Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình, đoàn từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên đã về địa phương hỗ trợ khoảng 15.000 hộ dân chịu thiệt hại do trận lũ lịch sử hồi tháng 10-2020, dù không thông qua cơ quan này song đây là hành động kịp thời, đáng quý.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Quảng Bình nói gì về hoạt động từ thiện "lùm xùm" của ca sĩ Thủy Tiên?
Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 7-10, xung quanh hoạt động từ thiện "lùm xùm" và gây tranh cãi của ca sĩ Thủy Tiên trong thời gian qua.
"Thời điểm đó, đoàn từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên đã chủ động liên hệ trực tiếp tại một số địa phương ở Quảng Bình rồi trao tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, không thông qua MTTQ tỉnh. Vì không tham gia nên MTTQ tỉnh không có cụ thể số tiền mà Thủy Tiên hỗ trợ cho từng địa phương trong tỉnh" - bà Hân cho biết.
Ca sĩ Thủy Tiên vào ngân hàng rút tiền từ các nhà hảo tâm hỗ trợ để trao cho người dân Quảng Bình
Theo bà Hân, lúc đoàn từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên về hỗ trợ, giúp đỡ người dân Quảng Bình sau trận lũ lịch sử hồi tháng 10 năm ngoái, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình có nắm thông tin. Thời điểm ấy, có rất nhiều đoàn từ thiện, nhà hảo tâm thông qua kênh MTTQ nên phải liên tục điều phối hoạt động.
Bà Hân cho rằng theo nguyên tắc, để xác nhận cụ thể số tiền, quà trao ở địa phương nào, bao nhiêu thì địa phương ấy cần thống kê và xác nhận. Ủy ban MTTQ tỉnh chỉ nắm được là đoàn của ca sĩ Thủy Tiên trao hỗ trợ cho 15.000 trường hợp ở các huyện, còn số tiền bao nhiều thì không rõ.
"Người dân Quảng Bình rất trân quý khi trong lúc khó khăn đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các đoàn từ thiện, trong đó có ca sĩ Thủy Tiên. Đó là hành động rất đáng quý" - bà Hân tâm sự.
Dù vậy, theo bà Hân, sau sự việc "lùm xùm" của nữ ca sĩ Thủy Tiên thì các đoàn từ thiện nên thông qua các cơ quan chuyên trách như MTTQ, ban cứu trợ của tỉnh. Trong năm 2020, không chỉ đoàn Thủy Tiên mà rất nhiều đoàn khác cũng đến trực tiếp các địa phương nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, không có sự phân bổ hợp lý.
"Hoạt động từ thiện là rất đáng quý nhưng cách làm phải minh bạch, bài bản, thông qua các cơ quan cụ thể để tránh sự việc đáng tiếc" - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình nhìn nhận.
(Theo Người lao động)
Học sinh TP.HCM có thể trở lại trường vào tháng 1-2022
Chiều 7-10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh tại TP và trả lời các vấn đề mà người dân quan tâm.
Hơn 30.000 học sinh tiểu học bị kẹt ở tỉnh
Trả lời câu hỏi về việc dạy học học trực tuyến, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tỉ lệ học sinh TP.HCM học trực tuyến ở cấp THPT đạt 99,8% (225.855/ 226.308 em). Ở cấp THCS, số học sinh học trực tuyến đạt tỉ lệ khá cao với 97,9% (438.299/ 447.701 em) và cấp tiểu học đạt tỉ lệ 97,73%.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM
Cũng theo ông Hiếu, cấp tiểu học hiện có hơn 30.000 em còn kẹt lại ở các tỉnh khác, hơn 26.000 em ở tỉnh nhưng đăng ký học trực tuyến tại các trường, trên 5.000 em chưa có thiết bị đang học tạm tại các trường tiểu học tỉnh, thành phố khác.
Sở GD&ĐT nhận định hiện còn nhiều khó khăn trong dạy và học do đông học sinh cùng lúc đăng nhập học online khiến hệ thống bị tê liệt. Sở đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị tăng khả năng phục vụ dạy và học, nhưng với cơ sở vật chất trong bối cảnh dịch này khó có thể cải thiện. Cạnh đó, cách dạy tại TP có khác so với các tỉnh thành, việc dạy không chỉ livestream mà phải có quản lý, phân công nhiệm vụ dạy và học với học sinh trong giờ học.
Hiện TP có 12 hệ thống phần mềm được cung cấp miễn phí cho các trường, Sở đã chủ động phân luồng để thuận tiện trong triển khai học trực tuyến. Kết quả dạy học 2 tuần đầu cho thấy việc tiếp nhận kiến thức đối với học sinh tiểu học khá tốt, clip dạy học trên truyền hình cũng khá phong phú...
Học sinh có thể trở lại trường từ đầu tháng 1-2022
TP.HCM hiện có hơn 1.500 cơ sở giáo dục được trưng dụng vào phòng chống dịch COVID-19. Đến nay mới có 150 trường được bàn giao để phục hồi, khử khuẩn để đưa vào dạy học trực tiếp.
“Dự kiến khoảng giữa tháng 11-2021 sẽ hoàn tất chuyển giao trường học. Như vậy, ngành GD&ĐT sẽ có hơn 1 tháng để sửa chữa, khắc phục, hoàn chỉnh nhằm đảm bảo dạy và học trực tiếp sau khi được sự cho phép của UBND TP cũng như kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo bộ tiêu chí của an toàn trường học. Dự kiến đầu tháng 1-2022 TP.HCM sẽ dạy học trực tiếp” - ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, UBND huyện Cần giờ đã có văn bản gửi Sở GD&ĐT đề xuất để 2 trường Tiểu học Thạnh An và THCS – THPT Thạnh An tổ chức học trực tiếp từ ngày 11-10. Ngày 30-9, Sở GD&ĐT đã đi kiểm tra, nắm tình hình và yêu cầu xử lý nhà trường khắc phục một số nội dung, xây dựng để đảm bảo an toàn khi học sinh đến trường trở lại.
Theo kế hoạch của huyện Cần Giờ, chỉ có 5 khối lớp gồm 1, 2, 6, 9, 12 được đi học trực tiếp với số lượng 242 học sinh và khoảng 60 giáo viên, đảm bảo đủ điều kiện an toàn để có thể dạy và học ở xã đảo Thạnh An.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
Việt Nam sẽ chấp nhận hộ chiếu vắc-xin như thế nào?
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra dưới hình thức trực tuyến chiều 7-10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến hộ chiếu vắc-xin.
Phóng viên nêu câu hỏi hiện nay Việt Nam dường như đang có ý định nghiên cứu biện pháp hộ chiếu vắc-xin với các nước để xây dựng các cơ chế liên quan và đưa ra các quy định về nhãn hiệu vắc-xin mà khách nhập cảnh cần tiêm. Liệu vắc-xin Medigen do Đài Loan tự nghiên cứu phát triển có được phía Việt Nam chấp nhận hay không? Cho đến nay Việt Nam đã trải qua 1 năm rưỡi dừng tiếp nhận khách du lịch nhập cảnh, vậy khi nào Việt Nam sẽ có kế hoạch tiếp nhận trở lại khách du lịch?
Hành khách làm thủ tục nhập cảnh Việt Nam - Ảnh: Dương Ngọc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn lâu dài, không thể chấm dứt tuyệt đối, Chính phủ Việt Nam đã thống nhất chuyển chủ trương từ không Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Có nghĩa là vừa phòng chống dịch một cách hiệu quả vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, chiến lược hộ chiếu vắc-xin, thẻ xanh sức khỏe hay giấy chứng nhận sức khỏe số được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là các ngành liên quan đến dịch vụ và du lịch.
Vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý với bộ tiêu chí công nhận hộ chiếu vắc-xin của các nước tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao đề xuất. Một trong những nội dung quan trọng của bộ tiêu chí nói trên là về loại vắc-xin, theo đó, Việt Nam chấp nhận các loại vắc-xin được Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ hoặc cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm chủng tới Việt Nam, trước mắt là triển khai thí điểm ở Phú Quốc trong thời gian tới.
(Theo Người lao động)
Hà Nội: 17 khách ngồi uống nước trong quán trà chanh bị phạt 30 triệu đồng
Thông tin từ công an quận Đông Anh (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa đề xuất UBND huyện ra quyết định xử phạt 1 quán trà chanh 40 triệu đồng với hành vi "Không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền"
Trước đó, khoảng 21h30 ngày 3/10, tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 huyện Đông Anh và Công an xã Vĩnh Ngọc kiểm tra hành chính quán trà chanh, giải khát (quán trà “Dory”) tại tổ 17 thị trấn Đông Anh.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19, trong quán có 17 khách tập trung không đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách theo quy định. Chủ quán là anh H. T. D (SN 1993), trú tại huyện Đông Anh.
Căn cứ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, lực lượng chức năng đã thiết lập hồ sơ và xử phạt chủ hộ kinh doanh trà chanh "Dory" về hành vi "Không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền".
Đoàn khách trong quán trà chanh.
Đồng thời, xử phạt 13 khách uống nước tại quán về hành vi "Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế", mỗi người 2 triệu đồng.
Riêng 4 khách còn lại do có độ tuổi dưới 18 tuổi nên được áp dụng Khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt mỗi người là 1 triệu đồng.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi người dân, các cơ sở kinh doanh cần tuân thủ quy định phòng, chống dịch, nâng cao ý thức và chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch, không tập trung đông người, đeo khẩu trang theo quy định.
(Theo Người đưa tin)
Đề xuất bay Hà Nội - TP HCM từ ngày 10-10
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất kế hoạch khai thác tạm thời các đường bay nội địa thường lệ đi và đến sân bay Nội Bài.
Máy bay đỗ tại sân bay Nội Bài
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án triển khai chuyến bay nội địa thường lệ giữa Hà Nội và TP HCM từ ngày 10-10 tới.
Phương án 1, Bộ GTVT đề xuất tổ chức chuyến bay giữa Hà Nội - TP HCM với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ngày (chở khách 2 chiều).
Phương án 2, tổ chức vận chuyển hành khách chiều từ Hà Nội đi TP HCM với tần suất ban đầu là 4 chuyến bay/ngày.
Hành khách đi trên chuyến bay ngoài việc phải tuân thủ "Thông điệp 5K"; khai báo y tế tại điểm xuất ở phát và điểm đến theo quy định còn phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, liều cuối cùng tiệm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Hành khách xuất phát từ vùng được đánh giá là "Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ (cấp 4)" phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 72 giờ. Việc điều chỉnh, mở rộng đối tượng khách khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 8318 sẽ được đánh giá trên tình hình thực tế hoặc có ý kiến đề xuất của TP Hà Nội, bảo đảm yếu tố không yêu cầu cách ly tập trung.
Đối với các địa phương khác, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội có ý kiến cụ thể về khả năng kết nối đường bay đối với từng địa phương.
Hiện nay, Bộ GTVT đã nhận được văn bản thống nhất của các địa phương sẵn sàng kết nối chuyến bay thường lệ chở khách đi và đến Hà Nội, bao gồm: Điện Biên, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau và TP HCM.
(Theo Người lao động)
Bưởi da xanh rớt giá chỉ còn 6.000 đồng/kg, nông dân hái bưởi đi cho
Là loại bưởi có lớp vỏ màu xanh, ruột màu đỏ bắt mắt và vị ngọt thanh ngon miệng, bưởi da xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.
Vì vậy, những năm gần đây, bưởi da xanh được coi là loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho một số địa phương như Đồng Nai, Khánh Hòa, Bến Tre. Ngoài phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa, bưởi da xanh còn được một số đơn vị thu mua để xuất khẩu với giá cao.
Bưởi da xanh được coi là cây trồng chủ lực của một số tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, bưởi da xanh liên tục rớt giá chưa từng có, khiến nhiều hộ gia đình đứng ngồi không yên.
Anh Phan Văn Hậu, trú tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, mọi năm dịp Trung thu, bưởi thường bán được giá cao hơn các tháng khác trong năm vì nhu cầu mua bưởi làm quà biếu tăng cao. Vào dịp này, thương lái đổ xô về các vườn để thu mua bưởi với giá cao. Đây cũng là đợt thu hoạch bưởi lớn thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên Đán.
Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn tiêu thụ giảm mạnh, Trung thu đã qua được nửa tháng nhưng số lượng bưởi trong vườn vẫn không có người thu mua mặc dù giá rớt đến 70%.
“Nhà tôi trồng khoảng 500 cây bưởi da xanh trên diện tích 1,5ha, cho thu hoạch mỗi năm khoảng 15 tấn quả. Những năm trước giá thu mua tại vườn khoảng 40-50.000 đồng/kg nhưng năm nay loại đẹp mới bán được 12.000 đồng/kg, loại dạt thì chỉ còn 6.000 đồng. Giá rẻ nhưng thương lái ép giá, để số lượng dạt lên đến 70%. Rẻ nhưng vẫn phải nhắm mắt bán”, anh Hậu nói.
Do ảnh hưởng của Covid-19 nên bưởi da xanh tại vườn rớt giá chưa từng có.
Theo anh Hậu, bưởi rớt giá nhưng phân bón lại tăng lên mỗi bao 100.000 đồng so với trước đây, thuốc trừ sâu cũng tăng giá. Người nông dân bỏ thời gian, công sức chăm bẵm 6-7 tháng mới được thu hoạch nhưng lại không có công. Nhiều chủ vườn phải đi thuê đất năm nay bỏ vườn không ai làm nữa.
“Đợt trước tôi cũng mất ăn mất ngủ vì bưởi vào vụ thu hoạch mà không có ai mua. Bưởi chín nếu không thu thì sẽ rụng hết, không bán được cho ai. Một số nhà không tìm được thương lái phải hái đem cho cả tấn bưởi. Mình bán được là còn may mắn lắm rồi. Dịch bệnh thì phải chịu thôi, mong Tết này hết dịch, bưởi có giá lại cho nông dân đỡ khổ”, anh Hậu thở dài.
Ở một số tỉnh, bưởi da xanh đẹp chỉ từ 12-13.000 đồng/kg, bưởi dạt chỉ khoảng 6.000 đồng/kg.
Sở hữu vườn bưởi da xanh rộng hơn 5ha, anh Nguyễn Thái Thọ, trú tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, năm nay vườn nhà anh cho thu hoạch khoảng 80 tấn bưởi. Tuy nhiên, trong vườn vẫn còn khoảng 30 tấn vẫn chưa bán được.
Theo anh Thọ, những năm trước, bưởi đến kỳ thu hoạch được thương lái đến mua cả vườn với giá cao, từ 30-35.000 đồng/kg. Thậm chí năm 2017, giá bưởi da xanh còn lên đến 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên năm nay giá bưởi xuống thấp chưa từng có, chỉ còn 7-8.000 đồng/kg bưởi xô.
“Nhà tôi phải thuê 2 nhân công làm việc cả năm, chi phí hàng tháng để chăm sóc vườn bưởi khoảng 50 triệu đồng/tháng, mỗi năm hết nửa tỷ đồng. Vậy nên giá bưởi chỉ vài nghìn/kg thế này xác định không có công mà còn lỗ”, anh Thọ nói.
Bưởi da xanh rao bán tại Hà Nội chỉ 19.000 đồng/quả.
Theo tìm hiểu của PV, nhận thấy giá trị của cây bưởi da xanh mang lại, những năm gần đây, không chỉ các tỉnh miền Đông Nam bộ mà nông dân ở khắp các tỉnh đổ xô đi trồng bưởi da xanh. Diện tích tăng nhanh nhưng bưởi da xanh lại chỉ tiêu thụ trái tươi mà chưa đưa vào chế biến, xuất khẩu nên giá bưởi ngày càng giảm.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều địa phương siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội nên việc vận chuyển, tiêu thụ gặp không ít khó khăn, khiến giá bưởi xuống thấp chưa từng có.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích bưởi trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt hơn 9.957 ha, tăng hơn cả ngàn ha so với cùng kỳ năm ngoái.
Về sản lượng, chỉ tính riêng diện tích bưởi đã cho thu hoạch hiện đạt trên 24,2 ngàn tấn/năm, tăng hơn 1,5 ngàn tấn (tương đương 6,7%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Diện tích cây trồng này tăng nhanh không chỉ tại Đồng Nai mà tại nhiều tỉnh, thành khác bưởi cũng là cây trồng chủ lực phát triển nhanh về diện tích. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2020, chỉ tính riêng khu vực Nam bộ, tổng diện tích bưởi đạt 31,9 ngàn ha, tăng 4,2 ngàn ha so với năm 2019.
(Theo Dân Việt)