Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) là trường đầu tiên công bố 100% học sinh không đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT môn Lịch Sử.
PGS Văn Như Cương |
Bộ GD-ĐT đã công bố chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT 2014 với 4 môn thi (2 bắt buộc và 2 tự chọn). Thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ.
Theo quy định trên, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã làm một cuộc khảo sát về tỉ lệ đăng kí thi tốt nghiệp THPT. Kết quả đăng ký như sau: Vật Lý 75,6%; Tiếng Anh 56,3%; Hóa Học 50,8%; Địa Lý 11,4%; Sinh Học 5,3% và Lịch Sử 0%.
PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định không phải HS Trường THPT Lương Thế Vinh dốt môn Sử. Mấy năm trước khi môn Sử thi bắt buộc, hầu hết HS của trường đều đạt điểm trên trung bình.
Giải thích về việc tại sao học sinh trường mình lại không chọn môn sử, thầy Cương cho biết, nguyện vọng của các học sinh trường thầy thi ban A, D, rất ít thi ban B và hoàn toàn không có học sinh nào thi ban C. Trong số những môn tự chọn do bộ GD-ĐT đưa ra, ban A tất nhiên các em sẽ chọn Vật Lý và Hóa Học. Đối với ban D, các em sẽ chọn Ngoại Ngữ, còn một môn nữa, học sinh đương nhiên sẽ chọn môn nào dễ học và dễ kiếm điểm nhất.
Thầy cho biết thêm, nếu đã được lựa chọn thì bao giờ tiêu chí đưa ra cũng là lựa chọn môn nào dễ được điểm tối ưu hơn. Sử là môn thi tự luận 60 phút, sẽ mệt mỏi và khó lấy điểm hơn các môn khác. Từ trước đến nay, khi Sử là môn thi bắt buộc, có những trường 100% học sinh dưới điểm trung bình, có những trường có rất ít % đạt trên trung bình.
THPT Lương Thế Vinh là trường đầu tiên công bố không có học sinh đăng ký dự thi môn Sử
Theo thầy Cương, chúng ta không nên đặt ra vấn đề do học sinh học quá dốt môn Sử hay do chúng không mặn mà với môn Sử, mà khi đã quy định được quyền lựa chọn thì học sinh sẽ lựa chọn cho mình phương án tối ưu để đạt nhiều điểm nhất.
Thầy chia sẻ: "Không được đồng nhất hai hiện tượng không ai thi Sử với việc học sinh không thích học Sử. Dù thực tế rõ ràng là có chuyện học sinh không thích học môn Sử nhưng hai cái này độc lập với nhau. Tôi thật sự không buồn khi không có học sinh nào đăng ký dự thi môn Sử và tôi cũng đã dự đoán trước cái việc này vì các em đã chọn học theo khối và đã có quy định như thế thì các em có quyền tự do lựa chọn".
Sau khi có thông tin 100% học sinh trường Lương Thế Vinh không đăng ký dự thi môn Sử, nhiều ý kiến cho rằng trên cả nước tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn này cũng sẽ rất ít, và điều đó có nghĩa là môn Sử đang dần bị mai một ở trong các trường học.
Trước vấn đề này, thầy Cương bày tỏ, khi học sinh không lựa chọn môn Sử thì chắc chắn việc học môn Sử sẽ giảm sút nhưng không có chuyện học sinh hoàn toàn không học môn Sử hoặc sẽ giảm sút một cách thảm hại vì Bộ GD-ĐT còn đưa ra quy định điểm tổng kết của học sinh lớp 12, và sau này có thể là cả lớp 10, 11 nữa chiếm 50% tỷ trọng. Nếu điểm Sử kém sẽ kéo điểm tổng kết trung bình xuống. Điều đó có nghĩa là các em sẽ phải học môn Sử chứ không thể bỏ trắng được.
Trước đó, giáo sư Văn Như Cương còn đưa ra dự đoán hết sức bất ngờ rằng, năm ngoái thi 6 môn bắt buộc (ba môn cố định, ba môn biết trước 2 tháng), năm nay chỉ thi 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn tùy thích trong 6 môn còn lại. Như vậy năm nay ‘dễ ăn’ hơn năm trước nhiều. Nếu năm trước đỗ 98% thì năm nay chí ít cũng phải là 99% (thêm 1% là thừa sức)”.
PGS. Văn Như Cương phân tích rất chi tiết: “Hãy xem công thức để xác định điểm tốt nghiệp: Lấy điểm trung bình môn thi cộng với điểm tổng kết cuối năm lớp 12, rồi chia cho 2. Vậy là nếu em A chỉ được trung bình môn thi là 4 điểm, nhưng điểm lớp 12 là 6 thì vẫn tốt nghiệp đàng hoàng, vì (4+6):2 = 5. Cần phải biết rằng kiếm điểm 6 của lớp 12 là chuyện dễ ợt”…
Sự thay đổi theo hướng “giảm tải” của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh lớp 12 khiến kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn, qua đó tỷ lệ đỗ sẽ cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, rất nhiều học sinh, các chuyên gia giáo dục cũng đưa ra băn khoăn: “Việc 99,9% đến 100% học sinh đều đỗ tốt nghiệp THPT thì kỳ thi này sẽ không còn ý nghĩa gì nữa”.
Trước đó, chiều 24.2, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố 4 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2014, trong đó, hai môn thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán, hai môn tự chọn nằm trong số các môn Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý. Ngoài ra về việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT sẽ kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (trọng số đánh giá là 50% - 50%), chứ không dựa hoàn toàn vào kết quả thi tốt nghiệp để đánh giá, xếp loại như mọi năm. |