Trong tháng 1/2025, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn, khả năng cao gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở khu vực phía Bắc, tập trung trong khoảng thời kỳ giữa tháng 1.
Giữa tháng 1 có thể là cao điểm của rét đậm rét hại
Nhận định về các hình thái thời tiết trong tháng 1/2025, ngày 1/1, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong tháng 1/2025, khoảng từ ngày 1-3/1, rãnh áp thấp có trục khoảng 6-9 độ Vĩ Bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực Nam Biển Đông, sau đó rãnh áp thấp có xu hướng hạ trục xuống phía Nam và mờ dần đi.
Tháng 1 sẽ có nhiều đợt rét đậm rét hại.
"Trong tháng 1/2025, không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với thời kỳ tháng 12/2024, khả năng cao gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở khu vực phía Bắc, tập trung trong khoảng thời kỳ giữa tháng 1", Phó Trưởng phòng Nguyễn Đức Hòa lưu ý.
Cùng với đó, trong tháng 1/2025, khu vực phía Nam của Trung Bộ có khả năng xuất hiện một số ngày mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực Nam Bộ có thể xuất hiện một số ngày mưa trái mùa, trong cơn dông cần đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại trước các hình thái thời tiết trên, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực; đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Chính quyền và các đơn vị chức năng cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân; vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.
Tất cả các trạm quan trắc ở Hà Nội đều cảnh báo chất lượng không khí xấu
Trưa 1/1, không khí lạnh suy yếu, Hà Nội hửng nắng, lặng gió, từ tầng cao của các nhà cao tầng hay cánh đồng có thể thấy lớp bụi mờ mờ trong không khí. Tất cả trạm quan trắc trong nội thành của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy chất lượng không khí đều ở mức xấu trở lên.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là tại khu vực đặt trạm đo ở UBND phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, chỉ số AQI là 264 - mức rất xấu. Cao điểm 7h hôm qua, chỉ số AQI ở trạm này lên 460 - mức nguy hại.
Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng ngày đầu năm 2025.
Mức ô nhiễm này tương đương với cảnh báo mọi người bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn. Người bình thường cần hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời và chuyển tất cả hoạt động vào trong nhà. Nếu cần thiết phải ra ngoài, người dân cần đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn. Nhóm người nhạy cảm được khuyến cáo nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh.
Không chỉ ở nội thành, các trạm ngoại thành như La Phù, huyện Hoài Đức; Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ; Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì chỉ số AQI dao động 151-200, đang ở mức xấu.
Ba trạm đo do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) quản lý ghi nhận trạm trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên chỉ số AQI lên trên 200 từ 19h hôm qua và đang ở mức 218. Điểm trên đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng chỉ số vừa xuống dưới 200, trong khi trước đó ở ngưỡng rất xấu.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, những ngày tới không khí lạnh tiếp tục suy yếu, sáng sớm có mây, trưa nắng hanh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn. Dự báo mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn do hiện tượng nghịch nhiệt cũng như các yếu tố giúp khuếch tán bụi gần như không có.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội gia tăng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6-8h và 17-19h.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020 cho thấy nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần hai lần quy chuẩn quốc gia. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm 30,5%.
Sau đó trừ mấy năm Covid (2020-2021) phải giãn cách xã hội, chất lượng không khí được cải thiện thì đến nay tái diễn ô nhiễm với mức độ trầm trọng hơn. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1-4 và một đợt vào đầu tháng 10.
Vụ kiện đòi 2 tỉ đồng trúng vé số: Động thái bất ngờ của Công ty xổ số Huế
Ngày 1-1, một nguồn tin cho biết Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết TP Huế (kể từ ngày 1-1, tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành TP Huế) đã cung cấp cho bà Nguyễn Thị Ng. (trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thông báo kết quả giám định tờ vé số trúng giải đặc biệt mang số dự thưởng 386552 (F) do Công an TP Huế thực hiện đồng thời trả lại 12 triệu đồng tiền giám định tờ vé số đã thu của bà Ng.
Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết TP Huế đã cung cấp kết quả giám định và trả lại lệ phí 12 triệu đồng cho bà Ng.
Các nội dung này được hai bên thống nhất trong buổi làm việc giữa đại diện của bà Ng. với Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết TP Huế vào ngày 31-12-2024. Kết quả giám định tờ vé số đã được đại diện bà Ng. nộp bổ sung cho TAND thị xã Hương Thuỷ, TP Huế.
Theo quy định của Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết TP Huế, lệ phí giám định vé số bị rách rời nhằm có căn cứ xem xét trả thưởng là do chủ nhân tờ vé số chi trả. Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết TP Huế thừa nhận chỉ trao đổi bằng miệng, không có văn bản theo quy định về việc thu 12 triệu đồng đối với bà Ng. để nộp cho cơ quan chức năng tiến hành giám định. Vậy nên Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết TP Huế đã đồng ý hỗ trợ, trả lại số tiền trên.
Như tin đã đưa, vào ngày 14-10, bà Ng. mua 2 tờ vé số do Công ty TNHH Nhà nước MTV xổ số kiến thiết TP Huế phát hành. Tại kỳ quay thưởng cùng ngày, tờ vé số mang số dự thưởng 486552 (F) trúng giải phụ đặc biệt, dù bị rách nhưng bà Ng. vẫn được trả thưởng 50 triệu đồng.
Còn tờ vé số 386552 (F) trúng giải đặc biệt 2 tỉ đồng không được trả thưởng do tờ vé bị rách phía dưới góc phải. Mặc dù kết quả giám định của Công an TP Huế khẳng định đây là tờ vé số thật, các con số không bị tẩy xoá.
Ngày 10-12, bà Ng. đã có đơn gửi TAND thị xã Hương Thuỷ khởi kiện Công ty TNHH Nhà nước MTV xổ số kiến thiết TP Huế yêu cầu trả thưởng tiền đối với tờ vé số trúng giải đặc biệt.
Bà Ng. đã nộp tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm 36 triệu động, kèm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của của mình đến TAND thị xã Hương Thuỷ.
Clip: Bà Nguyễn Thị Ng. kể về tờ vé số trúng giải độc đắc nhưng không được nhận thưởng. Thực hiện: TRẦN THƯỜNG
Nhiều tài xế vượt đèn đỏ, đi ngược chiều "hốt hoảng" khi được CSGT thông báo mức phạt tiền
Tổ công tác xử lý trường hợp tài xế xe máy đi vào cao tốc.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Nghị định 168 đã tăng mức xử phạt hành chính đối với nhiều hành vi vi phạm với lỗi cố ý, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông đường bộ.
Tài xế vi phạm ký biên bản.
Chiều cùng ngày, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến đường Phạm Hùng.
Quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác bí mật ghi hình tài xế vi phạm lỗi vượt đèn đỏ tại ngã tư Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ (Hà Nội) và phát hiện một số trường hợp vi phạm.
Điển hình, khoảng 14h, tổ công tác phát hiện chị N.K.V (SN 2006, trú tại Hà Nội) điều khiển xe máy chở bạn di chuyển hướng Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ vượt đèn đỏ và dừng kiểm tra. Sau khi được xem hình ảnh vi phạm, chị V. thừa nhận hành vi vi phạm của bản thân và ký biên bản.
Hình ảnh CSGT ghi hình các trường hợp vi phạm.
Chỉ huy Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết, ngoài công tác tuyên truyền, đơn vị sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi cố ý, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... đơn vị sẽ ghi lại hình ảnh vi phạm để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng...
"Người dân tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tạo thói quen dừng xe khi đèn đỏ, không vượt ẩu, phóng nhanh, đã sử dụng rượu bia là không lái xe…" - chỉ huy Đội CSGT đường bộ số 6 khuyến cáo.
Ghi nhận vào sáng cùng ngày tại nút giao thông Lê Duẩn - Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 1 làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông và tuyên truyền nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành các quy định Luật Trật tự, an toàn giao thông.
Quá trình làm nhiệm vụ, các tài xế chấp hành theo tín hiệu đèn giao thông, không vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều…
Người dân chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Tại nút giao Giải Phóng - Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội), tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 4 làm nhiệm vụ đã phát hiện, xử lý trường hợp nam tài xế giao hàng điều khiển xe máy đi ngược chiều.
Tài xế N. (SN 1987, trú tại Thường Tín, Hà Nội) cho biết việc bản thân vi phạm do vội đi giao hàng nên đã đi vào đường ngược chiều cho nhanh. Nam tài xế cho biết, do chưa nắm được quy định về mức phạt mới nên chủ quan. “Biết hành vi vi phạm của mình bị phạt đến 5 triệu đồng thì tôi cũng không dám” - nam tài xế phân trần.
Nam sinh viên vi phạm đi xe máy vào cao tốc.
Còn tại tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), chỉ trong vòng 30 phút, Đội CSGT đường bộ số 11 cũng phát hiện 3 trường hợp tài xế đi vào đường cấm.
Trong đó, nam tài xế K. nói do không nắm rõ luật giao thông, không theo dõi thông tin cập nhật và sử dụng ứng dụng Google map nên đi vào. “Mức phạt trên đối với một sinh viên như tôi là quá khả năng” - nam tài xế cho biết.
Các mức vi phạm tăng từ 1/1/2025.
Theo đại diện Cục CSGT, đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn cho công an các địa phương để thực thi nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông ngay từ ngày đầu có hiệu lực, góp phần thiết lập lại kỷ cương, tạo thói quen cho người tham gia giao thông.
Ngoài ra, lực lượng CSGT các địa phương đã tiến hành nắm bắt các tuyến, điểm, ngã tư... phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, nhất là các ngã tư có nhiều vi phạm để xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện kĩ thuật, vận động người dân chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông.
"Về quan điểm của Bộ Công an, Luật Trật tự, an toàn giao thông sẽ xử lý nghiêm người vi phạm với phương châm "không vùng cấm, không ngoại lệ" và cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm quy định" - đại diện Cục CSGT cho biết.
Tính đến chiều 1/1, toàn quốc xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, bị thương 35 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 50 vụ, làm chết 27 người, bị thương 35 người; Đường sắt xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người; Đường thủy không xảy ra tai nạn. Lực lượng CSGT Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 13.591 trường hợp vi phạm; phạt tiền (dự kiến) 27 tỷ 978 triệu đồng; tạm giữ 82 xe ô tô, 4.050 xe mô tô, 111 phương tiện khác; tước 2.603 GPLX các loại. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 2.789 trường hợp, vi phạm về tốc độ 3.105 trường hợp, chở hàng quá tải trọng 241 trường hợp, quá khổ giới hạn 34 trường hợp, vi phạm ma túy 43 trường hợp. Các Đội TTKSGT đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT kiểm tra, lập biên bản 195 trường hợp vi phạm, phạt tiền (dự kiến) 684,8 triệu đồng, tước GPLX 94 trường hợp, tạm giữ 4 phương tiện. |