Chị nhớ, những ngày đi mua ve chai gặp nhà giàu. Thấy con người ta được cha mẹ chăm bẵm kĩ lưỡng. Có những đứa trẻ chê bai thức ăn, khó chịu với cha mẹ. Chị ngẫm lại hai con của mình mà nước mắt tự ứ ra.
Chiều 1/6/2015, công an quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết đang trình quyết định về việc chuyển số tiền 5 triệu yên cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi). Khi có quyết định chính thức, phía công an sẽ đến ngân hàng lấy tiền đưa về trụ sở rồi trao cho chị Hồng.
Công an cũng xác nhận, chị Hồng không phải tốn bất kì đồng nào khi nhận số tiền này. Riêng việc nhận tiền yên hay tiền Việt Nam là dựa vào sự quyết định của chị. Thời gian trễ nhất chị Hồng nhận được tiền là ngày 2/6.
Chị cho biết, đêm nay sẽ khó ngủ vì chờ đợi ngày mai nhận tiền
Cũng trong chiều 1/6, chị Hồng cùng luật sư Hà Hải (đoàn luật sư TP.HCM) đã làm việc với công an quận Bình Tân về việc trao trả 5 triệu yên. Tất cả mọi thủ tục đã được hoàn thành. Chỉ chờ quyết định từ lãnh đạo công an quận Bình Tân thì luật sư sẽ cùng thân chủ đến nhận tiền.
Chị Hồng tỏ ra khá vui mừng khi biết được chỉ còn một ngày nữa là sẽ được nhận số tiền lớn. Chị bảo: “Có lẽ, tối nay tôi sẽ không ngủ được. Hy vọng, lần này, mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp, không bị trục trặc như lần trước”.
Ngoài ra, chị cho biết thêm, mấy hôm nay, có một số tổ chức từ thiện đến ngỏ ý muốn được giúp đỡ. “Do tôi không hiểu biết nhiều nên phải nhờ sự tư vấn của luật sư. Có một số cơ sở không đáng tin cậy đã được từ chối. Có tiền, tôi cũng muốn giúp mọi người nhưng không thể ai cũng giúp”, chị phân trần.
Cũng như bao lần trước, vào nhà, chị không dám cho khách ngồi lên cái nệm để ngủ. Lý do đơn giản vì, chiếc nệm có nhiều chuột, bụi bẩn… Chỉ quanh căn nhà, chị chia sẻ: “Tất cả mọi thứ ở đây đều là ve chai. Thấy còn dùng được, tôi và mấy chị ở cùng mang về dùng. Ngay chiếc quạt đang chạy cũng vậy”.
Chị kể, gia đình có bốn chị em gái. Nhà nghèo nên từ khi còn nhỏ, chị đã chịu cảnh túng thiếu. Đến tuổi đi học, chị cũng được đến trường. Nhưng, khi học đến lớp 2, do không có tiền nộp học phí nên phải nghỉ ngang. Từ đó, chị ra chợ bán cá giúp mẹ. Tuổi thơ của chị là gắn liền với chợ búa, với cơm áo, gạo tiền.
Mọi thứ trong căn nhà chị đang ở đều là ve chai vẫn có thể sử dụng được
Cũng vì điều này nên mong muốn lớn nhất của chị là lo cho các con được ăn học đến nơi đến chốn. “Tôi mong, các cháu sẽ học thêm phần của mẹ nữa”, chị nói.
Vừa tròn tuổi 16, cha chị qua đời. Trước đây, cha và mẹ cùng làm việc, nuôi các con. Người cha ra đi, để lại bốn đứa con khiến đôi vai người mẹ thêm oằn. Chị thương mẹ nên quyết định rời quê vào TP.HCM tìm việc làm. Chị không ngại công việc nặng nhọc. Chị nhẩm tính: “Tôi đã đi rửa chén bát, phụ quán, bán vé số… chỉ với mục đích duy nhất là có tiền gửi về quê cho mẹ”.
Bước sang tuổi 20, một lần theo dì đi mua ve chai. Chị tự thấy, công việc này mình có thể làm được mà không phải phụ thuộc vào người khác. Đó cũng là ngày, chị bắt đầu gắn kết với nghề này. Lúc đầu, chị gánh quang gánh đi khắp nơi. Về sau, gom góp tiền mới mua được chiếc xe đẩy.
Chị tâm sự, nghề mua ve chai dù mệt nhọc nhưng đã gắn kết chị với chồng. Cũng nhờ nghề này, chị có tiền nuôi hai đứa con. Nhiều khi, bị ốm, tưởng chừng không dậy nổi. Thế nhưng, ngẫm đến tương lai các con, chị lại đứng dậy, đẩy xe. Trời nắng, lắm lúc xoay xẩm mặt mày. Nhưng, chị chỉ dám ngồi bên vệ đường một lúc là lại cố gắng đi tiếp.
Ngày nắng đã khổ mà ngày mưa còn khổ hơn gấp bội. Đẩy chiếc xe trong gió mưa. Đôi lúc, nước mắt chị trôi dài. Nhưng, hai đứa con lại là động lực. Chị lại bước tiếp. “Ở đất Sài Gòn này, mở mắt là tốn tiền rồi. Dù khổ tí còn có cái ăn, còn hơn là ở nhà mà nhịn đói”, chị nói.
Căn nhà này đã trở thành thứ quen thuộc đối với chị
Chị nhớ, những ngày đi mua ve chai gặp nhà giàu. Thấy con người ta được cha mẹ chăm bẵm kĩ lưỡng. Có những đứa trẻ chê bai thức ăn, khó chịu với cha mẹ. Chị ngẫm lại hai con của mình mà nước mắt tự ứ ra.
Chị bảo, mấy hôm nay, nhiều đêm đang ngủ bỗng thức giấc. Chị mong nhận được số tiền 5 triệu yên. Khi có tiền trong tay, ngoài việc làm từ thiện, chị sẽ xây cất lại nhà của hai bên nội ngoại. Sau đó, chị sẽ đón hai con vào Sài Gòn tụ họp. Từ đó, cả gia đình bên nhau và chị sẽ nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn. Chắc chắn, chị sẽ dành dụm một ít tiền, gửi ngân hàng để có chi phí cho các con ăn học về sau.
“Dù có tiền rồi, tôi vẫn sẽ tiếp tục với công việc ve chai. Dù nó khổ nhưng quen rồi. Cũng như, căn nhà này, nhiều chuột, bụi bẩn… Nhưng, nó đã trở thành thứ quen thuộc, nếu xa nó thì tôi sẽ không chịu nổi”, chị cười hớn hở.