Sau khi chào đời vào lúc 4h20 ngày 12/12/1987, tại nhà hộ sinh Đống Đa, Hà Nội, chị Hiền đã được bế đi cách ly với mẹ tại một phòng riêng trong khoảng 8 tiếng. Đây là lúc xảy ra tình trạng trao nhầm 2 đứa trẻ của 2 gia đình.
Mới đây, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi, Quán Thánh, Ba Đình Hà Nội) vỡ òa hạnh phúc khi tìm thấy người con thất lạc sau 43 năm. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp trao nhầm con duy nhất tại Việt Nam. Sau vài năm, thậm chí vài chục năm, có gia đình may mắn tìm lại được con ruột nhưng cũng có nhiều gia đình vẫn đau đáu tìm kiếm giọt máu của mình. Trong suốt hành trình tìm con ấy, những người cha, người mẹ, những đứa con không may bị trao nhầm đã phải rơi rất nhiều nước mắt. Và…khi tìm được con ruột, họ phải đối diện với hàng nghìn khó khăn để đưa các con hòa nhập với gia đình mới. Eva.vn xin giới thiệu bài dài kỳ: Trao nhầm con: Nỗi đau ngay cả khi tìm lại được ba mẹ ruột |
Câu chuyện buồn của chị Lê Thanh Hiền (30 tuổi, Triều Khúc, Hà Nội) đáng lẽ đã được xếp lại sau nhiều năm tìm kiếm trong bế tắc. Thế nhưng khi đọc thông tin về trường hợp trao nhầm con 43 năm trước ở nhà hộ sinh Đống Đa (phố Khâm Thiên, Hà Nội), chị Hiền lại có thêm tia hi vọng nhỏ nhoi. Chị mong sẽ tìm được bố mẹ đẻ của mình cũng như tìm lại máu mủ thực sự cho bố, mẹ nuôi - những người đã yêu thương, chăm sóc chị suốt 30 năm qua.
Bố mẹ nhóm máu O, con nhóm máu B
Trở về nhà sau khi sinh chị Hiền vào ngày 12/12/1987 tại nhà hộ sinh Đống Đa, cả gia đình đều sống trong hạnh phúc. Thế nhưng càng lớn chị Hiền càng có nhiều nét khác biệt so với người trong nhà. Khi mà bố mẹ chị đều có nước da ngăm đen, người nhỏ nhắn còn chị Hiền lại có nước da trắng, người dong dỏng cao.
Nhiều người họ hàng cũng hay trêu rằng chắc chị là “con nuôi” nhưng cả chị và bố mẹ đều chỉ coi là chuyện vui đùa. Đến khi chị Hiền lấy chồng và sinh con, nhìn hai đứa con đều có nét giống cả bố và mẹ thì chị bắt đầu để ý về sự khác biệt của mình.
Nhà hộ sinh Đống Đa - nơi chị Hiền bị trao nhầm cách đây 30 năm.
Chị Hiền mong tìm lại được bố mẹ đẻ, nhưng cũng lo sợ bố mẹ hiện tại - người đã nuôi dưỡng chị phải buồn lòng.
Chị kể: “Cách đây 4 năm (2013) nghi ngờ trong tôi càng lớn khi tôi biết về nhóm máu của mình và bố mẹ. Bố mẹ tôi nhóm máu O nhưng tôi nhóm máu B. Các bác sỹ đều khẳng định nếu có quan hệ huyết thống thì điều này không thể xảy ra. Tôi quyết định âm thầm lấy mẫu tóc của mẹ mang đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý (Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an) để làm xét nghiệm ADN.
Và kết quả cho thấy tôi không cùng huyết thống với bố mẹ. Tôi choáng váng đến mức không thể đứng vững, tôi khóc, nấc nghẹn từng tiếng, không thể tin đó là sự thật", chị Hiền xúc động kể lại.
Giấy khai sinh của chị Hiền.
Sau khi kiểm tra lại giấy tờ tuỳ thân, chị phán đoán rằng mình có khả năng bị nhầm lẫn trong nhà hộ sinh chứ không phải được bố mẹ nhận nuôi. Dù rất đau lòng nhưng chị Hiền cũng cố gắng lấy can đảm để nói cho mẹ biết.
Hành trình tìm kiếm trong bế tắc
Khi nghe chị Hiền thông báo không cùng huyết thống với gia đình, cả gia đình, đặc biệt là mẹ chị bà Phan Thị Tuyết Hoa (54 tuổi, mẹ chị Hiền, trú tại Thịnh Liệt, Đống Đa, Hà Nội) đều sốc mạnh, không ai có thể tin rằng, câu chuyện đau lòng ấy lại xảy ra với gia đình.
Bố chị Hiền cũng bị choáng váng vì trong thâm tâm ông, chị Hiền vẫn mãi là đứa con mà ông hết mực yêu thương, chăm sóc.
“Bố tôi đã khóc rất nhiều và hét lên với mọi người vì không tin đây là sự thật. Ông nói, không chấp nhận người con nào khác ngoài tôi và em gái hiện tại.
Trong ảnh là chị Lê Thanh Hiền (phải) và bà Phan Thị Tuyết Hoa (trái).
Sau khi bình tâm lại, mẹ tôi mới nhớ lại thời điểm bà sinh con tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, có một người phụ nữ khác sinh cùng phòng bà và chỉ cách nhau khoảng 15 phút", chị Hiền nghẹn ngào.
Cách đây 30 năm, bà Hoa sinh chị Hiền lúc 4h20 (12/12/1987), có một người phụ nữ khác sinh vào khoảng 4h35, hai đứa trẻ cùng là con gái và cùng có cân nặng là 3kg. Sinh xong, người mẹ bị cách ly mà chưa nhìn thấy con lần nào. Có thể thời gian này, sự nhầm lẫn đã xảy ra.
Theo lời bà Phan Thị Tuyết Hoa, vào thời điểm đó, theo quy định những đứa trẻ khi sinh ra được y tá bế đi cách ly với mẹ tại một căn phòng riêng trong vòng 8 tiếng. Sau đó, chồng bà là người đón tay con từ y tá rồi trao lại cho mẹ mà không hề hay biết rằng đã có sự nhầm lẫn giữa hai đứa trẻ của hai gia đình.
Càng lớn, chị Hiền (phải) càng bộc lộ nhiều nét không giống với các thành viên trong gia đình.
Sau khi quyết định nói hết bí mật bị trao nhầm con cho gia đình, chị Hiền đã tìm đến nhà hộ sinh Đống Đa để xin trợ giúp cung cấp thông tin về cuốn sổ đẻ của tháng 12/1987. Trong danh sách này có 5 người phụ nữ cùng sinh con gái vào các ngày từ mùng 9 đến ngày 12/12/1987.
Nhưng khi tìm đến các địa chỉ được cho, một số gia đình đã chuyển đi nơi khác, một số khác thông tin không giống như cuốn sổ sinh cung cấp. Có một trường hợp là bà Tạ Thị T. (ở Khâm Thiên, Hà Nội) sinh con gái vào lúc 4h35, tức là sau thời điểm bà Hoa sinh con khoảng 15 phút. Tuy nhiên, khi tìm đến thì bà T. nhất định từ chối cung cấp thông tin.
Suốt 4 năm tìm kiếm, chị Hiền và gia đình đã đi đến rất nhiều địa chỉ, lục tìm tất cả các thông tin liên quan… nhưng đến nay vẫn chưa tìm được. Dẫu vậy, chị Hiền vẫn hy vọng sự may mắn sẽ mỉm cười để chị có thể biết được cha mẹ mình là ai.
Chị Hiền bày tỏ: “Tôi cũng sợ bố mẹ, những người nuôi dưỡng và giáo dục mình suốt 30 năm qua phải buồn lòng. Thế nhưng sự khát khao biết được gia đình mình là ai, bố mẹ trông như thế nào đã ám ảnh tôi kể cả trong những giấc ngủ. Vì vậy, cứ ở đâu có thông tin tôi lại âm thầm xác minh, tôi vẫn luôn hy vọng duyên sẽ đến sớm, để một ngày không xa gặp được bố mẹ đẻ”.
Xem lại Kỳ 1: Trao nhầm con ở Bình Phước: 1 năm 3 tháng tìm lại được con ruột, nỗi đau vẫn chưa nguôi