Tìm đâu những giờ học sử say mê

Ngày 09/03/2014 10:48 AM (GMT+7)

Bắt đầu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, chương trình thi được đổi mới gọn nhẹ.

Thay vì thi sáu môn như các năm trước, năm nay chỉ còn thi bốn môn, gồm hai môn bắt buộc là văn, toán và hai môn tự chọn trong sáu môn: sử, địa, lý, hóa, sinh và ngoại ngữ. Học sinh thở phào nhẹ nhõm. Điều đáng lưu ý là theo thông báo của một số trường đã có học sinh đăng ký thì trong sáu môn tự chọn, môn sử ít học sinh đăng ký nhất, chỉ trên dưới 10%. Có trường là 0%, tức không có em nào chọn thi môn sử cả!

Đó là một thực tế đáng buồn. Rõ ràng lớp trẻ bây giờ ít quan tâm tới lịch sử nước nhà, thể hiện qua các kỳ thi tốt nghiệp các năm trước có nhiều học sinh bị điểm 0 môn sử. Xem các chương trình game show trên truyền hình, mục nào có câu hỏi liên quan đến lịch sử thì những người tham gia trò chơi - hầu hết là các bạn trẻ - trả lời rất lơ mơ. Mà chỉ là những câu hỏi trắc nghiệm, chọn một trong 3-4 câu trả lời gợi ý sẵn, chỉ cần quan tâm là trả lời đúng ngay. Kể cả những câu hỏi đơn giản nhất mà có khi người dẫn chương trình “gà” cho, họ cũng trả lời hết sức ngờ nghệch, buồn cười. Có người còn đặt vè chế giễu nghe thật đau lòng: “Dân ta mà không biết sử ta/ Trả lời ngờ nghệch nghe hóa ra sử Tàu”. Đùa mà nghe đau lắm! Những ai quan tâm tới lịch sử nước nhà, tương lai dân tộc chắc còn đau lòng hơn.

Thật ra người Việt Nam từ người lớn đến trẻ con, không ai ghét hoặc không ưa lịch sử cả. Chuyện học sinh bây giờ không thích học sử, một phần là do giáo trình biên soạn máy móc, xơ cứng với những sự kiện, những trận đánh, những con số năm tháng gây chán nản, mệt mỏi; và phần khác do phương pháp dạy sử của nhiều giáo viên không hấp dẫn học sinh. Nhiều giáo viên dạy sử kiểu dạy cho xong, “thầy đọc - trò chép”, ra bài làm theo kiểu thuộc lòng đã gây nhàm chán. Thầy dạy lấy có, trò học cho xong thì làm sao gây thích thú, hưng phấn cho việc học sử?

Ngay từ giờ nếu không cải cách, biên soạn lại sách lịch sử với những bài học lịch sử sinh động hơn, cũng như bồi dưỡng phương pháp giảng dạy mới cho giáo viên dạy sử - đặc biệt ưu tiên những người yêu môn sử và thích dạy sử - thì sắp tới sợ rằng học sinh sẽ dần buông luôn môn học này. Những bài học lịch sử sẽ rất sinh động nếu được biên soạn, được viết ra như những câu chuyện kể hấp dẫn, những “đoạn phim” lịch sử hào hùng chiếu chậm qua lời kể, lời dẫn chuyện, lời bình “phim” lôi cuốn của những giáo viên tâm huyết với môn lịch sử.

Tôi nhớ hồi học năm lớp nhất (lớp 5 bây giờ), thầy dạy bậc tiểu học dạy tất cả các môn nhưng tới giờ học lịch sử, thầy tôi giảng bài một cách say sưa. Thầy kể những trận đánh Pháp của nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật ở chiến khu Bãi Sậy hay chiến binh Hoàng Hoa Thám ở núi rừng Yên Thế… như thể thầy có mặt trong những trận đánh đó. Thầy truyền cảm xúc cho học trò mà mấy mươi năm sau khi ngồi viết những dòng này tôi còn mường tượng ra khuôn mặt và giọng nói của thầy. Tôi mê môn lịch sử có lẽ một phần là nhờ thầy dạy sử thời tiểu học. Đến khi tôi học đệ tứ (lớp 9 hiện nay), bấy giờ môn sử gồm có hai phần: Việt sử và thế giới sử. Bọn tôi đứa nào cũng rất ngại phần sử thế giới nhưng thầy dạy sử đã đẩy lùi sự lo ngại và truyền được sự thích thú khi học sử thế giới bằng những câu chuyện kể thêm - ngoài bài học chính - về thâm cung bí sử rất hấp dẫn của các triều đại phong kiến Pháp, Ý… khi thầy dạy về các chế độ phong kiến phương Tây. Và chuyện tình rất lãng mạn của trùm phát xít Hitler - khi thầy dạy về Thế chiến thứ 2. Đó là cách dạy sử tuyệt vời, học trò ngồi nghe say mê những bài học lịch sử.

Theo Phạm Chu Sa (Pháp Luật TPHCM)
Nguồn:

Tin liên quan