Cơ quan chức năng xác định vụ bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông chỉ là tai nạn lao động, không có dấu hiệu tội phạm.
Không khởi tố vụ bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông, nhà thầu chịu toàn bộ kinh phí
VTV đưa tin, ngày 17/2, Thượng tá Trần Trung Quốc, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết báo cáo của Công an huyện Thanh Bình thể hiện vụ việc bé Thái Lý Hạo Nam (sinh năm 2012) rơi xuống trụ bê tông trong công trường cầu Rọc Sen "chỉ là tai nạn lao động, không có dấu hiệu tội phạm".
"Đây là tai nạn lao động quá hy hữu và đau lòng, đơn vị thi công cùng nhiều đơn vị đã nỗ lực cứu hộ. Hơn nữa, công trình có rào chắn, chỉ còn một hố cọc định buổi chiều sẽ lấp lại nhưng các bé canh lúc công nhân nghỉ trưa để lẻn vào, nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc", ông Quốc nói, đồng thời cho biết thêm rằng Lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Tháp đã họp và thống nhất cao với nội dung báo cáo trên.
Hiện trường nơi bé trai 10 tuổi không may rơi xuống trụ bê tông. Ảnh: Vnexpress
Chia sẻ với tờ Công an Nhân dân, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết Thanh tra Bộ Xây dựng đã có báo cáo và các cơ quan chức năng đang xử lý.
“Hôm trước đã họp, tinh thần sẽ xử lý hành chính hai đơn vị là nhà thầu thi công và giám sát”, ông Bảo cho hay.
Về kinh phí trong quá trình cứu hộ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết đã giao nhà thầu thi công tính toán, số tiền tương đối lớn nhưng chưa có số tiền cụ thể. Về phần kinh phí sẽ do nhà thầu thi công chịu và chi trả.
Trưa 31/12/2022, 4 cháu bé vào khu vực đang thi công công trình cầu Kênh Rọc Sen. Cháu Thái Lý Hạo Nam (SN 2012) bất ngờ bị lọt vào cọc bê tông rỗng có đường kính 25cm, đã đóng sâu vào lòng đất khoảng 35m với nhiều mối nối. Tỉnh Đồng Tháp và các lực lượng huy động thiết bị, nhân sự nhưng việc cứu hộ không thành công do gặp nhiều khó khăn.
Tối 4/1, dựa trên những dữ liệu thu thập, tỉnh Đồng Tháp thông báo bé Hạo Nam đã tử vong. Đến rạng sáng 20/1, thi thể bé được đưa lên, sau 21 ngày xảy ra tai nạn.
Tờ Vnexpress dẫn báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, cho biết công trình cầu kênh Rọc Sen tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, thuộc gói thầu số 14 - thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước dài hơn 4 km. Dự án do 3 doanh nghiệp thực hiện, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải giám sát thi công, xây dựng.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhiều lần khẳng định đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ nguyên nhân, xử lý sai phạm nếu có; song cũng nhấn mạnh đây là sự việc hy hữu, đáng tiếc.
Con dâu vi phạm, mẹ chồng ra lăng mạ, chống người thi hành công vụ
Cuối giờ chiều ngày 17/2, Công an Thanh Hóa thông tin chính thức về vụ việc người đàn bà lăng mạ, xúc phạm các chiến sĩ CSGT.
Theo đó vào khoảng 11h20 ngày 16/02, tại Km95+100 Quốc lộ 217, Tổ công tác CSGT - TT Công an huyện Bá Thước gồm 06 người, do Đại úy Bùi Tuấn Quý làm Tổ trưởng đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông phát hiện Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1998, ở khu phố 1, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển xe máy có hành vi không đội mũ bảo hiểm.
Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe, thông báo cho chị Lan biết lỗi vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Quá trình Đại úy Bùi Tuấn Quý lập biên bản, Nguyễn Thị Ngân (tên thường gọi là "Ngân gà") SN 1979, ở khu phố 1, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước (mẹ chồng của Lan) đến xin Tổ công tác không lập biên bản vi phạm hành chính đối với Lan nhưng không được chấp nhận nên Ngân đã có hành vi giật, vò nát biên bản vi phạm hành chính, chửi bới các đồng chí trong Tổ công tác.
Đối tượng Nguyễn Thị Ngân
Mặc dù Tổ công tác đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu dừng các hành động cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nhưng đối tượng Ngân không những không chấp hành mà còn liên tiếp chửi bới, dùng tay đánh các chiến sĩ trong Tổ nên đã bị Tổ Công tác khống chế. Sau khi bị khống chế, Ngân vẫn tiếp tục có những hành động dung tục, áp sát, lăng mạ, xúc phạm các đồng chí đang làm nhiệm vụ.
Tổ công tác đã lập biên bản đối với Nguyễn Thị Ngân về hành vi "Chống người thi hành công vụ", bàn giao hồ sơ, tài liệu, đối tượng cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Bá Thước. Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bá Thước đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Ngân, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân huyện củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, chiều tối ngày 16/2, trên các diễn đàn mạng xã hội lan truyền nhiều đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ trung tuổi bị còng tay đứng cạnh một tổ CSGT đang làm nhiệm vụ. Người phụ nữ này lăng mạ, buông những lời nói thô tục, mang tính nhục mạ CSGT.
Qua đoạn clip dài hơn 10 phút, người phụ nữ trung tuổi này luôn mồm văng tục chửi nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT, thậm chí người này còn dùng thân thể của mình cố tình đụng chạm vào người các chiến sĩ công an.
Lại xôn xao một đại lý vé số ở Trà Vinh bán trúng 12 tờ giải đặc biệt
Dư luận chưa khỏi bất ngờ khi một đại lý cấp 2 tại Trà Vinh bán 14 tờ vé số trúng giải đặc biệt trị giá 28 tỉ đồng (chưa trừ thuế) của Công ty Xổ số Kiến thiết tỉnh Kiên Giang hôm 5-2, nay cộng đồng mạng lại "dậy sóng" khi có một đại lý ở tỉnh Trà Vinh bán 12 tờ vé số trúng giải đặc biệt.
Những tờ vé số này do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng phát hành vào ngày 15-2, 12 tờ giải đặc biệt trị giá 24 tỉ đồng (chưa trừ thuế).
Hình ảnh lan truyền trên mạng về một đại lý ở Trà Vinh bán 12 tờ vé số trúng giải đặc biệt. Ảnh: Facebook
Một số trang mạng xã hội cho biết đại lý T.L ở Trà Vinh bán 12 tờ vé số nói trên, với giải đặc biệt có dãy số 511318. Nhiều người để lại bình luận là "xin vía", "chắc về Trà Vinh mua vé số"…
Liên quan vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với ông Lê Văn Khanh, Chủ tịch Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng. Ông Khanh xác nhận 12 vé trúng giải đặc biệt vào ngày 15-2 được bán ra tại một đại lý cấp 2 ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.
"Có khách hàng đến công ty đổi 4 vé trúng, còn 8 vé trúng giải đặc biệt được đổi ở một đại lý cấp 1"- ông Khanh cho biết.
Hai mẹ con tử vong thương tâm ở huyện Củ Chi
Ngày 17-2, Công an TP HCM cho biết các phòng nghiệp vụ đang phối hợp với Công an huyện Củ Chi (TP HCM) điều tra vụ hai mẹ con tử vong.
Đoạn kênh nơi phát hiện hai mẹ con tử vong
Theo thông tin ban đầu, chiều 16-2, người dân nghe thấy tiếng khóc của một bé trai 8 tuổi đang đứng trên bờ kênh ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.
Cháu bé hốt hoảng nói rằng mẹ (34 tuổi) và em trai (5 tuổi) bị chìm dưới kênh. Người dân vội huy động nhân lực lặn tìm.
Người mẹ được phát hiện tử vong cách con trai khoảng 1 mét.
Án mạng kinh hoàng vừa xảy ra ở Tây Ninh
Ngày 17-2, mạng xã hội xôn xao clip công an khống chế một đối tượng có biểu hiện "ngáo đá" được cho là mới sát hại mẹ ruột. Theo người chia sẻ clip thì đối tượng này đã ra tay rất kinh hoàng.
Qua xác minh, vụ việc trên xảy ra ở phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Hiện trường vụ án mạng được người dân chia sẻ lên mạng xã hội
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo công an tỉnh Tây Ninh xác nhận có sự việc trên, đồng thời cho biết, người con trong lúc "ngáo đá" đã có hành vi giết mẹ ruột mình một cách dã man. "Hiện đối tượng vẫn còn ngơ ngơ, chưa tỉnh táo"- vị này thông tin.
Vụ việc đang được cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh thụ lý.
"Cô đồng" gọi hồn, áp vong ở Thái Bình bị xử phạt 3 triệu đồng
Theo tờ Sức khỏe & Đời sống, ngày 17/2, lãnh đạo UBND xã Đông Quan, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo đài về việc điện thờ nhà bà Hoàng Thị Lựu (SN 1957, trú thôn Minh Châu, xã Đông Hưng) hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi thông qua hình thức gọi hồn, áp vong, lên đồng..., UBND xã đã yêu cầu bà Lựu đến trụ sở UBND xã để làm việc, giải quyết về vi phạm trong lĩnh vực văn hóa.
Nguồn tin cho hay, tại buổi làm việc, bà Lựu thừa nhận bản thân có hành nghề gọi hồn, áp vong, xem bói được khoảng 20 năm. Mọi người đến yêu cầu gọi hồn, tùy tâm dâng lễ. Người 20 nghìn đồng, người 50 nghìn đồng đặt vào đĩa gạo để "cô đồng" thực hiện gọi hồn chứ không ép buộc.
Sau khi được tuyên truyền, giải thích, bà Hoàng Thị Lựu đã nhận thức được việc làm của mình là sai trái, không đúng quy định trong lĩnh vực văn hóa. Người này cũng đã cam kết rằng từ nay sẽ đóng cửa, không hành nghề nữa.
Nhà riêng và cũng là điện thờ của bà Hoàng Thị Lựu khóa trái cổng và không còn cảnh người ra vào để xem bói, gọi hồn. Ảnh: Lao động
Theo ông Tống Hồng Phong, Chủ tịch UBND xã Đông Quan, chính quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt hành chính bà Lựu số tiền 3 triệu đồng, đồng thời yêu cầu gia đình bà Lựu chấm dứt mọi hoạt động mê tín dị đoan.
"Bà Lựu đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn để trục lợi được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Bà Lựu ngay sau đó đã chấp hành nộp phạt và cam kết không tái phạm", ông Phong cho hay.
Theo báo Lao động, một cán bộ văn hóa xã Đông Quan cho hay, điện thờ nhà bà Lựu rất nhỏ, chỉ khoảng hơn chục m2, từ trước tới nay, bà này hoạt động cũng không rầm rộ, ồn ào. Theo nguồn tin, trong sáng ngày 17/2, nhà riêng và cũng là điện thờ của bà Hoàng Thị Lựu khóa trái cổng và không còn cảnh người ra vào để xem bói, gọi hồn.
Số ca tử vong do COVID-19 giảm, Trung Quốc tuyên bố chiến thắng đại dịch
Theo kênh truyền hình nhà nước, ngày 16/2 (giờ địa phương) cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc nhận định chính sách và việc điều chỉnh các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tháng 11/2022 là "hoàn toàn đúng đắn".
Báo cáo cho biết diễn biến dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã được cải thiện trong khi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn trên toàn thế giới. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị kêu gọi các quan chức tăng cường giám sát các ổ dịch trong nước và đẩy nhanh công tác tiêm phòng cho người cao tuổi.
Lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố chiến thắng đại dịch COVID-19 sau khi số ca tử vong do dịch bệnh giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg
Trước đó, vào tháng 11/2022, sau một thời gian dài áp dụng chính sách Zero COVID-19 nghiêm ngặt, Trung Quốc đã đột ngột nới lỏng các biện pháp phòng dịch, ngừng việc xét nghiệm hàng loạt, cách ly và phong tỏa.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố chiến thắng COVID-19. Nước này cũng tuyên bố đã đánh bại dịch bệnh vào năm 2020, sau khi COVID-19 lần đầu bùng phát.
Được biết, vào cuối năm 2019, Vũ Hàn (Trung Quốc) là nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện các trường hợp mắc COVID-19. Vũ Hán cũng là thành phố đầu tiên hứng chịu làn sóng đại dịch vào đầu năm 2020. Sau đợt dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và kiên trì theo đuổi chính sách Zero COVID-19 cho tới cuối năm 2022.