho bà.
“Giờ bà còn sức khỏe ngày nào thì còn chăm lo cho Hùng được ngày đó. Chỉ sợ một mai bà mất đi, ai giúp đỡ thằng Hùng cho bà đây…”, bà Chín bùi ngùi nói.
Bạn đọc quan tâm giúp đỡ, xin liên hệ: Bà Nguyễn Thị Chín, trú thôn Nhuận Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Hoặc ông Lê Đức Khuyên, là hàng xóm nhà bà Chín. Số điện thoại: 0168 235 1101.