Các tỉnh gồm Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và khu vực xung quanh được dự báo là tâm bão số 3 đổ bộ khi vào đất liền với cường độ rất mạnh, có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Bão số 3 có thể là cơn bão mạnh nhất trong 8 năm qua đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra những nhận định mới nhất về diễn biến của bão số 3. Cơ quan khí tượng nhận định, bão số 3 (Yagi) là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông, có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc Bộ với cường độ rất mạnh.
Cơ quan khí tượng dự báo, đây có thể là cơn bão đạt cấp độ siêu bão và trong 8 năm qua chúng ta chưa ghi nhận một cơn bão mạnh nào đổ bộ trực tiếp vào khu vực kể từ sau bão số 1 (Mirinae) năm 2016.
Điểm bão đổ bộ sẽ là các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và khu vực xung quanh cần lưu ý những tác động của bão, có các biện pháp phòng chống bão sớm để phòng ngừa thiệt hại.
Bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền với cường độ rất mạnh.
Cơ quan khí tượng cho biết, hồi 16 giờ ngày 3/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15km/h.
Dự báo lúc 16h ngày 4/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h ở vị trí cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 700km về phía Đông với sức gió cấp 11, giật cấp 13.
Lúc 16h ngày 5/9, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/h, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 390km về phía Đông, gió cấp 13, giật cấp 16.
Lúc 16h ngày 6/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió cấp 14, giật cấp 17.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, cường độ ít thay đổi, sau giảm dần.
Do tác động của bão số 3, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; biển động dữ dội. Từ đêm 4-6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.
Trong 24 giờ tới, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m. Từ đêm 04-06/9, có thể tăng dần lên 7,0-9,0m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Hiệu trưởng được chuyển hơn 300 triệu đồng vào tài khoản cá nhân
Ngày 3/9, nguồn tin của PV Tiền Phong, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu tội phạm "Tham ô tài sản", liên quan đến Trường mẫu giáo Sao Biển (thị trấn Gành Hào).
Trước đó, năm 2019, UBND huyện Đông Hải đã có kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Trường mẫu giáo Sao Biển.
Qua thanh tra phát hiện, một số đơn vị, cá nhân có hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ, xây dựng với Trường mẫu giáo Sao Biển đã chuyển tiền vào tài khoản cá nhân bà L.K.H (Hiệu trưởng nhà trường) số tiền hơn 300 triệu đồng, nhưng chưa rõ lý do và có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên kiến nghị chuyển hồ sơ sang công an điều tra.
Ngoài ra, trong 4 năm học (2015 - 2016 đến 2018 – 2019), Trường mẫu giáo Sao Biển thực hiện công tác quản lý, sử dụng nguồn ngoài ngân sách (các khoản thu đầu năm, nguồn phục vụ các lớp bán trú) chưa phù hợp với Luật Ngân sách, Luật Kế toán, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế thực hiện bán trú của nhà trường…
Cụ thể, Hiệu trưởng nhà trường nhận tiền hoa hồng của nhà sách hơn 24 triệu đồng nhưng không nhập quỹ cơ quan để quản lý, mà tự ý dùng số tiền này để chi cho một số cá nhân là chưa phù hợp.
Trường mẫu giáo Sao Biển.
Hiệu trưởng nhà trường báo cáo đã sử dụng số tiền chênh lệch học phẩm hơn 5,6 triệu đồng để mua đồ trang trí cấp phát thêm các lớp, nhưng không có chứng cứ chứng minh đã mua gì, số lượng bao nhiêu…
Nhà trường còn tự tạo lập hóa đơn bán lẻ và tự ký của người cung cấp hàng để thanh toán tiền mua đồ dùng vệ sinh, đồ dùng bán trú số tiền hơn 43 triệu đồng là chưa phù hợp.
Thanh tra cũng phát hiện, nhà trường tự ý thay thế sản phẩm sữa tươi thành sữa bột là sai với quyết định của Thủ tướng, và quyết định của Bộ Y tế. Thanh toán tiền sữa học đường, sữa chua.. với số tiền hơn 388 triệu đồng, nhưng hóa đơn không phải do nhà phân phối cung cấp.
“Chi bồi dưỡng công làm sữa chua cho Ban Giám hiệu nhà trường, nhân viên nhà trường số tiền hơn 100 triệu đồng sai quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, và biên bản họp đầu năm với cha mẹ học sinh”, kết luận thanh tra nêu.
124 người tử vong, 193 người bị thương vì tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ
Theo Cục CSGT, so với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn giao thông năm nay giảm 28 vụ và giảm 36 người chết.
CSGT kiểm tra tài xế và phương tiện giao thông. Ảnh: Cục CSGT
Trong 4 ngày nghỉ lễ, CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 60.300 trường hợp vi phạm, gồm hơn 16.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hơn 14.400 trường hợp vi phạm tốc độ; 474 trường hợp chở hàng quá tải trọng; 64 trường hợp vi phạm về ma túy.
Thông tin thêm về kết quả tuần tra, kiểm soát liên tuyến quốc lộ 1A mà CSGT sử dụng App VNeCSGT, nhà chức trách cho biết từ ngày 31-8 đến 3-9, trên tuyến xảy ra 20 vụ tai nạn làm 7 người chết, 18 người bị thương.
CSGT đã bố trí 734 ca làm việc, kiểm soát 48.679 phương tiện (trong đó có 5.243 xe khách, 7.514 xe tải, 12.074 xe con, 1.105 xe container, 23.000 xe máy, 103 phương tiện khác). Qua đó, CSGT phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 7.500 trường hợp vi phạm.
Tổng số tiền phạt ước tính hơn 14,6 tỉ đồng. CSGT cũng tước giấy phép lái xe hơn 1.500 trường hợp, tạm giữ 1.496 phương tiện. "Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, tình hình giao thông cơ bản được đảm bảo. Ngày đầu nghỉ lễ, do người dân di chuyển về quê và ngược lại tăng cao, Cục CSGT và CSGT các địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông nên tình hình giao thông ổn định"- Cục CSGT thông tin.
Hỗn chiến kinh hoàng, 1 người chết, 1 người bị thương nặng
Ngày 3-9, Công an TP Lai Châu cho biết vừa bắt giữ 8 đối tượng để điều tra về hành vi Giết người, Gây rối trật tự công cộng. Các đối tượng bị bắt gồm: Phàn Cao Guẩn (20 tuổi); Tẩn Minh Phúc (20 tuổi); Tẩn Phàn S. (16 tuổi); Tẩn Minh H. (15 tuổi); Phàn A Tông (21 tuổi); Sìn Mạnh H. (15 tuổi); Tẩn Cao C. (15 tuổi); Phàn Tiến Minh, (21 tuổi), cùng trú tại xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Các đối tượng liên quan tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp
Trước đó, do có mâu thuẫn nên vào khoảng 23 giờ ngày 1-9, nhóm thiếu niên gồm: Sùng A S. (16 tuổi), Má A Kh. (16 tuổi), Tẩn A P. (13 tuổi), cùng một số thanh niên khác trú tại xã Sùng Phài, TP Lai Châu và nhóm của Phàn Cao Guẩn (20 tuổi, đối tượng cầm đầu) đã dùng hung khí nguy hiểm như dao phóng lợn, gậy sắt và vỏ chai bia lao vào đánh nhau.
Hai nhóm đã sử dụng xe máy để đuổi nhau qua các tuyến đường từ xã Sùng Phài đến khu vực trung tâm TP Lai Châu.
Trong lúc hỗn chiến, nhóm của Phàn Cao Guẩn đã dùng dao, gậy sắt tấn công khiến T.A.P. (SN 2011) bị thương nặng và tử vong tại bệnh viện. Một thanh niên khác là G.N.T. bị thương nặng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, công an TP Lai Châu đã tiến hành điều tra, bắt giữ các đối tượng.
Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ứng phó bão Yagi: Không quân sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão Yagi đang hoạt động ở vùng biển phía Đông đảo Luzon thuộc Philippines. Dự báo trong khoảng từ ngày 4/9 đến 6/9, bão Yagi (cơn bão số 3) trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông, gió mạnh tối đa lên tới cấp 12, giật cấp 15. Ngoài ra, khu vực Nam bộ, Tây Nguyên xảy ra mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó với bão Yagi, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) có Công điện gửi các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; các Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân; các Bộ Tư lệnh (BTL) Bộ đội Biên phòng, BTL Cảnh sát biển, BTL Thủ đô Hà Nội; các Quân đoàn 12, 3, 4; các Binh chủng Pháo binh, Đặc công, Tăng thiết giáp, Công binh, Thông tin liên lạc, Hóa học; các Binh đoàn 11, 12, 15, 16, 18.
Lực lượng Không quân và Công binh diễn tập phương án sơ tán, cứu dân trong thiên tai, bão lũ. Ảnh: Nguyễn Minh
Cục Cứu hộ - Cứu nạn đề nghị các đơn vị Quân đội duy trì nghiêm chế độ trực, theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn. Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, vận động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động ứng phó; chủ động điều động lực lượng, phương tiện, di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
BTL các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9 và BTL Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố (quận, huyện) nắm chắc tình hình di chuyển của bão Yagi, mưa lớn khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên. Các đơn vị rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống; bảo đảm an toàn tuyệt đối lực lượng, phương tiện khi đi làm nhiệm vụ.
BTL Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão Yagi để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Quân chủng Hải quân, BTL Cảnh sát biển chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an toàn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh của Bộ Quốc phòng.
Cùng với đó, BTL các Quân đoàn, Binh chủng, Binh đoàn có biện pháp bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa lớn, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.