"Sự cố trao nhầm con cho sản phụ cũng chỉ là hi hữu, thời điểm nhầm lẫn là khi đứa trẻ bị cách ly với mẹ”, PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức chia sẻ.
Mới đây, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi, Quán Thánh, Ba Đình Hà Nội) vỡ òa hạnh phúc khi tìm thấy người con thất lạc sau 43 năm. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp trao nhầm con duy nhất tại Việt Nam. Sau vài năm, thậm chí vài chục năm, có gia đình may mắn tìm lại được con ruột nhưng cũng có nhiều gia đình vẫn đau đáu tìm kiếm giọt máu của mình. Trong suốt hành trình tìm con ấy, những người cha, người mẹ, những đứa con không may bị trao nhầm đã phải rơi rất nhiều nước mắt. Và…khi tìm được con ruột, họ phải đối diện với hàng nghìn khó khăn để đưa các con hòa nhập với gia đình mới. Eva.vn xin giới thiệu bài dài kỳ: Trao nhầm con: Nỗi đau ngay cả khi tìm lại được ba mẹ ruột |
Những vụ việc trao nhầm con tại nhà hộ sinh vào những năm của thập niên 70, 80 hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Để có cái nhìn khách quan hơn về công việc của các nữ hộ sinh thời điểm đó và tìm hiểu nguyên nhân khiến xảy ra tình huống “trao nhầm con”, chúng tôi đã tìm gặp PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức (SN 1932, nguyên Trưởng khoa Phụ ngoại 1, viện C, Hà Nội).
PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức (nguyên Trưởng khoa Phụ ngoại 1, viện C, Hà Nội). Ảnh NVCC
Điều kiện vật chất thiếu thốn, nhân sự ít
Theo PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, những ngày đó các nữ hộ sinh phải làm việc trong điều kiện rất thiếu thốn. Nhân sự lúc đó cũng ít, mỗi ca trực của khoa chỉ có 3-4 nữ hộ sinh và 1 nữ hộ lý, trong khi có đến 40 giường bệnh. Ngày nào cũng có sản phụ tới đẻ, người thì chuyển từ tuyến huyện lên, người thì tự đến. Công việc rất nhiều.
“Như tôi gần như cả ngày đều ở viện, các chị em khác thì làm theo ca, mỗi ca 8 tiếng, nhưng thời điểm đó các chị vẫn phải chăm lo gia đình mà ít có sự giúp đỡ của chồng nên cũng rất vất vả, kể cả Tết vẫn phải có người trực ở viện. Tôi nhiều năm liền không được cùng chồng con đón giao thừa tại nhà”, bác sĩ Đức chia sẻ.
Trước năm 1990, điều kiện tại phòng sơ sinh - nơi cách ly trẻ và mẹ rất thô sơ, không hề có hệ thống sưởi như trong hình ảnh này. Ảnh minh họa
Nói về quy trình đỡ đẻ lúc bấy giờ, bác sĩ Đức cho biết, sau khi bác sĩ hoặc nữ hộ sinh đỡ đẻ xong sẽ lau người, mặc quần áo cho đứa trẻ, rồi đánh số, gắn thẻ gồm ngày tháng năm sinh, số thứ tự sinh trong ngày hôm đó và họ tên của mẹ rồi để cháu bé ra một bên.
Sau đó, tất cả tập trung chăm sóc người mẹ xem nhau thai ra hết hay vẫn còn sót? Có bị băng huyết hay không? Có rách tầng sinh môn hay không?...
Trong thời gian đó, một nữ hộ sinh khác sẽ bế đứa trẻ đi tắm rồi đặt ở phòng sơ sinh, cách ly với mẹ khoảng 8 tiếng. Tuy nhiên, phòng sơ sinh lúc đó cũng rất sơ sài, không có hệ thống sưởi như bây giờ và các đứa trẻ gần như được đặt nằm cùng 1 giường sau khi tắm.
Trao nhầm trẻ là do tổ chức khoa học lúc đó còn yếu kém
Nói về những nguyên nhân khiến những đứa trẻ bị trao nhầm, theo Bác sĩ Đức, sự nhầm lẫn xảy ra ở thời điểm đứa bé được tách ly khỏi mẹ và mang đi tắm.
“Nếu không cẩn thận làm rơi bảng tên, số đánh dấu hoặc làm mờ, hoặc đặt trẻ lại không đúng vị trí ban đầu sẽ rất dễ nhầm lẫn. Mặt khác các đứa trẻ sơ sinh hầu hết là giống nhau, rất ít trẻ trông khác nhau nên nếu không tập trung, thì việc trao nhầm trẻ là hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế đã có một số ca bị trao nhầm, tuy không nhiều.
Chị Tạ Thị Thu Trang (phải) là trường hợp bị trao nhầm tại nhà hộ sinh Ba Đình cách đây 43 năm.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thời điểm đó nhiều chị em nữ hộ sinh chỉ có trình độ sơ cấp, đó cũng là những năm gian khổ nhất nên cũng không được như bây giờ, dẫn đến những trường hợp nhầm lẫn như trên, cũng nên được mọi người thông cảm.
Việc lưu trữ hồ sơ lúc đó cũng rất sơ sài, trong khi nước ta là nước có độ ẩm cao gây khó khăn trong việc quản lý hồ sơ. Tuy vậy, hồ sơ cũng có đầy đủ những thông tin cần thiết.
Nhà hộ sinh Đống Đa - nơi xảy ra một vụ trao nhầm con cách đây tròn 30 năm.
Ở những trường hợp trao nhầm con như ở nhà hộ sinh Ba Đình hay Đống Đa cách đây mấy chục năm thì rất tiếc là gia đình đã phát hiện quá muộn, dẫn đến việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Giá mà phát hiện sớm thì có lẽ đã nhanh chóng tìm được, không phải để nhiều người đau khổ, dằn vặt như bây giờ. Bởi lẽ, dù không phải là máu mủ, nhưng thời gian nuôi dưỡng tình cảm giữa đứa trẻ và những người nuôi dưỡng sẽ rất sâu đậm”, bác sĩ Đức chia sẻ.
Xem lại kỳ 1 - Trao nhầm con: Nỗi đau ngay cả khi tìm lại được ba mẹ ruột
Xem lại kỳ 2 - Cô gái bị trao nhầm ở nhà hộ sinh Hà Nội 30 năm trước mong ngày gặp ba mẹ ruột