Theo chuyên gia nghiên cứu cổ học Phương Đông Hà Thành (Trung tâm Trắc nghiệm, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), tiết Thanh minh mỗi năm một khác.
Năm nay Thanh minh bắt đầu từ ngày 5/4 (tức 6/3 âm lịch) và kết thúc vào khoảng ngày 20, hay 21/4 khi tiết Cốc vũ bắt đầu.
Khi đi tảo mộ, mọi người không nên ăn uống ngay tại nghĩa trang vì không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Ngọc Thúy
Lễ cúng Thanh minh thế nào?
Theo ông Phúc Thúy (Trung tâm nghiên cứu cổ học Phương Đông - thuộc Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam), tảo mộ tiết Thanh minh hàng năm là một phong tục đẹp có từ xa xưa, được sử sách ghi chép rõ ràng. Sách “Lễ ký” đã viết: “Bậc vương giả thì tế trời đất, các chư hầu thì tế sông núi, các đại phu thì tế vua, các bậc thứ dân thì tế tổ tiên”. Việc cắt cỏ và đắp đất lên mộ gọi là “tảo mộ”.
Tục xưa lễ tảo mộ là người dân tới nghĩa trang, gia chủ thắp hương xin phép quan thần linh cho phép viếng thăm mộ gia tiên và tảo mộ. Nếu có cỏ rậm, cây trùm lên mộ thì phát quang để tránh rắn, chuột đào hang, làm tổ… mà phạm tới vong linh, rồi đắp thêm đất tôn cao mộ phần…Xong xuôi gia chủ bày biện lễ vật, thắp hương, nến, dâng bộ tam sinh (dùng tế trong các đại lễ xưa là bò, heo, dê), hương, đèn, đốt vàng bạc quần áo mã… tại các phần mộ, rồi về nhà cúng gia tiên, gia thần.
Ngày nay lễ Thanh minh đơn giản hơn, có thể dùng lễ chay hoặc lễ mặn. Lễ chay gồm nước, xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong…). Lễ mặn có thể: Nước, hương, đèn (nến), trầu cau, tiền vàng, rượu, thịt (hoặc chân giò, gà luộc, khoanh giò nạc…), hoa quả. Nói chung gia đình có gì thắp hương đó, không cầu kỳ. Đặt lễ vào kỳ đài (hoặc cây hương từng khu, nơi không có cây hương thì dùng ghế rồi đặt mâm lễ lên), khấn xin phép tảo mộ. Là mộ xây thì xin phép được bao sái mộ chí, sơn vẽ, tu sửa phần bị hư hỏng. Là mộ đất thì xin phép rẫy cỏ, đắp đất tôn cao… (sơn hoa ở mộ nên chọn màu đỏ để khu mộ vượng khí). Nên thăm mộ tổ trước, rồi tới các mộ kế cận. Chủ lễ là trưởng họ (hoặc trưởng nam hoặc người già nhất họ) sẽ dâng hương, con cháu đồng tâm khấn vái. Hết 2/3 hương thì hóa vàng, hạ lễ và thụ lộc. Nên thắp hương cả ở những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng.
Ông Hà Thành cho rằng, hiện có nhiều gia đình sửa lễ mang ra mộ cúng, sau đó về nhà cúng tại gia, khấn tất cả gia tiên nội ngoại về phối hưởng. Lễ cúng Thanh minh không nên mời thầy cúng mà sinh tốn kém. Nên thành tâm khấn vái hoặc đơn giản nhất là theo Văn khấn gia tiên.
Thực hiện việc “hiếu” giàu yếu tố tâm linh dịp Thanh minh vừa tiết kiệm, trang trọng, văn minh xuất phát từ cái tâm, cái đức của con cháu sẽ phù hợp hơn rất nhiều với điều kiện kinh tế của từng gia đình, dòng họ. Người dân cần nâng cao nhận thức, thực hiện nếp sống văn minh, giảm thiểu những thủ tục không cần thiết trong ma chay, xây lăng mộ… đỡ tốn kém cho con cháu.
Không nhất thiết phải đắp mộ to
Ông Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người) cho biết, ở các thành phố lớn các khu nghĩa địa làng được quy tập về nghĩa trang lớn, như ở Hà Nội tập trung ở Bát Bạt, Thanh Tước, Yên Kỳ, Vĩnh Hằng… Tiết Thanh minh vẫn là tu sửa, làm sạch mộ phần… Nhưng nhiều người đã biến việc “hiếu” tảo mộ thêm màu sắc mê tín, làm “oai phong, bề thế” mộ phần và “mát mặt” cho con cháu nên sau mỗi tiết Thanh minh số ngôi mộ to, đẹp xuất hiện nhiều hơn. Có nhà bỏ hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ để sắm vàng mã, di dời mộ. “Oai và mát mặt đâu chưa thấy, nhưng các suất đinh trong tộc họ xiêu vẹo vì chạy tiền để lo việc mồ mả thì cũng không nên”, ông Tuyến nhận xét.
Tiết Thanh minh là ngày tưởng nhớ gia tiên, nhưng nếu cứ phải “bóp bụng” chi tiền chứng minh lòng thành kính bằng mê tín và tốn kém công của thì lại càng không nên. Tiết Thanh minh các gia đình, tộc họ nên tưởng nhớ tổ tiên, sum họp bày tỏ lòng hiếu hạnh, thành kính sẽ tốt hơn. Ngoài ra, lưu ý các gia đình ở xa khi đi tảo mộ không nên ăn uống ở ngay mộ phần, bởi ở các nghĩa trang âm khí nặng nề, nghi ngút khói hương, tàn tro, bụi bặm nhiều. Tốt nhất là tảo mộ xong rồi tất cả trở về nhà sum họp vừa vui vẻ, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người) |