Chiều 18/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước..."
Theo Kết luận điều tra (KLĐT), vào khoảng tháng 3/2021, Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream qua mạng Internet, qua các tài khoản mạng xã hội Youtube và Tik Tok để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau. Những buổi phát trực tiếp này của Nguyễn Phương Hằng thu hút rất nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận.
Tại các buổi phát trực tiếp, Nguyễn Phương Hằng đã nói ra những nội dung về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những thông tin gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh và bà Đặng Thị Hàn Ni.
Thời điểm cơ quan chức năng đọc lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng.
Nguyễn Phương Hằng khai nhận, các thông tin mà bị can này đã phát ngôn về 3 cá nhân trên trong các buổi phát livestream trực tiếp là do bị can đọc trên mạng Internet, đọc báo và… nằm mơ, chứ chưa được kiểm chứng và không có căn cứ chứng minh.
Cơ quan điều tra nhận định Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân khi được nhiều người biết đến và được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội để liên tục tổ chức các buổi livestream nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung chưa được kiểm chứng và phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.
Tháng 3/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng.
Cũng theo KLĐT, các cá nhân giúp sức trong các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng gồm: Ông H.C.T (Phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam), bà L.T.T.H (nhân viên văn phòng Công ty Cổ phần Đại Nam), bà N.T.M.N (trợ lý của Nguyễn Phương Hằng tại Công ty Cổ phần Đại Nam).
Ngoài ra, các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng phát ngôn về ông Võ Nguyễn Hoài Linh và bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh còn có sự tham gia với tư cách khách mời của luật sư Đ.A.Q và N.Đ.K. Luật sư Đ.A.Q và N.Đ.K cũng có những phát ngôn liên quan đến ông Hoài Linh và bà Mỹ Oanh trên các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng với nội dung không đúng.
Đối với những cá nhân có liên quan, tham gia giúp sức cho hoạt động của Nguyễn Phương Hằng, Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả. Khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo pháp luật.
Đối với các cá nhân sử dụng kênh mạng xã hội YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến Nguyễn Phương Hằng nhằm mục đích “câu like” để tăng thu nhập, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh và các đơn vị chức năng có liên quan xác minh, làm rõ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Người tâm thần đánh chết nữ nhân viên y tế: Hung thủ hành hung nhiều người trước đó
Liên quan đến vụ việc bà Đ.T.T.H. (55 tuổi, nhân viên y tế Trạm y tế xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) bị nghi phạm Nguyễn Thành Sơn (46 tuổi, ngụ xã Đức Chánh) dùng cây gỗ đánh tử vong sáng 15-8 (Báo Người Lao Động đã thông tin), chính quyền và công an xã Đức Chánh, cho biết hung thủ Nguyễn Thành Sơn đã từng nhiều lần hành hung người dân ở đây.
"Trước khi dùng cây gỗ nhiều lần đánh vào đầu, mặt bà H. đến chết, cách đây khoảng 5 tháng, đối tượng Nguyễn Thành Sơn cũng đã đánh ông Trần Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hội nông dân xã Đức Chánh) bị thương tích rất nặng, trên 90% và đang nằm điều trị chấn thương sọ não ở Bệnh viện chợ Rẫy (TP HCM) nhiều tháng qua", ông Nguyễn Quang Chính, Chủ tịch UBND xã Đức Chánh cho biết.
Nhiều người đến chia buồn cùng gia đình bà H. - nạn nhân bị người tâm thần đánh tử vong.
Cũng theo ông Chính, ngoài trường hợp trên, có nhiều người khác ở Đức Chánh cũng bị ông Sơn trực tiếp hành hung, đánh đập nhưng ở mức độ nhẹ. "Địa phương cũng đã phối hợp với Công an huyện Mộ Đức làm việc với gia đình ông Sơn và bắt buộc gia đình phải đưa Sơn đi điều trị tập trung nhưng gia đình họ không đồng ý", ông Chính cho biết.
Nhiều người dân địa phương bức xúc, cho rằng lẽ ra chính quyền địa phương phải có biện pháp mạnh đối với những trường hợp người bị mắc bệnh tâm thần, tránh hậu quả đáng tiếc.
Được biết, hung thủ Nguyễn Thành Sơn có gia cảnh khó khăn, hiện đang ở với vợ, cùng 2 người con. Hàng ngày ông Sơn đi phụ hồ, làm đồng phụ giúp gia đình.
Hiện ở Đức Chánh có trên 40 trường hợp người bị thâm thần được giao về cho gia đình và thuộc diện quản lý của ngành y tế địa phương.
Bé trai sơ sinh còn nguyên dây rốn bị bỏ trước nhà hàng trong thùng đựng trái cây
Sáng 18-8, trong lúc đi tập thể dục, người dân bất ngờ phát hiện một cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới gốc cây trước cổng một nhà hàng thuộc khu đô thị Vườn Xanh, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Bé trai sơ sinh được phát hiện ở ven đường - Ảnh: Facebook
Theo người dân, bé trai bị bỏ rơi vừa mới sinh nặng khoảng 2,6 kg, chưa cắt dây rốn, được bỏ vào thùng đựng trái cây.
Ngay sau đó, cháu bé được người dân đưa đến Trạm Y tế thị trấn Đô Lương để được chăm sóc. Thương cháu, nhiều người dân mang theo sữa, góp tiền hỗ trợ cháu bé.
Hiện, chính quyền thị trấn Đô Lương đang thông báo rộng rãi để tìm người thân cho cháu bé.
Bạc Liêu: Một thí sinh trượt tốt nghiệp có đơn tường trình bị phát nhầm mã đề
Thí sinh N.B.T. là học sinh của trường THPT Tân Phong (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) vừa có đơn tường trình xin xem lại bài thi tổ hợp khoa học xã hội của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Theo đó, đơn được em T. viết vào ngày 28/7, có nội dung tóm tắt như sau: Ngày 8/7/2022, em T. thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa và Giáo dục Công dân) tại phòng thi 0174 ở điểm thi trung học phổ thông Tân Phong.
Thông tin trên Giáo dục Việt Nam, khi làm bài thi 2 môn đầu là Sử, Địa đều có mã đề là 308, nên em T. đã tô thẳng vào phiếu trả lời trắc nghiệm.
Đến môn Giáo dục Công dân, khi vừa phát đề xong, do tâm lý quá căng thẳng nên em đã làm bài không tốt và cũng không để ý đến mã đề 312. Hết giờ làm bài, ra khỏi phòng thi được một lúc lâu, khi trao đổi với bạn thì em mới phát hiện ra là mình bị nhầm mã đề.
Em T. có nhắn tin với thầy Diệu – Phó hiệu trưởng nhà trường, và cũng là Phó trưởng điểm thi Tân Phong. Thầy Diệu có kiểm tra lại cho em theo tổ hợp Sử, Địa và Giáo dục Công dân là mã đề 308.
Hình minh họa.
Lúc đó, thầy Diệu nói em T. đem đề môn Giáo dục Công dân cho thầy xem, nhưng do hồi hộp, thí sinh này cũng chẳng nhớ là đã để đề ở đâu. Đến ngày công bố điểm thi, môn Giáo dục Công dân em chỉ được có 2 điểm, khác xa với dự đoán ban đầu của em là môn này em phải được 6 điểm.
Thầy Khoa ở văn phòng trường có hỏi em T. về số điểm, thì em có báo lại cho thầy Khoa biết về mã đề. Sáng 28/7, em có tìm ra được đề thi và đem nộp lại cho thầy Khoa ở văn phòng trường.
Đơn tường trình này của em T. có chữ ký xác nhận của thầy Võ Nhật Minh Tâm – Hiệu trưởng và thầy Nguyễn Hoàng Diệu – Phó Hiệu trưởng kiêm Phó trưởng điểm thi của Trường trung học phổ thông Tân Phong.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, em T. trượt tốt nghiệp với điểm số những môn còn lại cũng rất thấp.
Trao đổi với Phụ Nữ TP.HCM, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Khoa học Công nghệ tỉnh Bạc Liêu - cho biết sở đã tiếp nhận thông tin về vụ việc trên. Tuy nhiên, qua kiểm tra, không có cơ sở để xác định thí sinh này bị phát nhầm mã đề như phản ánh. Bởi sau thời điểm diễn ra kỳ thi khá lâu thí sinh này mới báo lại vụ việc và không chứng minh được việc mình bị phát nhầm mã đề.
Trong ngày 28/7, T. đồng thời nộp đơn gửi Hội đồng Sở Giáo dục - Khoa học Công nghệ tỉnh Bạc Liêu và trường THPT Tân Phong đề nghị phúc khảo điểm bài thi cả ba môn tổ hợp khoa học xã hội.
Đối với đơn phúc khảo, ông Dương Hồng Tân cho biết hội đồng của sở đã tiến hành rà soát, chấm điểm phúc khảo tuy nhiên vẫn chấm theo mã đề 308 chứ không theo mã đề 312 như đề nghị của thí sinh. Do đó, điểm số phúc khảo không thay đổi so với trước.
"Chúng tôi đã làm hết sức để hỗ trợ thí sinh, tuy nhiên trong vụ việc này thí sinh không có bằng chứng chứng minh bị phát nhầm mã đề nên không thể chấm theo mã đề mà thí sinh đề nghị", ông Tân nói.
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 17 triệu đồng/lượng
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/8, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,2 - 67,15 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 150.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với hôm qua. Nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 52,35 - 53,15 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch trước đó.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 66,15 - 67,15 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Trên thị trường quốc tế, sáng 18/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.767 USD/ounce, giảm 9 USD/ounce so với cuối phiên giao dịch hôm qua. Theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank (23.550 đồng/USD), giá vàng thế giới khoảng 50,5 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Giá vàng tương lai giao tháng 10/2022 trên sàn Comex New York giảm 26 USD, về mức 1.788,2 USD/ounce.
Một số nhà phân tích thị trường cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài là một yếu tố tiêu cực cho thị trường vàng. Thời gian qua, vàng đã được hỗ trợ khi các nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất vào giữa năm 2023.
Bên cạnh đó, sự phục hồi mạnh mẽ của đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu cũng gây áp lực lên giá vàng. Rạng sáng nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng 0,16% lên mức 106,67. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ đã chạm mốc 2,9%. Đồng bạc xanh tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu tăng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không lãi suất như vàng.
Trên thị trường tiền tệ trong nước, ngày 18/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.192 đồng/USD, giữ nguyên so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 22.550 - 23.400 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Bộ Công an đề xuất người trúng đấu giá được giữ lại biển số khi bán ô tô
Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thiện hồ sơ và đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Theo dự thảo nghị quyết, biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm.
Người có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho đấu giá của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để tham gia đấu giá trực tuyến.
Cơ quan công an sẽ đăng công khai kho số đấu giá tại nơi đăng ký trên trang thông tin đấu giá trực tuyến và trên trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) để người dân biết.
Trường hợp các biển số qua kỳ đấu giá không thành, hệ thống sẽ tự động chuyển về kho số không đấu giá để cấp theo hình thức ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe cho người dân.
Bộ Công an đề xuất người trúng đấu giá được giữ lại biển số khi bán ô tô. Ảnh minh họa
Dự thảo nêu rõ, không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao…
“Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu; được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe cùng biển số trúng đấu giá. Nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số đó không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế cho người khác”, VietNamnet dẫn nội dung dự thảo nghị quyết nêu rõ.
"Quy định này đáp ứng nhu cầu tự xác định, lựa chọn "biển số đẹp" của các cá nhân, tổ chức và tránh việc tổ chức đấu giá lại theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2015, tiết kiệm thời gian, công sức cho xã hội", Dân Trí dẫn lời Bộ Công an lý giải.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết đề xuất, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương và 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Thời hạn thực hiện thí điểm nghị quyết là 3 năm. Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện, tổng kết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.