Hơn 110.000 thí sinh đỗ đại học "mất tăm", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm từ công an, quân đội và sinh viên làm thủ tục nhập học không cần xác nhận sơ yếu lý lịch là những thông tin nối bật nhất tuần qua.
Ngành sư phạm phải học tập kinh nghiệm từ công an, quân đội
“Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Đó là nội dung được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD&ĐT tổ chức. ngày 11/8.Trước vấn đề nóng được dư luận “mổ xẻ” những ngày qua là ngành Sư phạm có điểm đầu vào ở mức thấp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dư luận nên nhìn nhận toàn diện và thấu đáo.
Bởi lẽ nếu phân tích thì không phải trường sư phạm nào cũng có đầu vào quá thấp. Có những phân ngành điểm trúng tuyển vẫn khá cao hoặc ở mức tương đối nhưng cũng có phân ngành điểm thấp, nhất là ở các trường cao đẳng có đào tạo ngành Sư phạm.
Theo Bộ trưởng, sắp tới Bộ GD&ĐT quyết tâm xây dựng chuẩn trường Sư phạm. Tới đây sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn, dần dần có chính sách để đầu ra - đầu vào hợp lý với sự phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan.
"Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán phù hợp. Trong đó việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh", ông Nhạ khẳng định.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị
Làm sao để “cứu” được trường sư phạm
"Bộ GD&ĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu, các trường sư phạm đang tồn tại rất nhiều trình độ đào tạo, nguồn lực tài chính đầu tư cho sinh viên và cuối cùng phân bổ đội ngũ, tình trạng thừa thiếu đang diễn ra...", GS Nguyễn Văn Minh nêu rõ những bất cập của trường sư phạm.
Vấn đề khiến dư luận lo lắng trong thời gian qua, đó là điểm vào các trường sư phạm, đặc biệt là các trường CĐ sư phạm thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD&ĐT, GS. Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết có một số bất cập đối với các trường sư phạm hiện nay.
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu. Thứ hai, trong các trường sư phạm đang tồn tại rất nhiều trình độ đào tạo. Thứ ba là nguồn lực tài chính đầu tư cho sinh viên và cuối cùng phân bổ đội ngũ, tình trạng thừa thiếu đang diễn ra.
Hơn 100 nghìn thí sinh trúng tuyển 'mất tăm'
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết , tính đến ngày 8/8 đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 352.000. Như vậy, 110.000 thí sinh trúng tuyển còn lại đi đâu?
Trường ĐH Công nghiệp Vinh có 114 thí sinh trúng tuyển trên tổng 275 chỉ tiêu. Thế nhưng, tới cuối ngày 7/8, cũng chỉ có 2 thí sinh nhập học.
Ngày 7/8, trường ĐH Kinh Bắc xác định được 434 em nhập học hệ đại học chính quy đợt 1 trên tổng số 1800 chỉ tiêu.
Tương tự, nhiều trường đại học địa phương cũng rơi vào tình trạng gọi hàng trăm thí sinh nhưng chỉ chưa tới 10 thí sinh tới xác nhận nhập học.
Sinh viên làm thủ tục nhập học không cần xác nhận sơ yếu lý lịch
Đó là khẳng định của bà Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục & Đào tạo trước rắc rối trong xác nhận lý lịch của một số tân sinh viên bị lãnh đạo xã phê vào bản khai lý lịch nhập học mà báo chí phản ánh.
Bà Lê Thị Kim Dung- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục & đào tạo cho biết, trước đây để các nhà trường làm tốt hơn công tác quản lý người học, thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh sinh viên, nhất là nhóm các em thuộc diện chính sách, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 58/2007/QĐ-BGDĐT ngày 12/10/2007, tại Điều 4 có quy định hồ sơ nhập học của học sinh sinh viên gồm 8 loại giấy tờ, trong đó có Lý lịch học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, ngày 25/01/2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, trong đó, tại Khoản 3 Điều 14 của Quy chế quy định hồ sơ thí sinh trúng tuyển nộp vào trường gồm 5 loại giấy tờ, không có Lý lịch học sinh, sinh viên.
"Từ năm học này học sinh sinh viên khi làm thủ tục nhập học không cần làm xác nhận sơ yếu lý lịch" - bà Dung khẳng định.
Theo bà Dung, quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
"Chính vì vậy, từ năm học này, học sinh, sinh viên là thủ tục nhập học không phải nộp xác nhận sơ yếu lý lịch. Bộ GD&ĐT cũng không có văn bản nào yêu cầu địa phương xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch của tân sinh viên" - bà Dung nhấn mạnh.
Trước ý kiến về việc hồ sơ học sinh, sinh viên được bán phổ biến hiện nay có đóng dấu đỏ của Bộ GD&ĐT, bà Dung khẳng định: "Bộ không phát hành mẫu Lý lịch học sinh, sinh viên".
Bà Dung cho biết, học sinh sinh viên thực hiện việc xác nhận các nội dung khai trong sơ yếu lý lịch (nếu có yêu cầu) tại UBND các phường/xã nơi cư trú tuân theo các qui định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.